Vietstock - GDP bình quân đầu người Việt Nam thua thế giới 8.400 USD
Đại biểu Hoàng Quang Hàm lo nền kinh tế rơi vào bẫy thu nhập trung bình, tụt hậu so với nhiều quốc gia trên thế giới, do chưa đột phá cốt lõi là tăng trưởng theo chiều sâu nên dẫn tới tăng trưởng nhanh nhưng chưa hóa rồng, hóa hổ.
* 10 nền kinh tế có nợ công trên GDP lớn nhất và thấp nhất thế giới
* Nỗi lo "kỳ tích" GDP 9 tháng
* GDP 9 tháng đầu năm 2019 tăng 6.98%, cao nhất trong vòng 9 năm qua
Phát biểu thảo luận tại hội trường về tình hình - kinh tế xã hội sáng 30-10, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, chia sẻ quan điểm kinh tế phát triển nhanh, ổn định nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, "chưa hóa rồng, hóa hổ".
"Mặc dù tăng trưởng của Việt Nam với 7%, đạt mức cao trong khu vực và thế giới, nhưng xét về con số tuyệt đối, thì ngày càng cách xa. Cách đây 30 năm, GDP bình quân đầu người của thế giới hơn Việt Nam 3.900 USD, đến nay khoảng cách đã là hơn 8.000 USD, gấp đôi, và khoảng cách vẫn tăng qua các năm", ông Hàm chỉ ra.
Theo đó, khoảng cách giữa GDP bình quân đầu người của Việt Nam với thế giới năm 2017 là khoảng 8.300 USD, năm 2018 là 8.400 USD.
"Việt Nam đi được nhiều bước, có lúc tốc độ tăng trưởng cao vào tốp đầu của khu vực và thế giới, song đó là những bước ngắn, nên vẫn tụt hậu so với nhiều nước dù bước chậm, nhưng lại đi được những bước dài hơn", ông Hàm nêu quan điểm.
30 năm là khoảng thời gian để nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản… hóa rồng, hóa hổ, nhưng 30 năm qua, chúng ta tăng trưởng nhanh mới chỉ là quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Đại biểu Hoàng Quang Hàm |
Đại biểu Phú Thọ cũng lưu ý sự tụt hậu về kinh tế, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, do chưa đột phá thành công các vẫn đề cốt lõi của tăng trưởng theo chiều sâu.
Ông Hàm cho rằng có 3 vẫn đề cốt lõi cần dành nguồn lực, thực hiện bằng được để tăng trưởng theo chiều sâu: trình độ lao động; phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ; và khởi nghiệp sáng tạo.
Ngoài ra, ông Hàm cho rằng độ mở của nền kinh tế rất lớn, kim ngạch xuất, nhập khẩu khoảng 200% GDP, xuất siêu nhiều năm nhưng người hưởng lợi đa số là doanh nghiệp FDI. Do đó, trong tổng GDP của Việt Nam nên cần phải loại trừ yếu tố này mới nhìn nhận phù hợp thực lực của nền kinh tế và thu nhập của người dân.
"Đề nghị Quốc hội ngoài việc giao chỉ tiêu GDP (tổng sản phẩm nội địa) như trước đây, cần giao thêm chỉ tiêu GNI - thu nhập quốc dân - để phản ánh nội lực thực sự của nền kinh tế, thu nhập của người dân", ông Hàm nói.
Đồng thời tháo gỡ nút thắt giải ngân vốn đầu tư công chậm, có tiền không tiêu được, trong đó trọng tâm cần khắc phục là công tác lập, thực hiện, điều chỉnh kế hoạch đầu tư.