Vietstock - Lấy ý kiến về tác động của công trình khai thác nước
Chính phủ đã có quy định việc lấy ý kiến của đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân có liên quan về tác động của công trình khai thác nước.
Cần lấy ý kiến của đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân có liên quan về tác động của công trình khai thác nước |
Chính phủ ban hành Nghị định 54/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Theo đó, Chính phủ quy định: Lấy ý kiến của đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân có liên quan về tác động của công trình khai thác nước.
Cụ thể, đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân có liên quan trong khai thác nước theo quy định tại Luật Tài nguyên nước, bao gồm: trưởng thôn, làng, ấp, bản, bon, buôn, phum, sóc, tổ trưởng tổ dân phố và điểm dân cư tương tự hoặc người được cộng đồng dân cư thỏa thuận cử ra, Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện, đơn vị quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước chịu ảnh hưởng của việc khai thác nước của dự án.
Các dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác nước có ảnh hưởng lớn đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của Nhân dân trên địa bàn phải lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư bao gồm:
1 - Hồ chứa, đập dâng xây dựng trên sông, suối, kênh, mương, rạch.
2 - Công trình ngăn sông, suối, kênh, mương, rạch khác quy định tại điểm a khoản này với mục đích tạo nguồn, ngăn mặn, chống ngập, tạo cảnh quan.
3 - Công trình khai thác nước mặt không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này có quy mô khai thác từ 10 m3/giây trở lên cho mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; từ 300,000 m3/ngày đêm trở lên cho mục đích sinh hoạt, kinh doanh, dịch vụ, sản xuất (bao gồm cả khai thác để sử dụng nước cho mục đích làm mát máy, thiết bị, tạo hơi, gia nhiệt), thi công xây dựng công trình.
4 - Công trình khai thác nước dưới đất có quy mô khai thác nước từ 12.000 m3/ngày đêm trở lên.
Nghị định nêu rõ, thời điểm lấy ý kiến là trước khi xây dựng công trình và không quá 12 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác nước mặt đối với trường hợp 1, 2 và 3 nêu trên.
Thời điểm lấy ý kiến đối với trường hợp 4 nêu trên là trong quá trình thăm dò.
Theo Nghị định, tổ chức, cá nhân đầu tư dự án có thể kết hợp lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan về tác động của công trình khai thác nước cùng với việc lấy ý kiến tham vấn đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường nhưng thời điểm, nội dung lấy ý kiến phải đảm bảo theo quy định tại Điều này.
Nội dung thông tin cung cấp để tổ chức lấy ý kiến bao gồm:
Thông tin tổng thể của dự án; kế hoạch, tiến độ triển khai dự án kèm theo văn bản, tài liệu pháp lý liên quan đến đầu tư, xây dựng dự án, thời gian dự kiến vận hành khai thác nước.
Thuyết minh phương án khai thác tài nguyên nước của dự án, trong đó thể hiện đầy đủ các thông tin quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định này.
Dự kiến tác động và các biện pháp giảm thiểu tác động của việc vận hành khai thác của công trình đến nguồn nước, môi trường, các đối tượng khai thác, sử dụng nước và đối tượng khác có khả năng bị ảnh hưởng trong quá trình xây dựng, vận hành công trình;
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2024.
Tuệ Văn