💎 Khám Phá Những Cổ Phiếu Bị Định Giá Thấp Tại Mọi Thị TrườngBắt đầu

'Khu nhà giàu Thảo Điền ở Sài Gòn không ngập và lún mới lạ'

Ngày đăng 16:38 08/12/2017
'Khu nhà giàu Thảo Điền ở Sài Gòn không ngập và lún mới lạ'

Vietstock - 'Khu nhà giàu Thảo Điền ở Sài Gòn không ngập và lún mới lạ'

Thảo Điền là một chảo bùn theo sông Sài Gòn tụ về. Bản chất của Thảo Điền và quận 2 là lún tự nhiên từ xưa, việc đô thị hoá ồ ạt ở khu vực này càng khiến tình trạng lún nhanh hơn.

Một góc khu Thảo Điền, quận 2, bên sông Sài Gòn. Ảnh:Lê Quân.

Thảo Điền (quận 2) - nơi sinh sống của những người giàu, người nước ngoài chìm trong nước 2 ngày trước, khi triều cường đạt đỉnh 1,6 m ở trạm Phú An.

Ông Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho rằng Thảo Điền là khu vực có túi bùn lớn, việc đô thị hoá ồ ạt ở khu vực này càng khiến tình trạng sụt lún trở nên nhanh hơn và tình trạng ngập không phải là chuyện lạ.

Thảo Điền nằm trên chảo bùn

- Vừa qua, triều cường đạt đỉnh đã uy hiếp khu Thảo Điền, "thiên đường" của người giàu và người nước ngoài biến thành sông. Ông lý giải nguyên nhân của tình trạng ngập úng này như thế nào?

- Thảo Điền là một cồn đất được bồi lắng mấy trăm năm nay. Đó là một chảo bùn theo sông Sài Gòn tụ về. Bản chất của vùng đất này là bùn, không có đất sét hoặc đất pha, vì thế, nền đất thiếu sự liên kết.

Tất cả các công trình đô thị của Thảo Điền được xây dựng trên một nền đất yếu. Có một hiệu ứng trong vật lý gọi là biến động học. Có nghĩa là nền đất bị tác động bởi một lực không phải tự nhiên gây lún cục bộ. Tôi cho rằng hiện trạng hiện nay là lún bề mặt.

Bản chất của Thảo Điền và khu quận 2 là lún tự nhiên từ xưa. Bề mặt của khu vực này có 1,8 m đến 2,4 m đất màu vì thế chúng có sự liên kết với nhau. Trong quá trình thi công, đơn vị thi công đã bóc đất này đi, chỉ còn một lớp bùn nhão chứ không có đất sét.

Do đó, nền đất này mất đi liên kết với nhau. Theo tính toán của tôi, độ lún tự nhiên của khu vực này là 0,48 m. Nếu cộng thêm cả lún bề mặt do xây dựng thì sẽ tăng lên 0,626 m.

Đường Nguyễn Văn Hưởng (phường Thảo Điền), nơi sinh sống của giới nhà giàu Sài Gòn biến thành sông trong triều cường.Ảnh:Tùng Tin.

- Nhưng có vẻ như Thảo Điền đang lún vì cả nguyên nhân tự nhiên lẫn cơ học khi mật độ xây dựng khu vực này đang rất nóng. Hàng loạt chung cư, khu phức hợp, nhà cao tầng mọc lên trong một thời gian ngắn có thể dẫn đến tình trạng lún bề mặt cục bộ?

- Thảo Điền đang chịu cả hai loại tác động. Thứ nhất, cốt nền của khu vực này đã thấp rồi. Lún tự nhiên là dạng không thể kiểm soát được. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, nhà thầu lại không tính toán được mốc cao độ chuẩn nên dẫn đến lún.

Kịch bản theo chu kỳ 7 năm sẽ diễn ra như sau. Năm đầu tiên lún 0,48 m, các năm tiếp theo sẽ tiếp tục lún nhưng với tỷ lệ nhỏ hơn. Sau 7 năm, độ lún đạt đến tối đa, tức gần 2 m. Đây là lún tự nhiên theo quy luật, có gia cố cỡ nào cũng không giải quyết được. Nếu cộng thêm cả lún do bị tác động bề mặt thì hậu quả sẽ còn tệ hơn nữa.

- Ông đánh giá tương lai của khu vực Thảo Điền và quận 2 sẽ như thế nào?

- Tôi cho rằng sẽ rất rủi ro. Những ngôi nhà xây kiên cố, sử dụng cọc khoan và cọc nhồi thì không lún, nhưng nền nhà sẽ lún. Những chỗ càng sát sông, xây dựng, đi lại nhiều thì càng lún dữ dội hơn.

Triều cường hàng năm dọc bờ sông Sài Gòn, khu vực quận 2, Nhà Bè sẽ cao khoảng từ 1,67-1,82 m theo tính toán xưa nay. Vì thế, cốt cao độ nền nhà phải cao hơn mức dự phòng của triều cường hàng năm, ít nhất là phải cao 1,5 m. Nếu vậy, chi phí xây dựng sẽ cực kỳ lớn.

Về mặt quy hoạch đô thị, tôi nghĩ đây là một sai lầm. Người Pháp đã cảnh báo chúng ta không nên xây dựng đô thị ở khu vực từ quận 7 sang quận 2 từ lâu. Bên dưới khu vực Đa Phước (Bình Chánh) chạy lên quận 7, Nhà Bè và về tới quận 2 là 14-27 m bùn. Tuy nhiên, quá trình đô thị hoá quá nhanh không tiên lượng được vấn đề đó. Bây giờ thấy rất rõ hậu quả.

Hơn 1/3 diện tích Sài Gòn sẽ ngập trong nước

- Trên cơ sở đánh giá sự phát triển của đô thị, tình trạng sụt lún tự nhiên và cơ học lẫn sự biến đổi bất thường của khí hậu, theo dự báo của ông, tình trạng ngập úng ở TP.HCM sẽ diễn ra như thế nào?

- Trong tương lai từ 7-10 năm tới, theo dự báo của tôi thì nước xâm nhập gây ngập từ 25-35% diện tích thành phố khi mưa kết hợp triều cường đỉnh điểm. Hiện trạng bây giờ đã ngập từ 10-15% rồi.

Các vùng ven như Tân Phú, quận 12, Nhà Bè, Bình Chánh, Bình Thạnh, cứ triều cường là ngập chứ không cần đợi mùa mưa. Rồi ngập cục bộ, mưa cục bộ kết hợp triều cường, nếu không có giải pháp sẽ ngập hơn 1/3 diện tích thành phố. Không có cách nào khác. 

Một người nước ngoài sống ở khu Thảo Điền, quận 2, đưa con đi học trong nước ngập do triều cường. Ảnh: Tùng Tin.

- Vậy theo ông, TP.HCM có thể thực hiện giải pháp gì cho việc chống ngập?

- Chỉ có thể giải quyết vấn đề trước mắt là giảm ngập thôi chứ còn vấn đề căn cơ tôi nghĩ khó. Nếu muốn hết ngập hoàn toàn, chỉ có cách di dời thành phố về phía bắc. Chống ngập theo cách nạo vét mương rãnh, tạo thêm hồ hay khu vực chứa nước quy mô lớn có thể mang lại hiệu quả.

Không nên cấp phép xây dựng chung cư, nhà cao tầng ở những khu vực có nền đất yếu và bùn nhiều như quận 7 hay quận 2. Những đê ngăn triều cục bộ, hoặc các khu dân cư hiện hữu, cần nâng cốt nền lên cao hẳn so với mức triều cường hàng năm. Khi đó sẽ giảm được hệ quả xã hội đối với việc ngập úng.

Tuy nhiên, chống ngập cho cả thành phố thì không ai dám làm vì tốn kém kinh khủng. TP.HCM không thể làm như Hà Lan được vì địa thế khác nhau. Cách xử lý của họ cũng khác.

- Nếu chống ngập như Hà Lan thì TP.HCM phải chi bao nhiêu tiền?

- Nếu tạm tính thì dù chi đến hàng tỷ USD cũng không giải quyết được. Bởi vì, Hà Lan nghiêng về phía nam, độ dốc lớn. Họ dành phần đất cao để phát triển khu dân cư, còn phần đất thấp chỉ cho xây dựng đường giao thông, đường nước, chứ không xây dựng nhà cao tầng ồ ạt như chúng ta.

- Xin cảm ơn ông. 

Khu Thảo Điền, quận 2, TP.HCM. Ảnh: Google Maps.

 

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2024 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.