Vietstock - Trung Quốc bơm 14 tỷ USD vào thị trường, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã bơm hơn 14 tỷ USD vào thị trường thông qua công cụ cho vay trung hạn và sẽ phân phối cho các khoản vay có kỳ hạn 1 năm với mức lãi suất 2,95%.
Kiểm đồng 100 nhân dân tệ tại ngân hàng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương nước này) ngày 15/5 đã bơm tiền vào hệ thống tài chính thông qua các nghiệp vụ thị trường mở để duy trì khả năng thanh khoản của thị trường.
Theo PBoC, khoảng 100 tỷ nhân dân tệ (hơn 14 tỷ USD) đã được bơm vào thị trưởng thông qua công cụ cho vay trung hạn (MLF). Khoản tiền trên sẽ phân phối cho các khoản vay có kỳ hạn 1 năm với mức lãi suất 2,95%.
Công cụ MLF được giới thiệu năm 2014 để hỗ trợ các ngân hàng chính sách và thương mại duy trì thanh khoản bằng cách cho phép họ vay từ ngân hàng trung ương sử dụng chứng khoán làm thế chấp.
PBoC cũng đã dừng các hợp đồng mua lại đảo ngược (reverse repo) trong ngày 15/5.
[Trung Quốc tăng cường nguồn vốn để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ]
Cùng ngày, PBoC cũng thực hiện giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng vừa và nhỏ khoảng 50 điểm cơ bản, sau khi giảm một mức tương ứng hôm 15/4 nhằm thúc đẩy nền kinh tế bị tác động bởi dịch COVID-19.
Việc giảm dự trữ bắt buộc dự kiến sẽ giúp "giải phóng" khoảng 200 tỷ nhân dân tệ vốn dài hạn vào thị trường.
Trong báo cáo chính sách tiền tệ quý 1/2020, PBoC đã cam kết sẽ đẩy mạnh các điều chỉnh nghịch chu kỳ để hỗ trợ nền kinh tế thực, biến chính sách tiền tệ thận trọng trở nên linh hoạt và phù hợp hơn, đồng thời tiếp tục cải cách lãi suất theo định hướng thị trường và hệ thống hình thành tỷ giá nhân dân tệ.
Minh Hằng