Vietstock - Không có hộ khẩu, dân chung cư ngậm ngùi mua nước theo giá kinh doanh
Cùng ở một khu chung cư, cùng thực hiện nghĩa vụ, đóng các khoản phí dịch vụ như nhau, nhưng các quyền lợi được hưởng lại khác nhau. Điều này xảy ra ở không ít nơi, và nguyên do của việc phân biệt đối xử đó là - sổ hộ khẩu.
Dù không có trong quy định pháp luật, nhưng hiện nay nhiều giao dịch dân sự như lắp đặt Internet, công tơ điện, nước, điện thoại... đến xin học cho con đều có liên quan đến hộ khẩu. Ảnh minh họa: Thảo Anh
|
Sau loạt bài “Dân khổ vì đủ kiểu ăn theo sổ hộ khẩu” đăng trên Lao Động, anh Nguyễn Văn Thanh (tên nhân vật được thay đổi) đã chia sẻ với phóng viên về câu chuyện của gia đình anh, cũng liên quan đến hộ khẩu.
“Từ hồi chuyển về chung cư ở OCT5 Resco Cổ Nhuế (Hà Nội) sống, tiền nước của gia đình tôi tăng đột biến, mỗi tháng 400.000-500.000 đồng, trong khi mức sử dụng vẫn như lúc còn ở quận Hoàn Kiếm - khoảng 15-25m3 - chỉ phải trả hơn 100 nghìn đồng.
Đem thắc mắc đến hỏi Ban quản lý tòa nhà, chúng tôi nhận được câu trả lời: Vì gia đình đó không có hộ khẩu, không đăng ký tạm trú nên phải mua nước sinh hoạt với giá kinh doanh - đắt gấp nhiều lần so với những người dân có hộ khẩu trên địa bàn. Đi đăng ký tạm trú thì khai rất nhiều thủ tục. Trong quyển sổ hộ khẩu đã thể hiện các mối quan hệ, vậy mà phải khai nhiều giấy tờ có nội dung gần giống nhau.
Tại sao không đơn giản hóa thủ tục? Hộ khẩu ra đời để quản lý về mặt dân cư, tại sao lại trở thành một điều kiện để được sử dụng các dịch vụ xã hội?” - anh Thanh thắc mắc.
Nếu tính theo giá hiện hành, sử dụng hết 15,75 m3, gia đình anh Thanh phải trả 111.069 đồng. Nhưng vì không có hộ khẩu trên địa bàn, gia đình anh phải trả theo giá kinh doanh khoảng 400.000-500.000 đồng.
|
Giải đáp vấn đề này, một cán bộ Phòng thanh tra Công ty Nước sạch Hà Nội cho biết: Về bản chất, đúng là hộ khẩu dùng để quản lý về mặt dân cư, tuy nhiên quá trình đô thị hóa rất nhanh, trong khi năng lực các dịch vụ xã hội để cung cấp cho người dân có giới hạn, nên buộc phải sử dụng đến hộ khẩu như một ưu tiên.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Pha, việc sử dụng hộ khẩu như một quyền ưu tiên để hưởng các dịch vụ xã hội đang tạo ra sự thiếu công bằng: “Xuất phát từ khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu của người dân về điện về nước, về hạ tầng giao thông, trường học, khám chữa bệnh, nên người ta phải nghĩ ra chuyện khoanh lại để hạn chế bớt, nhưng việc này lại ảnh hưởng đến quyền tiếp cận các dịch vụ xã hội của người dân.
Tôi nghĩ nên xem lại những quy định này, trên cơ sở rà soát hết những thủ tục rườm rà, không có lợi cho người dân, đang làm ảnh hưởng đến quyền sử dụng các dịch vụ xã hội của người dân, đặc biệt liên quan đến hộ khẩu”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Pha. Ảnh: NVCC
|
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho rằng nên có những quy định thoáng trong việc sử dụng các dịch vụ công. Vì phúc lợi xã hội là của chung, mọi người đều có quyền hưởng như nhau, không nên phân biệt có hộ khẩu hay không hộ khẩu.
lao động