Vietstock - Lãnh đạo mua bán cổ phiếu: Bàn tay nào phía sau?
Cùng với loạt mua bán của lãnh đạo, tuần 27/10-02/11 đón nhận thông tin giao dịch của một số tổ chức mà đứng sau lại chính là những người đang cầm trịch.
Cổ phiếu SBT bất ngờ lao dốc từ đầu tháng 8, mặc cho Thành viên HĐQT Đặng Huỳnh Ức My ra tay gom vào 14 triệu cp vào giữa tháng 9 nhưng cổ phiếu này vẫn không ngừng giảm sâu và mới đây nhất CTCP Đầu tư Thành Thành Công do bà My làm Chủ tịch lại vừa hoàn tất giao dịch mua vào 5 triệu cp SBT. Như vậy, số cổ phần sở hữu đơn vị này nắm giữ đã được nâng lên hơn 97.5 triệu cp, tương đương 17.5%.
Trong cơ cấu cổ đông lớn của SBT thì Đầu tư Thành Thành Công là một trong hai cổ đông lớn cùng với CTCP Global Mind Việt Nam với lượng cổ phần nắm giữ tương đương khoảng 17.8%. Còn về phần bà My, sau đợt gom 14 triệu cp vào tháng 9, sở hữu của bà vẫn chỉ ở mức 4.94% và chưa là cổ đông lớn của SBT.
Điểm qua tình hình cổ phiếu SBT, hiện đang giao dịch tại vùng giá 21,250 đồng/cp với lượng khớp lệnh trung bình 1 tháng qua khoảng 1.2 triệu cp/phiên. So với thời điểm đầu tháng 8, cổ phiếu này bốc hơi gần 50% giá trị từ vùng giá hơn 40,000 đồng/cp.
CTCP An Phát Holdings, là đơn vị ông Đinh Xuân Cường là Tổng Giám đốc đồng thời là Thành viên Ban kiểm soát VBC, trước đó chỉ sở hữu 360,000 cp VBC, nhưng mới đây đã đăng ký mua vào gần 1.5 triệu cp với mục đích đầu tư tài chính. Dù cổ phiếu VBC đã có đường giá lao dốc vào giữa tháng 9 từ mức giá 35,000 đồng/cp và giảm hơn 27% về vùng 25,000 đồng/cp, nhưng hiện cổ phiếu này đã có những nhịp hồi phục trở lại và đang giao dịch tại 27,200 đồng/cp. Tuy nhiên, lượng giao dịch khớp lệnh trung bình trong 1 tháng qua vẫn khá nhỏ chưa tới 5,000 đồng/cp/ngày.
Về hoạt động kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý 3/2017 của VBC, doanh thu đạt 181 tỷ đồng, tăng nhẹ so mức 163 tỷ đồng của cùng kỳ 2016. Lợi nhuận sau thuế cũng nhích nhẹ từ mức 7 tỷ đồng của cùng kỳ lên 8 tỷ đồng. Tuy nhiên lũy kế 9 tháng lãi ròng lại giảm từ 22 tỷ đồng của cùng kỳ xuống 19.5 tỷ đồng.
Những nhịp hồi phục khá yếu với lượng giao dịch thấp cộng với kết quả kinh doanh lũy kế thụt lùi thì dấu hiệu đi lên của VBC vẫn còn khiến nhà đầu tư ngờ vực!.
Diễn biến cổ phiếu SBT và VBC trong 6 tháng qua
|
Không thể ngồi yên khi nhìn cổ phiếu HSG liên tục rớt giá, Chủ tịch Lê Phước Vũ liền đăng ký mua 1 triệu cp từ 01-30/11/2017. Nếu giao dịch thành công, ông Vũ sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên 10.7%, tương đương 37.4 triệu cổ phần HSG.
Tuy nhiên, nếu điểm lại lịch sử giai dịch của ông Vũ thời gian gần đây thì 1 triệu cp đăng ký mua vẫn còn khá ít so với lượng ông đã bán ra vào thời điểm đầu tháng 6/2017. Lúc đó, ông Vũ đã bán ra hơn 9.58 triệu cp tại mức giá đỉnh của HSG.
Cổ phiếu HSG gần đây liên tục nhiều phiên đỏ sàn, nếu so với mức đỉnh 33,300 đồng/cp hồi đầu tháng 6, cổ phiếu này đã giảm hơn 36% và hiện giao dịch tại 21,200 đồng/cp. Tuy vậy, giao dịch tại HSG vẫn khá sôi động khối lượng khớp lệnh trung bình 1 tháng qua hơn 2.8 triệu cp/phiên.
Trong khi đó, cổ phiếu MSN lại liên tục vẽ nên đường dốc tăng ổn định. Đáng nói là, xung quanh MSN không ít những câu chuyện không mấy tích cực như Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thiều Nam đã bán ra gần như toàn bộ lượng cổ phần nắm giữ là 8.58 triệu cp. Như vậy, sau giao dịch ông còn sở hữu đúng 57,503 cp. Với mức giá khoảng 58,000 đồng/cp, khả năng số tiền ông Nam thu được từ giao dịch này rơi vào khoảng gần 500 tỷ đồng.
Song song với việc tháo chạy của ông Nam là việc khủng hoảng giá heo kéo dài làm ảnh hưởng đến tăng trưởng ngắn hạn của Masan với doanh thu thuần 9 tháng đầu năm giảm 8.9% còn 27,451 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 34% về mức 1,213 tỷ đồng.
Sau khi các lãnh đạo tại PNC hoàn tất thoái khoảng 18% vốn nắm giữ cùng với việc tổ chức ĐHĐCĐ bất thường lần 3 thành công thì cuối cùng PNC cũng đã khép lại được khẩu chiến nhiều năm qua bằng việc thông qua hàng loạt vấn đề trọng yếu như Báo cáo tài chính 2016, kế hoạch 2017, đơn vị kiểm toán...
Như vậy, dàn Ban lãnh đạo cũ bao gồm Chủ tịch Phan Thị Lệ, các thành viên HĐQT ông Lê Lam Viên, ông Võ Ngọc Thành, bà Trần Thị Mai, bà Nguyễn Ngọc Bích; Thành viên BKS Cao Danh Hà và Huỳnh Kim Đảnh hiện không còn sở hữu cổ phần tại PNC. Song song đó, những cá nhân trên trừ bà Huỳnh Kim Đảnh đã từ nhiệm các chức vụ đang nắm giữ và thay vào đó là một dàn Ban lãnh đạo hoàn toàn mới.
Cổ phiếu PNC trong 9 tháng đầu năm 2017 chỉ quanh quẩn vùng giá 15,000 đồng/cp nhưng khi cuộc chiến gần khép lại thì PNC bất ngờ “chạy” với một loạt phiên tím sàn và trong khoảng 2 tháng cổ phiếu này đã chinh phục mức giá hơn 35,000 đồng/cp, khối lượng giao dịch trung bình trong 1 tháng qua ghi nhận khoảng 14,000 đơn vị/phiên.
Tại RIC mới đây ghi nhận trường hợp hai Thành viên HĐQT cùng người có liên quan được nhận thừa kế từ Trung tâm lưu ký chứng khoán hơn 4.7 triệu cp. Cụ thể, ông Nguyễn Khải Phát nhận gần 1.9 triệu cp, bà Nguyễn Tiêu Mai cũng là Thành viên HĐQT nhận thừa kế gần 834,000 cp và người có liên quan Ngô Thu Mật nhận hơn 2 triệu cp. Song song với sự việc nhận thừa kế của 3 cá nhân trên, cổ đông cũng phải quan tâm đến kết quả bết bát trong quý 3/2017 của RIC khi lỗ hơn 69 tỷ đồng vì lượng khách giảm và đóng cửa hai doanh nghiệp.
Lãnh đạo và người/tổ chức có liên quan đăng ký giao dịch
|
Lãnh đạo và người/tổ chức có liên quan đã giao dịch
Nguồn: VietstockFinance
|
Phúc Mai