Vietstock - Lãnh đạo mua bán cổ phiếu: Đổ tiền chơi lớn!
Trong tuần từ 31/07-08/08, khi mà những tín hiệu đến từ thông tin kết quả kinh doanh nửa đầu năm bắt đầu hạ nhiệt thì các vị lãnh đạo doanh nghiệp lại bất ngờ đổ tiền cho những cuộc chơi lớn.
Hình minh họa
|
Đang sở hữu 2 triệu đơn vị cp (tương đương 2.17%) tại NTP, Ủy viên HĐQT Đặng Quốc Dũng bất ngờ có động thái gom 4.2 triệu cp, nâng sở hữu lên 6.87% và trở thành cổ đông lớn. Xoay quanh NTP thời điểm hiện tại không quá nhiều câu chuyện sốt dẻo. Sau khi phát hành gần 15 triệu cp để nâng vốn điều lệ lên hơn 892 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ sở hữu, thông tin kết quả kinh doanh của NTP không mấy ấn tượng khi quý 2 các chỉ tiêu lợi nhuận đều giảm nhẹ so với cùng kỳ, may mắn nhờ quý 1/2017 nên lũy kế vẫn giữ được phong độ với lãi trước thuế tăng nhẹ lên 232 tỷ đồng và thực hiện 51% kế hoạch. Như vậy với mức giá không nhỏ khoảng 66,000 đồng/cp, điều gì đã khiến ông Dũng bỏ ra khoảng hơn 277 tỷ đồng để gom lớn?
Sau khi Chủ tịch QPH - ông Thái Phong Nhã hoàn tất bán gần 3 triệu cp nhằm chuyển nhượng cho Điện lực Trung Sơn, thì phía Điện lực Trung Sơn chỉ mua được 1.25 triệu cp. Mới đây ngược với chiều thoái ra của các cổ đông lớn tại QPH, ông Lê Thái Hưng - Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc lại mua vào hơn 1.2 triệu cp để nâng sở hữu lên 6.92% vốn và trở thành cổ đông lớn, dù trước đó ông Hưng chỉ sở hữu vài chục ngàn đơn vị.
Tại hai doanh nghiệp UPCoM là VHH và SPH cũng diễn ra giao dịch mua bán lớn của hai cá nhân cầm trịch. Cụ thể, ông Nguyễn Văn Tưởng - Ủy viên HĐQT của VHH đã mua thành công 1.32 triệu cp, nâng sở hữu từ con số 0 lên thành 22%. Và sau giao dịch, sóng cổ phiếu lại nổi lên với 4 phiên sắc tím liên tiếp, đưa giá VHH từ 2,000 đồng/cp hiện đang kịch trần tại 3,300 đồng/cp, tăng 65%.
Cũng gom số lượng đâu đó khoảng 1.3 triệu cp, Tổng Giám đốc của SPH – ông Nguyễn Phú Cường đã tăng sở hữu lên gấp đôi thành 24%vốn, trong khi đó diễn biến giá SPH trên thị trường vẫn một mực ”neo” tại 9,700 đồng/cp.
Tuần qua, việc đăng ký mua 4.35 triệu cp của vị Chủ tịch PVR – bà Khúc Thị Thanh Huyền với chiều bán của CTCP Quản lý Quỹ PVI vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung. Quản lý Quỹ PVI cho biết chưa thể trao tay lượng cổ phiếu trên vì giá giao dịch chưa đạt kỳ vọng, trong khi đó bà Huyền đưa ra lý do là không có số lượng kỳ vọng chào bán để thực hiện giao dịch mua. Có thể thấy quanh PVR hiện tại chủ yếu là sắc xám với giá cổ phiếu đứng yên ở mức 2,200 đồng/cp và con đường kinh doanh bết bát khi mới đây quý 2 không phát sinh doanh thu thuần và lỗ ròng gần 2.3 tỷ đồng, đánh dấu “thành tích” quý thứ 10 liên tiếp chìm trong thua lỗ.
Câu chuyện lướt sóng đâu chỉ diễn ra ở nhà đầu tư cá nhân, những tay chơi trong cuộc mới thực sự đáng gờm. Như HTT chỉ mới chào sàn vào tháng 7/2017 nhưng Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Đỉnh đã tích cực giao dịch. Cụ thể, sau khi đã mua thành công tổng cộng 711,990 cp trong 4 ngày từ 17 – 20/07, thì trong hai ngày 24/07 và 27/07, vị lãnh đạo này đã liên tục bán mua cổ phiếu HTT. Như vậy từ ngày 17 – 27/07, ông Đỉnh đã mua gần 1.4 triệu cp đồng thời cũng thực hiện bán gần phân nửa lượng gom vào và hiện còn nắm giữ 686,640 cp HTT.
Ngoài ra còn có những đơn vị mà việc trao tay cổ phiếu diễn ra trái chiều ở nội bộ và cả trong gia đình. Như ở VC6, trong khi Chủ tịch HĐQT Đỗ Đình Hùng bán bớt 100,000 cp thì chiều ngược lại Ủy viên HĐQT kiêm TGĐ Hoàng Hoa Cương lại có nhã ý muốn gom vào 160,000 cp để tăng tỷ lệ sở hữu.
Hay tại SPP, sau khi Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Dương Quốc Thái bán bớt 300,000 cp giảm tỷ lệ sở hữu còn 6.33% thì cha của ông là Dương Văn Xuyên muốn mua vào 200,000 cp nhưng bất thành. Trước đó, Giám đốc Lưu Thị Minh Hằng cũng đã hoàn tất thoái 300,000 cp, giảm sở hữu từ 8.7% còn 6.4%.