Vietstock - Kinh nghiệm đầu tư - Nhóm chỉ báo Momentum (Phần 2)
Ngoài tín hiệu phân kỳ được giới thiệu trong phần 1, nhóm Momentum Indicators còn cho các tín hiệu khác có thể được sử dụng để tăng lợi nhuận trong quá trình đầu tư. Bài viết tập trung giới thiệu tín hiệu từ vùng Overbought/Oversold của nhóm Momentum Indicators.
Kinh nghiệm đầu tư - Nhóm chỉ báo Momentum (Phần 1)
Vùng Overbought/Oversold
Nhóm chỉ báo Momentum (Momentum Indicators) dùng để đánh giá mức độ/tốc độ thay đổi trong xu hướng. Với khái niệm Overbought/Oversold thể hiện cho sự tới hạn của giá trị chỉ báo Momentum Indicators, hàm ý giá có khả năng đảo chiều.
- Nếu chỉ báo đi vào vùng Overbought cho thấy bên mua đang mua quá mức, và lực mua không thể duy trì được lâu nên có thể hình thành đỉnh và điều chỉnh giảm.
- Nếu chỉ báo đi vào vùng Oversold cho thấy bên bán đang bán quá mức, và lực bán không thể duy trì được lâu nên có thể hình thành đáy và tăng trở lại.
Momentum Indicators thường được xếp vào nhóm Leading Indicators, nên việc chỉ báo này đi vào vùng Overbought/Oversold cho thấy khả năng hình thành đỉnh và đáy. Hình dưới thể hiện đồ thị ngày của SSI trong giai đoạn 05/2014-05/2015, với RSI là đại điện cho chỉ báo Momentum Indicators. Xác định vùng Overbought/Oversold với RSI như sau:
- Nếu RSI>70 thì RSI đang ở trong vùng Overbought.
- Nếu RSI<30 thì RSI đang ở trong vùng Oversold.
Tại các điểm 1, 2, 3, 4 trong hình, giá SSI đều có khả năng đảo chiều khi RSI đi vào vùng Overbought/Oversold.
Kinh nghiệm đầu tư với vùng Overbought/Oversold
Warning Signal (tín hiệu cảnh báo) tại vùng Overbought/Oversold. Giống như tín hiệu phân kỳ từ bài viết Kinh nghiệm đầu tư - Nhóm chỉ báo Momentum (Phần 1), việc Momentum Indicators đi vào vùng Overbought/Oversold cho tín hiệu cảnh báo (Warning Signal) về khả năng đảo chiều trong xu hướng. Đây không phải là tín hiệu mua/bán (Signal).
Nhiều nhà đầu tư thường lầm tưởng về hai tín hiệu này, nên có hành động mua/bán khi Momentum Indicators đi vào vùng Oversold/Overbought, điều này dẫn đến khả năng thua lỗ. Do đó, nhà đầu tư không nên mua/bán khi Momentum Indicators đi vào vùng này, mà nên có những phân tích kỹ lưỡng từ các nhóm chỉ báo khác, như đường trung bình động (Moving Averages), trước khi đưa ra quyết định.
Hình trên thể hiện đồ thị ngày của VN-Index trong giai đoạn 11/2012-05/2014 với chỉ báo RSI. Nếu nhà đầu tư bán khi RSI đi vào vùng Overbought (điểm 1 và 2) thì có thể bị lỗ hoặc mất lợi nhuận, do xu hướng tăng còn tiếp tục.
Bị nhiễu khi thị trường có xu hướng mạnh. Momentum Indicators thường hoạt động không hiệu quả khi thị trường đang trong xu hướng, đặc biệt với giai đoạn xu hướng mạnh. Lúc đó, các tín hiệu mua/bán trong vùng Overbought/Oversold thường không chính xác. Đôi khi gặp trường hợp chỉ báo nằm trong vùng Overbought/Oversold trong một thời gian dài nếu xu hướng mạnh.
Hình trên thể hiện đồ thị ngày của VIC trong giai đoạn 12/2016-12/2017 với hai chỉ báo RSI và ADX. Sử dụng ADX để đo lường sức mạnh của xu hướng.
- Nếu ADX>25 và trong xu hướng đi lên thì xu hướng tăng đang mạnh lên.
- Nếu ADX<25 và trong xu hướng giảm thì xu hướng giảm đang yếu đi.
Từ cuối tháng 08/2017 (điểm 1 trên đồ thị) đến cuối tháng 11/2017, ADX trong xu hướng tăng và vượt trên 25 hàm ý về sự mạnh lên trong xu hướng tăng. Lúc này, RSI ở trong vùng Overbought và có xu hướng dao động tại vùng này trong thời gian dài. Các lệnh bán trong giai đoạn này đều tạo thua lỗ. Vì vậy, khi thị trường trong xu hướng, nhà đầu tư nên hạn chế sử dụng những tín hiệu trong vùng Overbought/Oversold từ Momentum Indicators để giao dịch.
Mua/bán khi Momentum Indicators vượt lên/cắt xuống vùng Oversold/Overbought với lệnh cắt lỗ. Như đã nói ở trên, việc mua/bán khi chỉ báo đi vào vùng Oversold/Overbought hàm chứa nhiều rủi ro. Tuy nhiên, Momentum Indicators lại thuộc nhóm Leading Indicators nên chỉ báo đi vào vùng Overbought/Oversold sẽ tạo ra nhiều thông tin giá trị trong giao dịch. Vì vậy, để cải thiện tín hiệu với vùng này, nhà đầu tư có thể mua/bán như sau:
- Mua khi chỉ báo đi lên từ vùng Oversold và vượt trên vùng Oversold.
- Bán khi chỉ báo đi xuống từ vùng Overbought và nằm dưới vùng Overbought.
- Nhà đầu tư nên đặt lệnh cắt lỗ để phòng ngừa rủi ro.
Hình dưới thể hiện các tín hiệu mua/bán từ chỉ báo RSI trên đồ thị ngày của PVD trong giai đoạn 11/2014-12/2016. Tín hiệu mua/bán khi Momentum Indicators (ở đây là chỉ báo RSI) vượt lên/cắt xuống vùng Oversold/Overbought cho kết quả tốt hơn so với việc mua/bán khi chỉ báo bắt đầu đi vào vùng Oversold/Overbought. Các tín hiệu mua bán tại điểm 2, 5, 6 đều mang lợi nhuận tốt cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện những tín hiệu nhiễu tại các điểm 1, 3, 4, do đó, việc đặt lệnh cắt lỗ là cần thiết để hạn chế rủi ro. Phần lỗ từ các lệnh 1, 3, 4 sẽ được bù đắp bởi lợi nhuận lớn từ các lệnh 2, 5, 6.
Việc Momentum Indicators đi vào vùng Overbought/Oversold hàm chứa nhiều thông tin có giá trị nhưng đồng thời cũng có rủi ro khi giao dịch với những tín hiệu trong vùng này. Do đó, khi sử dụng tín hiệu từ vùng Overbought/Oversold nhà đầu tư nên có hiểu biết và sự cẩn trọng nhất định.
Trần Trương Mạnh Hiếu, Phòng Tư vấn Vietstock