Vietstock - Khi kinh doanh BOT không còn là "miếng mồi béo bở"?
Mặc những sức nóng từ BOT Cai Lậy, liệu các doanh nghiệp (DN) sở hữu các dự án BOT trên thị trường chứng khoán có bị ảnh hưởng? Theo giới đầu tư kinh doanh BOT không còn là "miếng mồi béo bở" nhìn DN Bắc Ái sở hữu trạm BOT Cai Lậy phải liên tục xả trạm trong những ngày vừa qua.
Kinh doanh BOT liệu còn có sức hút với các DN kinh doanh hạ tầng?
|
Trên sàn chứng khoán hiện các DN sở hữu các dự án BOT lớn, đáng chú ý có thể kể đến là CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã CII), CTCP Đầu tư Phát triển Hạ tầng IDICO (mã HTI), CTCP Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO (mã CTI), Công ty CP Tasco (mã HUT) và CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã DLG). Tuy nhiên, hầu hết các dự án BOT lớn này lại không bị ảnh hưởng dây chuyền từ BOT Cai Lậy.
CTCP Đầu tư Phát triển Cường Thuận Idico (mã chứng khoán CTI) hiện đang sở hữu 6 dự án BOT tại khu vực phía Nam, tính từ đầu tháng 9 đến nay, cổ phiếu CTI cũng có phiên tăng, phiên giảm nhưng trồi sụt chủ yếu quanh vùng giá 26.000 - 29.000 đồng/CP.
Giống như BOT Cai Lậy, trạm này cũng phải dừng thu phí trong hơn 1 tháng qua và đã bắt đầu thu phí trở lại. Mới đây CTI đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quí 3/2017 với doanh thu thuần tăng 20% so với cùng kỳ, đạt mức 305,5 tỷ đồng. Riêng 3 trạm thu phí đã đóng góp đến 61% tổng lợi nhuận gộp từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ của Cường Thuận Idico.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, doanh thu Cường Thuận Idico đạt 863,22 tỷ đồng, trong đó riêng doanh thu mảng cung cấp bê tông nóng, dịch vụ và xây lắp đạt 392,3 tỷ đồng, chiếm 45% tổng doanh thu. Doanh thu các trạm thu phí tỉnh lộ 16, trạm thu phí km 1841+912 quốc lộ 1 và trạm thu phí trên quốc lộ 91 đạt 354,3 tỷ đồng, chiếm 41% tổng doanh thu. Riêng doanh thu các trạm thu phí này tăng hơn 50 tỷ đồng so với cùng kỳ, tương ứng mức tăng 17%.
Trong khi đó với CII (sở hữu 8 dự án BOT), mặc những lùm xùm vụ BOT Cai Lậy, cổ phiếu này hầu như không giảm giá vẫn giữ nguyên vùng giá 32-34 ngàn đồng/cổ phiếu. HUT cũng có phiên tăng, phiên giảm nhưng không biến động nhiều. Đây cũng là DN có khá nhiều dự án BOT ở khu vực phía Bắc (7 dự án tính đến cuối năm 2016).
Riêng với DLG (sở hữu 4 dự án BOT khu vực Tây Nguyên), dù không biến động nhiều nhưng giá cổ phiếu DLG lại rất thấp so với các doanh nghiệp cùng ngành. Hiện DLG chỉ dao động quanh vùng giá 4.000 đồng/CP.
Dù các DN sở hữu các dự án BOT được đánh giá là có dòng tiền ổn định, lãi suất hoàn vốn nội bộ được đảm bảo và duy trì ở mức cao từ 12%-14%, trong khi dự án chủ yếu được tài trợ bằng vốn vay ngân hàng với thời hạn trả nợ kéo dài.
Đánh giá về cổ phiếu các DN hạ tầng, đặc biệt là các DN sở hữu các dự án BOT, nhiều chuyên gia cho rằng, các DN đầu tư BOT có được các mặt lợi như: được tài trợ khoảng 80%-85% bằng vốn vay ngân hàng. Thời hạn trả nợ kéo dài, tương ứng với thời gian thu hồi vốn của dự án, đồng thời thời gian thu phí đối với các dự án BOT cũng kéo dài, khoảng 10-11 đến 20-30 năm tùy quy mô từng dự án. Đặc biệt, các dự án BOT giao thông thường được hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN với mức thuế suất 10% trong 15 năm. nên cổ phiếu các DN này cũng rất đáng để đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Hải - Chuyên gia kiểm toán KPMG nhận định, có thể nói, lợi thế của những DN tham gia đầu tư hạ tầng các dự án BOT là thu được “tiền tươi” từ phí và DN ít phải lo lắng về vấn đề dòng tiền. Tuy nhiên, tính ra thì tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) thường chỉ ổn định trên dưới 10%, trong khi vốn đầu tư lại bị ‘giam’ quá lâu nên hiệu quả đầu tư trong ngắn hạn không thể so với những ngành đang tăng trưởng nóng khác.
Từ những phân tích trên cộng với những ngày qua trạm BOT Cai Lậy liên tục thất thủ cho thấy kinh doanh BOT không còn là con mồi béo bở của nhiều DN kinh doanh hạ tầng nữa.
Hà Phương