Vietstock - Lãnh đạo mua bán cổ phiếu: Tân lãnh đạo ra tay
Vừa bước lên vị trí mới, những vị lãnh đạo và tổ chức có liên quan đã có động thái gom làm sôi nổi giao dịch tuần qua 14-21/08. Tuy nhiên, trong một mảng màu ngược lại, những cá nhân đã cầm trịch lâu năm thì cùng người thân bán tháo nhằm chốt lời hoặc mục đích khác.
Sau một loạt 7 phiên lau sàn liên tục thì phiên ngày 18/08, HAI lại bất ngờ khoác lại sắc tím với lượng giao dịch đột biến hơn 23.3 triệu đơn vị, trong khi suốt khoảng thời gian từ khi nổi sóng lượng khớp lệnh cao nhất chỉ khoảng 13 triệu cp.
Diễn biến giá cổ phiếu HAI từ tháng 5/2017 đến nay
|
Trước diễn biến bất thường của đường giá là thông tin của cuộc sang tay 200,000 cp của vị Tổng giám đốc Quách Thành Đồng ở chiều bán và tân Chủ tịch HĐQT Trần Quang Huy ở chiều mua. Ông Huy được bầu tạm thời làm thành viên HĐQT cũng như giữ chức vụ tân Chủ tịch HĐQT của HAI kể từ ngày 25/7/2017, sau khi Chủ tịch Doãn Văn Phương bất ngờ từ chức.
Hiện đã có kết quả thoái của ông Đồng nhưng giao dịch của ông Huy vẫn chưa có thông tin gì. Được biết, mục đích mua chỉ 200,000 cp của vị tân Chủ tịch này là để sở hữu cổ phiếu của HAI, nếu giao dịch thành công sở hữu được nâng từ 0 lên 0.17%.
Cùng với hoạt động sang tay, Tập đoàn FLC – tổ chức mà ông Huy giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc và cũng đang nắm giữ 12.79% vốn (tương đương 15 triệu cp) – mới đây có nhã ý muốn gom thêm 5 triệu cp. Với sự nhảy múa liên tục của giá HAI trong hiện tại, khả năng FLC sẽ phải bỏ ra từ 65 tỷ đến 100 tỷ đồng (tương ứng mức giá từ 13,000 – 20,000 đồng/cp) để thực hiện thương vụ này. Nếu giao dịch thành công, con số nắm giữ sẽ được nâng lên mức 20 triệu cổ phiếu, tương đương 17.05% vốn.
Suốt gần một năm tại HVA không có giao dịch lớn từ các vị lãnh đạo, bất ngờ Ủy viên HĐQT Nguyễn Ngọc Sơn lại thoái hết 16.66% cổ phần nắm giữ (tương đương 941,200 cp), đồng thời chiều mua vào là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Nguyễn Khánh Toàn với 900,000 cp trong tổng số 1.4 triệu cp đăng ký. Được biết, ông Toàn mới được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HVA kể từ ngày 01/08/2017 và với mức giá quanh ly trà đá suốt từ đầu năm 2017 đến nay, vị tân lãnh đạo dự sẽ chi ra khoảng 2.7 tỷ đồng.
Ngoài ra, Ủy viên HĐQT Nguyễn Bảo Quốc cũng đăng ký mua vào với số lượng 500,000 cổ phiếu HVA. Tuy nhiên, do thị trường không thuận lợi, giá mua không được như kỳ vọng nên ông Quốc giao dịch bất thành.
Trong khi những vị tân lãnh đạo ra sức gom cổ phiếu để tạo dựng lòng tin với cổ đông thì ở một số doanh nghiệp khác, chính bản thân người cầm trịch và người thân lại vội tháo chạy.
Điển hình như tại APS, hai cá nhân liên quan đến ông Đinh Việt Trung - Ủy viên HĐQT là ông Đinh Việt Thanh và bà Lâm Nhựt Quỳnh Anh trước đó nắm giữ tổng cộng hơn 2.6 triệu cp (6.7% vốn) APS, bỗng có động thái bán tháo toàn bộ lượng cổ phiếu nắm giữ.
Nhìn lại biểu đồ giá của APS mới phần nào hiểu được động cơ của đợt bán tháo này. Với mức giá hồi đầu năm vào khoảng 2,500 đồng/cp, APS gần đây đã có cuộc leo dốc tăng gấp 2 lần và chạm đỉnh vào ngày 08/08 tại 5,400 đồng/cp. Giao dịch của bà Anh và ông Thanh thì diễn ra vào ngày 09 và 10/08 khi mà giá quay đầu thả dốc, hai cá nhân này lần lượt thu về 4 tỷ và 8.3 tỷ đồng sau giao dịch.
Cũng từng có hành trình bứt phá giá vào khoảng đầu tháng 5 đưa cổ phiếu NVT từ 2,000 đồng/cp lên vùng giá 4,000-5,000 đồng/cp và sau đó bắt đầu có dấu hiệu đổ đèo. Trước nguy cơ đó, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hoàng Anh Dũng đã đăng ký bán gần hết lượng cổ phiếu nắm giữ là 1.9 triệu cp. Nhưng mới đây kết quả công bố khớp lệnh chưa được một nửa (chỉ khoảng 895,000 cp) với lý do là diễn biến thị trường điều chỉnh không phù hợp so với dự kiến.
Diễn biến giao dịch của APS và NVT trong 6 tháng gần đây
|
Tại ATA, trong khi những cổ đông ngoài công ty liên tục gom cổ phiếu thì Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Sơn lại ngược dòng khi muốn bán 1 triệu cp. Kết quả giao dịch chỉ bán được 983,400 cp, giảm sở hữu từ 15% xuống còn 6.18% (tương đương 816,680). Nhắc đến ATA, thị giá giao dịch cổ phiếu này ngày càng tiến về 0, đang đứng giá tại 800 đồng/cp.