Vietstock - 'Găm' container để thổi giá cước vận tải vượt kiểm soát?
Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lo ngại có tình trạng “găm” container và chỗ trên tàu (space) từ phía các hãng tàu để đẩy giá thuê container lên cao.
* Cước vận tải container từ châu Á tới Mỹ, châu Âu lại tăng vọt
Cước vận tải vượt kiểm soát, doanh nghiệp khốn đốn. Ảnh: Ngọc Dương
|
Cước vận tải tăng gấp 10 lần
Theo phản ánh từ các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản (hội viên Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP), thời gian qua, các hãng tàu đã thông báo tăng giá cước từ 2 - 10 lần (tùy chặng, tùy hãng), phần lớn do giá thuê container và phụ phí cao ngất. Từ cuối tháng 11.2020, phí thuê container đi từ Việt Nam (cho cả cont hàng khô và hàng lạnh) đã tăng đột biến. Ở một số cảng, giá đã tăng gấp đôi tháng sau so với tháng trước và gần gấp 6 lần so với giá đầu năm 2020.
Đơn cử, giá vận chuyển container lạnh từ Việt Nam đi cảng Southampton (Anh) đầu năm 2020 là 1.600 USD/cont, đến tháng 12.2020 là 5.000 USD/cont, tháng 5.2021 vọt lên tới 9.100 USD/cont; Container lạnh từ Việt Nam đi cảng Los Angeles (Mỹ) đầu năm 2020 có giá 1.800 USD/cont, đến tháng 12.2020 là 4.000 USD/cont, ghi nhận tới tháng 5 vừa qua đã tăng gấp đôi, lên 8.000 USD/cont. Tương tự, giá vận chuyển container hàng khô từ Việt Nam đi Israel tháng 10.2020 mới chỉ là 2.300 USD/cont 20 feet (ft) thì tháng 3.2021 đã lên 6.300 USD/cont 20 ft (hãng tàu Happloy, Evergreen) đến 7.000 USD/cont 20 ft (hãng tàu Zim), thậm chí có hãng tàu còn báo cước phí lên đến 11.000 USD/cont 20 ft.
Bên cạnh đó, vào cuối tháng 10.2020, nhiều hãng tàu vận tải container như Wan Hai Lines Ltd., Heung A Line, Interasia, Yaming Shipping Vietnam, Sinokor (Vietnam)… đã đồng loạt gửi thông báo đến các khách hàng yêu cầu tăng phụ phí Rate Retoration (RR) đối với hàng container xuất khẩu từ Việt Nam đi các thị trường châu Á. Mức tăng từ 50 - 200 USD/cont và bắt đầu áp dụng luôn từ 1.11.2020, tức chỉ vài ngày sau ngày gửi thông báo.
Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn rất khó hoặc không thể đặt được container/chặng tàu cho nhiều chặng quan trọng, gây ra tình trạng ùn ứ và chi phí đội lên rất cao cho ngành xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nói riêng cũng như các ngành xuất khẩu nói chung.
Theo VASEP, mặc dù giá thuê cao như vậy nhưng doanh nghiệp vẫn rất khó đặt được container do thiếu container tại các cảng, các tuyến. Nhiều doanh nghiệp phản ánh muốn thuê container phải đặt trước một tháng mà nhiều trường hợp vẫn không thuê được. Các doanh nghiệp gần như đang phải tranh nhau chỗ để đặt thuê container.
"Ngay cả khi doanh nghiệp đã đăng ký được cont đóng hàng đưa ra cảng để lên tàu xuất khẩu rồi, nhưng vì thiếu hụt lượng container dẫn đến các hãng tàu liên tục delay, hoãn chuyến, có nhiều tàu phải delay 4 - 5 lần (tương đương khoảng 10 - 15 ngày)/chuyến, gây việc chậm trễ đơn hàng xuất khẩu. Các đơn hàng phải giao để kịp quota nhưng tàu delay/hoãn dẫn đến chậm trễ buộc phải hủy giao hàng, chi phí lưu cont ở cảng cũng tăng lên gấp nhiều lần" - đại diện VASEP nêu thực trạng và cho biết việc thiếu hụt container cho xuất nhập khẩu hàng hóa đã và đang dẫn đến ách tắc cả cho đầu ra (các lô hàng xuất khẩu) lẫn đầu vào (các lô nguyên liệu nhập khẩu) của doanh nghiệp, tăng chi phí lưu kho, lưu bãi và gây ra nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng của nhiều ngành hàng.
Thời gian qua, Cục Hàng hải cũng đã chủ động có một số cuộc họp với Hiệp hội Xuất nhập khẩu của Việt Nam và đại diện các hãng tàu để tìm giải pháp giải quyết tình hình. Tuy nhiên, đến nay cước phí vận tải tàu biển vẫn tiếp tục tăng cao và tình trạng thiếu container càng ngày càng nghiêm trọng.
Có tình trạng “găm” container để thổi giá thuê?
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, trên thị trường container rỗng hiện nay, doanh nghiệp nào trả cước cao hơn thì hãng tàu sẽ cấp container. Thậm chí, các doanh nghiệp đã đăng ký container rồi nhưng do cước phí thuê tăng lên hằng ngày nên các hãng tàu sẵn sàng hủy booking (đăng ký) để chuyển cho công ty khác nếu đơn vị kia trả cước cao hơn. Như vậy, nếu các công ty sẵn sàng chấp nhận mức giá cao hơn thì sẽ dễ được chấp nhận booking hơn và nếu đăng ký qua các đại lý cũng dễ dàng hơn so với trực tiếp đặt booking với các hãng tàu.
Các chuyên gia của VASEP đặt vấn đề: Phải chăng đã có tình trạng “găm” container và chỗ trên tàu từ phía các hãng tàu để đẩy giá thuê container lên cao? Điều này là phi lý trong bối cảnh giá dầu (chi phí lớn nhất trong cơ cấu chi phí hoạt động của các hãng tàu) thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước đây, đồng thời các hàng tàu đã có thời gian dài từ quý 4/2020 để bổ sung số lượng tàu và container còn thiếu hụt. Nếu không có các biện pháp kiểm soát, tình hình này sẽ kéo dài với chi phí vận tải biển và tình trạng container thiếu hụt tiếp tục tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu thủy sản nói riêng cũng như các ngành hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam nói chung.
Do ảnh hưởng dịch bệnh, từ năm 2020, chuỗi cung ứng toàn cầu có nhiều thay đổi, những sản phẩm chất lượng của Việt Nam ngày càng có uy tín đối với người tiêu dùng Mỹ. Đặc biệt, việc Mỹ và EU mở cửa trở lại sau khi tiêm vắc xin rộng rãi cho người dân đã khiến nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Tuy vậy, giá cước vận tải biển, chi phí logistics đang là rào cản rất lớn đối với hàng hóa xuất khẩu của nước ta.
VASEP tiếp tục kiến nghị Bộ NN-PTNT có báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và có các chỉ đạo giải quyết tháo gỡ vấn đề thiếu container đi các tuyến và giảm giá cước vận chuyển tàu biển trở lại như trước tháng 11.2020.
Hà Mai