Vietstock - Lãnh đạo mua bán cổ phiếu: Gom hàng không xuể!
Không chỉ những thông tin liên quan đến VNM và FLC làm nóng sàn giao dịch tuần 09-15/11/2017, một số cái tên nhỏ cũng phát đi tín hiệu nóng từ giao dịch của người cầm trịch.
Tuần qua, câu chuyện thoái vốn tại VNM và kế hoạch gom thêm 20 triệu cp của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết là điểm nóng trên sàn giao dịch. Về VNM, danh tính của nhà đầu tư nước ngoài hốt trọn lô hơn 48 triệu cp với giá 186,000 đồng/cp đã được hé lộ là Tập đoàn Singapore Jardinr Cycle & Carriage (JC&C) thông qua công ty con Platinum Victory.
Với FLC là hai diễn biến liên quan đến Chủ tịch Trịnh Văn Quyết diễn ra song song. Cụ thể là ông Quyết vừa bị phạt 65 triệu đồng vì đã có hành vi thoát hàng cổ phiếu FLC mà không báo cáo UBCKNN. Nhưng ngay sau đó, ông Quyết đăng đàn cho biết sẽ mua thêm 20 triệu cp nhằm khẳng định trách nhiệm, sự tin tưởng và kiên định của ông đối với FLC.
Nếu như trước đó ở tháng 10, VIB ghi nhận giao dịch chuyển nhượng gần 28 triệu cp giữa vợ và bố vợ Chủ tịch HĐQT Đặng Khắc Vỹ thì mới đây con trai của vị Chủ tịch này - ông Đặng Quang Tuấn vừa hoàn tất mua 27.7 triệu cp trong tổng số 28.1 triệu cp đăng ký. Lý do được đưa ra cho lượng cổ phiếu giao dịch bất thành này là do không đủ thời gian mua như kỳ vọng.
Được biết, trước đó ông Tuấn chưa hề sở hữu cổ phần tại VIB và để gom 4.99% vốn, lần giao dịch này khả năng đã "ngốn" của ông hơn 580 tỷ đồng.
Có diễn biến đường giá khá hấp dẫn trong vòng 12 tháng qua, tuy nhiên SP2 lại chịu cảnh nhiều cổ đông tổ chức lẫn lãnh đạo thoát hàng chốt lời tổng cộng hơn 10.5% vốn, tương đương hơn 1.6 triệu cp.
Trong đó, SD9 muốn thoái 4.92% vốn đang nắm giữ, tương đương 750,500 cp SP2 với phương thức giao dịch dự kiến là thỏa thuận và khớp lệnh, còn MEC muốn thoái 585,720 cp (3.84% vốn) tại SP2 bằng phương thức thỏa thuận.
Cổ phiếu SP2 tuy có lượng giao dịch trung bình khá èo uột khi chỉ vài ngàn đơn vị/phiên, nhưng trong vòng 12 tháng qua cổ phiếu này đã tăng hơn 100% từ vùng giá 4,000 đồng/cp nay đã lên gần 9,000 đồng/cp.
Giao dịch của những lãnh đạo tại HCD cũng khiến nhà đầu tư chú ý, ngay khi có 4 vị lãnh đạo hoàn tất mua gần 472,000 cp, thì đồng thời cũng xuất hiện 4 vị lãnh đạo khác đăng ký gom 360,000 cp.
Chủ tịch của DST - ông Ngô Quang Hòa vừa mới đăng ký mua tiếp hơn 2.75 triệu cp trong khoảng thời gian từ 14/11 đến 13/12/2017. Bởi trước đó vị lãnh đạo này từng đăng ký mua 3.2 triệu cp nhưng thực tế chỉ thực hiện được 476,000 cp. Nếu lần giao dịch này thành công, ông Hòa sẽ nâng sở hữu của mình từ 1.48% lên hơn 10% cổ phần. Và số tiền ông Hòa phải chi cho lần gom hàng này khả năng hơn 41 tỷ cho mức giá khoảng 15,000 đồng/cp.
Động thái mua vào của Chủ tịch diễn ra ngay sau khi DST đã quyết định điều chỉnh kế hoạch năm 2017 với doanh thu thuần từ 49 tỷ đồng vọt lên 398 tỷ đồng, tức tăng hơn 600%. Còn lợi nhuận sau thuế từ mức 900 triệu đồng lên 7 tỷ đồng, tăng gần 600%.
Tuy nhiên, đáng nói là từ sau thông tin điều chỉnh được công bố hồi đầu tháng 10 thì cổ phiếu DST đã rơi tự do từ 42,500 đồng/cp còn 14,700 đồng/cp, bốc hơi hơn 65% trị giá. Dẫu vậy, nhà đầu tư vẫn dành sự ưu ái cho cổ phiếu này khi lượng giao dịch trung bình trong 1 tháng qua vẫn ghi nhận hơn 1.2 triệu đơn vị/phiên.
IBC đang trong kế hoạch chuyển sàn niêm yết sang HOSE thì ông Trần Thanh Hải, chồng bà Vũ Cẩm La Hương là Tổng giám đốc kiêm Ủy viên HĐQT IBC vừa hoàn thành bán bớt phân nửa lượng cổ phiếu đang nắm giữ là 2 triệu cp, giảm sở hữu từ 5.8% về 2.9% và không còn là cổ đông lớn.
Với mức giá khoảng 24,000 đồng/cp, khả năng ông Hải đã thu về khoảng 48 tỷ đồng. Được biết trước đó, ông Hải nắm giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc của IBC nhưng đã từ nhiệm hồi cuối tháng 9/2017.
Lãnh đạo và người có liên quan đăng ký giao dịch trong tuần 09-15/11
|
Lãnh đạo và người có liên quan đã giao dịch trong tuần 09-15/11
|
Phúc Mai