Vietstock - Kinh nghiệm đầu tư - Nhóm chỉ báo Momentum (Phần 1)
Momentum Indicators là công cụ có nhiều ứng dụng quan trọng trong dự báo xu hướng, thiết lập phương pháp đầu tư, quản trị rủi ro… Việc hiểu và thành thạo nhóm chỉ báo này sẽ giúp các trader có bước tiến lớn đến sự thành công trong sự nghiệp đầu tư.
Nhóm chỉ báo Momentum
Nhóm chỉ báo Momentum (Momentum Indicators) là công cụ được sử dụng rất phổ biến trong phân tích kỹ thuật (PTKT). Momentum Indicators được dùng để phân tích sự thay đổi trong giá từ đó đưa ra dự đoán về xu hướng tiếp theo của thị trường.
Nhóm chỉ báo này đại diện cho mức độ/tốc độ thay đổi trong xu hướng nếu Momentum Indicators càng biến động thì mức độ thay đổi giá càng nhanh và ngược lại.
Momentum Indicators được xếp vào nhóm Leading Indicator tức nhóm chỉ báo có tính chất dự đoán xu hướng. Theo đó, Momentum Indicators có xu hướng đảo chiều trước khi thị trường bắt đầu có sự thay đổi. Một số chỉ báo thông dụng của Momentum Indicators gồm: Momentum, Relative Strength Index (RSI), Stochastic Oscillator…
Tín hiệu phân kỳ
Tín hiệu quan trọng của nhóm chỉ báo Momentum là tín hiệu phân kỳ, tín hiệu phân kỳ xuất hiện khi giá đi lên/xuống hình thành đỉnh/đáy mới không được xác nhận từ chỉ báo. Có hai loại phân kỳ gồm:
Phân kỳ giá lên: Hiện tượng giá đi lên tạo đỉnh mới cao hơn, nhưng chỉ báo lại có xu hướng điều chỉnh tạo đỉnh mới thấp hơn.
Phân kỳ giá xuống: là hiện tượng giá điều chỉnh tạo đáy sau thấp hơn, nhưng chỉ báo tạo đáy sau cao hơn.
Tín hiệu phân kỳ từ nhóm chỉ báo Momentum mang ý nghĩa cảnh báo (Warning Signal) về sự thay đổi trong xu hướng tức nếu thị trường đang trong xu hướng tăng thì có thể đảo chiều thành xu hướng điều chỉnh.
Hình trên thể hiện sự phân kỳ giá xuống trên đồ thị ngày của HNX-Index trong giai đoạn 01/2016-12/2016.
Một số nhầm lẫn về tín hiệu phân kỳ
Warning Signal (tín hiệu cảnh báo). Một số nhà đầu tư khi mới nghiên cứu về PTKT thường có sự nhầm lẫn về các loại tín hiệu trong PTKT. Có hai nhóm tín hiệu lớn trong PTKT là Signal (tín hiệu) và Warning Signal (tín hiệu cảnh báo), tín hiệu phân kỳ của nhóm chỉ báo Momentum chỉ mang tính chất cảnh báo (Warning Signal) không phải là tín hiệu mua/bán (Signal).
Warning Signal không cho tín hiệu mua/bán ngay lập tức mà chỉ đưa ra chỉ dẫn về khả năng đảo chiều, và đề nghị nhà đầu tư theo dõi xu hướng trong thời gian tới.
Hình trên thể hiện đồ thị ngày của VN-Index trong giai đoạn 12/2016-07/2017. Tín hiệu phân kỳ giữa chỉ số và chỉ báo RSI xuất hiện nhưng xu hướng tăng vẫn tiếp tục trong hơn 2 tuần trước khi có sự điều chỉnh ngắn hạn.
Phân kỳ nhiều lần. Giá và chỉ báo xuất hiện sự phân kỳ nhưng hiện tượng phân kỳ này diễn ra nhiều lần trong một khoảng thời gian dài.
Hình trên thể hiện đồ thị ngày của VN-Index trong giai đoạn 04/2012-11/2013. Khi tạo lập đỉnh thứ 1 và 2, chỉ số đã hình thành phân kỳ với chỉ báo RSI. Tuy nhiên, sự biến động của chỉ số trong thời gian tiếp theo hình thành các đỉnh 3 và 4 tạo nên sự phân kỳ liên tục từ đỉnh 1 đến đỉnh 4 (phân kỳ nhiều lần). Do đó, việc bán sau khi tạo phân kỳ tại đỉnh số 2 có thể tạo rủi ro lớn cho nhà đầu tư.
Mức độ điều chỉnh. Phân kỳ chỉ mang tính cảnh báo về sự đảo chiều trong xu hướng và không cho người sử dụng biết mức độ điều chỉnh cũng như thời gian điều chỉnh. Mức độ điều chỉnh phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khác như: Xu hướng hiện tại, tâm lý thị trường...
Hình trên thể hiện đồ thị ngày của cổ phiếu PVD trong giai đoạn 12/2011-03/2013. Phân kỳ trong hình tại đỉnh 5 và 6 có mức độ điều chỉnh khác nhau. Mức độ điều chỉnh tại đỉnh 5 là giảm 13.3% trong hơn 2 tuần so với sự điều chỉnh mạnh giảm 25.3% trong hơn 1 tháng tại đỉnh số 6.
Do đó, khi xuất hiện phân kỳ nhà đầu tư cần sử dụng kết hợp nhiều công cụ phân tích khác để đánh giá được mức độ điều chỉnh của xu hướng và thiết lập chiến lược đầu tư phù hợp. Không nên kỳ vọng vào sự điều chỉnh như nhau khi xuất hiện phân kỳ.
Trần Trương Mạnh Hiếu, Phòng Tư vấn Vietstock