Vietstock - “Kền kền chúa” của thị trường tài chính, ông là ai?
Người đàn ông này đã thắng kiện chính phủ Argentina, làm rung chuyển tập đoàn Samsung và đánh bại Warren Buffett trong một thương vụ đầu tư. Ông ấy không cần người ta thích mà chỉ cần họ khiếp sợ mình.
Warren Buffett là ai? Đó là một huyền thoại không thể tranh cãi và là một trong những người thông thái nhất trong giới đầu tư. Vậy mà Warren Buffett lại thua trắng bụng, thua đau đớn trước một người đàn ông không mấy danh tiếng. Có lẽ một trong những cách hiếm hoi để đánh bại Warren Buffett chính là phải coi ông ta là đối thủ chứ không phải thần tượng.
Người đàn ông đó chính là Paul Singer! Một người có vẻ mặt lạnh lùng, lầm lì, thích sống ẩn dật xa rời đám đông, ít khi trả lời báo chí và luôn toát lên thần thái có phần đáng sợ.
Hiểu rõ luật pháp
Warren Buffett luôn thích những công ty tăng trưởng ổn định và bền vững. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi ông bỏ ra gần 10 tỷ USD để thâu tóm Oncor Electric Delivery, công ty phân phối điện lớn nhất bang Texas. Nhà đầu tư này tự tin đến mức không thèm để ý đến các đối thủ cạnh tranh là ai.
Tuy nhiên, quỹ đầu cơ Elliot Management của “kền kền chúa” Paul Singer đã chọc gậy bánh xe. Paul Singer tung tiền âm thầm thâu tóm phần lớn các khoản nợ của Oncor Electric Delivery. Sau đó, ông ta gây sức ép dưới tư cách chủ nợ buộc thẩm phán phụ trách vụ này phải bác bỏ lời đề nghị của Warren Buffett và mở đường cho công ty Sempra Energy nhảy vào thâu tóm.
Warren Buffett thua đau trước Paul Singer. Nguồn: Business Insider
Warren Buffett có thừa kiến thức để nhận ra mối đe dọa từ Paul Singer nhưng ông lại bị “gài hàng” vào một tình huống khá oái oăm. Nếu Berkshire Hathaway của Buffett mua lại số nợ này thì sẽ không có đủ điều kiện pháp lý để có thể bỏ phiếu ủng hộ vụ thâu tóm của chính Buffett.
Rõ ràng Paul Singer đã rất tinh tế và khôn ngoan nhìn thấy cơ hội khi Warren Buffett nhận được sự ủng hộ của các cổ đông và chủ nợ nhưng lại gặp khó khăn trước tòa án. Buffett là một lão cáo già trong thị trường chứng khoán nhưng ông ấy lại không phải là một chuyên gia hàng đầu về mặt pháp lý. Trong khi đó thì Elliot Management của Paul Singer từng thắng kiện chính phủ Argentina, góp phần đẩy Tổng thống Park Geun-hye vào tù và giải quyết rất nhiều vụ sáp nhập, phá sản phức tạp.
Khi đối đầu với một đối thủ hơn hẳn mình về mặt danh tiếng và tiền bạc thì Paul Singer vẫn thắng nhờ vào sự hiểu biết luật pháp của mình vì ông vốn cũng là một luật sư hàng đầu. Nhà đầu tư cần học hỏi Paul Singer ở điểm này vì có rất nhiều người từng được xưng là huyền thoại, là ngôi sao trong giới đầu tư như Ivan Boesky, Bernard Madoff… đã phải vào tù đếm gián!
Đầu tư vào tài sản xấu và kỳ vọng nó ít xấu đi
Ai đã từng đọc qua các sách viết về đầu tư và tài chính thì đều thấy rằng triết lý xuyên suốt bao trùm lên chúng là phải tìm ra các công ty tốt rồi bỏ tiền vào chúng. Nhưng Paul Singer không chỉ là nhà đầu tư chủ động (activist investor) đáng sợ nhất thế giới mà ông ta còn là một trong những nhà đầu tư lập dị nhất. Ông ném mớ lý thuyết ấy vào sọt rác.
Nếu như các nhà quản lý quỹ khác đều đi theo hướng đầu tư vào tài sản tốt và kỳ vọng nó sẽ tốt hơn thì ông lại đầu tư vào tài sản xấu và kỳ vọng nó ít xấu đi. Nếu sau một thời gian ông thấy không có cải thiện gì thì “làm thịt” luôn. Nói cách khác, Paul Singer đi theo chiến lược săn lùng “xác chết tài chính”. Chính triết lý này đã khiến giới báo chí gọi ông với biệt danh “kền kền”.
Paul Singer là cha đẻ của phương pháp đầu tư “kền kền”. Nguồn: BBC
Triết lý đầu tư “kền kền” của ông về cơ bản rất khó bắt chước. Nếu Irving Kahn tự so sánh phương pháp của mình với việc trồng cây ăn quả thì Paul Singer giống với người đi lượm xác chết về rồi từ từ... xẻ thịt. Rõ ràng, người ta có thể cảm thấy vui khi trồng cây, khi làm vườn nhưng việc nhặt xác về xẻ thịt chắc không phải là công việc vui vẻ gì. Chính xác thì nó là một mớ bòng bong nhưng Paul Singer lại là một chuyên gia hàng đầu về mớ bòng bong.
Ông vốn là một luật sư xuất sắc và các cộng sự trong quỹ của ông cũng đa phần là các luật sư. Các vụ kiện tụng và rắc rối pháp lý đối với họ giống như cơm ăn nước uống rồi nên họ chả ngán ai cả. Chính phủ Argentina nghe cũng dữ dằn đấy nhưng ông đây vẫn đè đầu bóp họng để đòi nợ được. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và “thái tử” tập đoàn Samsung Lee Jae-yong nghe cũng rất ghê nhưng vẫn bị Paul Singer đánh cho tơi tả đấy thôi.
Theo lập luận của ông thì miễn là không vi phạm các quy định pháp luật thì đầu tư kiểu nào cũng như nhau. Chẳng phải tất cả đều vì tiền cả sao? Cần gì phải giả dạng làm người tốt cho mệt. Nói theo kiểu kiếm hiệp thì Paul Singer thà làm chân tiểu nhân chứ không làm ngụy quân tử!
Thế Phong