Vietstock - Lịch sử bong bóng hoa Tulip và bài học cho cơn sốt Bitcoin (kỳ 1)
Ngày nay, bất cứ ai du lịch đến với Hà Lan – xứ sở của các loài hoa – đều không thể không chiêm ngưỡng vẻ đẹp của bông Tulip, một biểu tượng trên mọi nẻo phố của đất nước này. Song ngạc nhiên thay, ít có ai biết rằng loài hoa này vốn xuất xứ từ Thổ Nhĩ Kỳ và đã trải qua một thập niên thương mại “điên đảo” trước khi trở thành một biểu tượng đẹp và có đôi phần đau thương của con người nơi đây.
Trích dẫn, dịch và tóm tắt từ tác phẩm “Extraordinary Popular Delusion của Charles Mackay, 1835 – chương The Tulipomania”
Hơn nữa, nhìn về cơn sốt Bitcoin trong giai đoạn vừa qua, không thể không nhớ đến câu chuyện về nguồn gốc của loài hoa Tulip đầy ly kỳ này. Do đó, xin quý đọc giả hãy chiêm nghiệm diễn biến câu chuyện trên và tự rút ra bài học cho mình dựa trên tác phẩm Extraordinary Popular Delusion của ngài Charles Mackay.
Nguồn gốc của loài hoa xứ Thổ
Hoa tulip – như tên gọi vốn có của nó – thật ra lại có nguồn gốc từ Constantinople (ngày nay chuyển tên thành Istanbul - thủ phủ của Thổ Nhĩ Kỳ) và được giới thiệu vào khu vực Tây Âu những năm giữa thế kỷ 16.
Conrad Gesner, người tự nhận mình là dân Châu Âu đầu tiên đã thấy cành hoa Tulip đầu tiên vào năm 1559 tại một vườn hoa đẹp tại Augsburg và giới thiệu về cho giới nhà giàu tại Hà Lan, chưa bao giờ nghĩ rằng loài hoa này sẽ trở nên một hiện tượng khuynh đảo cả một vùng trời châu Âu chỉ một thời gian ngắn sau đó.
Trong vòng 10 đến 11 năm kể từ khi Gesner phát hiện, hoa tulip trở thành một món hàng xa xỉ được sưu tập sát sao bởi giới quý tộc Hà Lan và Đức. Giống tulip đầu tiên cũng bắt đầu được gieo trồng ở Anh khi những thương nhân ở Vienna mang tới năm 1600. Cho đến 1634, danh tiếng của loài hoa này tăng lên một mức mà bất kỳ người nào có chút tài sản mà không sở hữu nó thì cũng giống như một gã nhà quê ít học vậy.
Một cá nhân không ở thời kỳ này sẽ nghĩ rằng nhất định phải có đặc tính gì đó đặc biệt khiến loài hoa này trở nên giá trị trong mắt vô số người như vậy: Có thể là bởi màu sắc tinh túy, mùi hương thơm ngát hay sự dẻo dai và ít chịu sâu bệnh. Tuy nhiên tất cả các suy nghĩ thông thường đó đều không đúng – bởi vì loài hoa này được bán với giá xa xỉ kinh ngạc chỉ vì sự khan hiếm và những lời khen ngợi dành cho nó.
Nhà thơ Cowley đã khen loài hoa tulip “chẳng khác gì vàng bạc và lụa là, chỉ đôi mắt của những kẻ sang trọng nhất mới thực sự xứng đáng để ngắm nhìn vẻ đẹp đó”. Nhà khoa học Beckmann thì cho rằng “loài hoa này là kiệt tác của tạo hóa, khi nó càng lớn lên đẹp đẽ thì lại càng mong manh và cần sự chăm chút, hệt như một tiểu thư cành vàng lá ngọc vậy”.
Cơn sốt hoa Tulip “điên loạn”
Đến năm 1635, sự cuồng tín trong giới nhà giàu Hà Lan cho loài hoa này đã cao đến mức hầu hết các hoạt động sản xuất – kinh doanh thông thường của đất nước bị đình trệ. Thay vào đó, hầu hết dân cư, kể cả những tầng lớp thấp bé nhất, cũng lao vào nuôi trồng và buôn bán những rặng bông tulip này (!).
Trước tiên xin quý đọc giả ghi nhớ rằng tất cả đồng tiền ngày ấy đều làm bằng vàng nguyên chất với trị giá rất cao. 1 florin (tiền gốc Ý) ngày ấy nặng 3.5 gram vàng nguyên chất, tương ứng với 98 USD ngày nay. Với cơn sốt ngày càng gia tăng, đầu tiên người ta nghe kể đến một số thương nhân sẵn sàng “đầu tư” cả gia tài của họ cho 40 cành hoa tulip với giá 100,000 florin. Sau đó, người ta lại tiếp tục truyền tai nhau về mức trả giá tăng kinh ngạc cho các chủng loại khác nhau của loài hoa này. Chẳng hạn như một bông Admiral Van Der Eyck sẽ bán đến 1,260 florin; một cành Viceroy sang trọng sẽ bán với giá 3,000 florin; và mắc nhất trong số đó, cành Semper Augustus, được cho là “khá rẻ” ở mức giá 5,500 florin, tương ứng với 540,000 USD một cành hoa theo thời giá ngày nay (!)
Vào một thời điểm năm 1636, có lời đồn rằng chỉ có đúng hai cành hoa tại Amsterdam thuộc giống loài Viceroy. Khát khao được sở hữu thứ hoa khan hiếm đó, một nhà đầu cơ sốt ruột đã đưa ra một lời đề nghị mua một cành Viceroy trên mà vẫn còn tồn tại như một huyền thoại đến thời hiện đại:
Giá các hàng hóa tại thời điểm năm 1635
|
Những con người xa xứ Hà Lan lâu nay vừa quay lại khi cơn sốt này ở đỉnh điểm, đôi khi trở thành trò cười bi thương cho sự thiếu hiểu biết của họ.
Một thương nhân giàu có sau chuyến tàu đã nói với anh thủy thủ của mình rằng sẽ thưởng cho anh ta một bữa cá no nê. Người thủy thủ này vô tình thấy trên bàn thương gia có một cành hoa trông giống củ hành tây, anh ta liền dùng bữa sáng của mình một cách ngon lành với "củ hành tây" này. Nhưng trớ trêu thay anh ta đâu biết rằng "củ hành tây" ấy chính là Semper Augustus, loài hoa đắt giá bằng toàn bộ chi phí cho đội tàu anh ta đi cả năm. Vài giờ sau đó người thương nhân đã truy tìm ra kẻ tội đồ đã dùng bữa sáng bằng hoa Tulip và tống anh ta vào ngục chung thân. Người ta còn kể về chuyện một nhà sinh vật học đã bị tống giam vì tò mò dùng dao bóc tách cành Admiral Van Der Eyck chỉ vì anh ta cảm thấy "củ hành tây" này thú vị.
Nguồn cầu cho loài hoa tulip đã đạt đỉnh điểm khi giao dịch không chính thống nhiều đến mức Sở Giao Dịch Chứng Khoán Amsterdam lúc bấy giờ phải niêm yết chính thức hợp đồng hàng hóa hoa tulip lên các chi nhánh tại Rotterdam, Harlaem, Leyden, Hoorn và nhiều thị trấn khác.
Trong cơn đầu cơ hỗn loạn, rất nhiều cá nhân đã giàu lên nhanh chóng. Một cái bẫy vàng bạc đã được giăng ra trước mũi của bất kỳ kẻ nào tham lam: hết người này đến người khác, ai nấy đều tham gia cuộc chơi như những con thiêu thân. Rất nhiều nhà đất hàng chục hecta được bán đi với giá rẻ mạt để đổi sang nhưng cành hoa tulip mỏng manh. Mọi người đều tin rằng niềm đam mê cho tulip sẽ kéo dài vĩnh viễn, và khắp nơi trên thế giới sẽ đổ về Hà Lan để mua cho bằng được hoa tulip, cho dù giá cả có cao cách mấy đi chăng nữa.
Hà Hùng Anh