Vietstock - Kiến nghị hệ số điều chỉnh giá đất giữ nguyên như năm 2018
Ngày 5.4, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) phát văn bản kiến nghị về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 trên địa bàn TP.
Số thu ngân sách từ đất giảm là nguyên nhân khiến TP điều chỉnh hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 tăng cao.
|
Theo HoREA, trong 2 tháng đầu năm 2019 các doanh nghiệp và hộ gia đình, cá nhân còn nợ ngân sách nhà nước TP về tiền sử dụng đất và tiền thuê đất lên đến 10.110 tỉ đồng, tăng 13,5% so với thời điểm 31.12.2018. Trong đó, các khoản nợ liên quan tới đất 1.370 tỉ đồng, chiếm 14%.
Trong khi đó, số thu ngân sách từ đất năm 2018 so với năm 2017 đã giảm khoảng 4.570 tỉ đồng, giảm 16,8%. Riêng số thu tiền sử dụng đất dự án giảm khoảng 4.037 tỉ đồng, giảm đến 22,5%. Tỷ trọng nguồn thu từ đất trong tổng thu ngân sách của TP năm 2018 giảm 2,43% (từ 11,75% năm 2017 xuống còn 9,32% năm 2018). Điều cần đặc biệt quan tâm là nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất, từ tiền sử dụng đất dự án bất động sản đã bị sụt giảm trong năm 2018 và có thể tiếp tục sụt giảm trong thời gian tới.
Theo HoREA, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu nguồn thu ngân sách, và cũng là một căn cứ để TP xem xét, quyết định hệ số điều chỉnh giá đất hằng năm. Tuy nhiên, HoREA đề nghị mức tăng cần đảm bảo tính hợp lý, vừa phù hợp giá thị trường, đảm bảo nguồn thu ngân sách và vừa sức dân cũng như doanh nghiệp.
Năm 2019 cũng là năm cuối của chu kỳ bảng giá đất của TP (2014-2019). Năm 2020, TP sẽ ban hành bảng giá đất cho chu kỳ 5 năm tiếp theo (2020-2024). Nếu hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 tăng cao sẽ tác động đến nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các hộ gia đình và cá nhân kể từ năm 2020 trở về sau.
Hơn nữa, năm 2020 là năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, nên Hiệp hội đề nghị cân nhắc cẩn trọng các chính sách, trong đó, có hệ số điều chỉnh giá đất, bảng giá đất để giữ sự ổn định và an sinh xã hội.
Do đó HoREA kiến nghị các cơ quan chức năng của TP tiếp tục xem xét, quyết định áp dụng mức tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 cũng tương đương cách tính mức tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2018 theo Quyết định 09/2018/QĐ-UBND (tăng từ 5 - 8,33%), vì mức đề xuất tăng từ 19% đến 30% của Liên Sở Tài chính - Sở Tài nguyên và Môi trường là quá cao và chưa hợp lý.
Hoặc áp dụng phương án 2 trong trường hợp TP cân đối được nguồn thu ngân sách cho năm 2019, không phụ thuộc nguồn thu ngân sách từ đất (vì chỉ chiếm khoảng trên dưới 10%), thì Hiệp hội đề nghị HĐND, UBND TP cân nhắc giữ nguyên hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 như năm 2018.
Do tính chất quan trọng của hệ số điều chỉnh giá đất, có tác động trước hết đến rất nhiều hộ gia đình, cá nhân khi tiến hành thủ tục hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất ở, nên HoREA một lần nữa kiến nghị lãnh đạo TP tiếp tục xem xét, cân nhắc trước khi quyết định.
Đình Sơn