Trải qua hơn 1 tuần giảm điểm mạnh, VN-Index tăng hơn 28 điểm, vượt mốc 1.200 điểm trong phiên giao dịch ngày 24/4. Phiên giao dịch ngày 24/4, VN-Index mở gap tăng 9,07 điểm ngay sau ATO. Chỉ số không lấp gap, cầu tăng mạnh dần về cuối, kết phiên VN-Index tăng 28,21 điểm (+2,4%) lên 1.205,61 điểm. Thanh khoản đạt 19.847 tỷ đồng, tương ứng 820 triệu cổ phiếu khớp lệnh. Độ rộng thị trường lệch về bên tăng với 435 cổ phiếu tăng điểm (19 cổ phiếu tăng trần), 69 cổ phiếu giảm điểm và 39 cổ phiếu tham chiếu.
Đáng chú ý, phiên liền trước đó (ngày 23/4), diễn biến thị trường lại rất tiêu cực. Chỉ số từng có lúc giảm về 1.169,61 điểm (giảm 20,95 điểm). Trong phiên ATC, một số cổ phiếu trụ hồi phục giúp chỉ số rút chân lên 1.177,4 điểm, nhiều cổ phiếu midcap bị bán sàn hoặc gần sàn.
VN-Index tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 24/4 |
Chiều tối ngày hôm qua (23/4), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm 1 lượng tiền lớn ra thị trường thông qua OMO. Cụ thể, NHNN đã mua vào 36.000 tỷ đồng tín phiếu, kỳ hạn 14 ngày, lãi suất trúng thầu 4,25%. Ở chiều ngược lại, NHNN bán ra 2.150 tỷ đồng tín phiếu, kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 3,73%.
Đồng thời, cũng trong phiên 23/4, lô tín phiếu phát hành ngày 26/3 đã đáo hạn, trả lại thị trường 3.700 tỷ đồng thanh khoản.
Cùng với đó, khoản vay qua kênh OMO kỳ hạn 7 ngày với tổng trị giá gần 12.000 tỷ đồng ghi nhận hôm 16/4 đã đáo hạn, từ đó hút về số tiền tương ứng.
Như vậy, trong ngày 23/4, NHNN đã bơm ròng hơn 25.500 tỷ đồng ra thị trường (cao nhất trong năm 2024), đồng thời mặt bằng lãi suất đã được nâng lên, thu hẹp biên độ lãi suất giữa VND (HM:VND) và USD.
Trước những hành động quyết liệt của NHNN, Tỷ giá USD trên thị trường tự do sáng nay giảm mạnh cả 2 chiều mua/bán so với phiên trước đó. Tại thị trường Hà Nội, lúc 5h15, đồng USD giao dịch (mua - bán) ở quanh mức 25.537 - 25.637 đồng, giảm 223 đồng ở chiều mua và giảm 213 đồng chiều bán so với phiên giao dịch ngày 23/4.
Hiện tại, chưa có phân tích rõ ràng từ việc tác động của tỷ giá đến thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, nhiều nhận định từ các công ty chứng khoán cho rằng việc tỷ giá tăng mạnh có tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán, dòng vốn có xu hướng rút ra khỏi thị trường trong nước, đến các khu vực có lãi suất cao hơn.
Trên thị trường thế giới, vào đêm qua, Mỹ công bố chỉ số PMI đạt 49,9, thấp hơn dự báo 52. Theo Reuters: “Báo cáo PMI yếu hơn một chút, việc làm yếu hơn một chút và thị trường tại thời điểm này đang coi đó là một tin xấu nhưng lại có một tin tốt, có nghĩa là mọi người đang trở nên quá diều hâu với những kỳ vọng của Fed” - Dẫn lời từ Keith Lerner, Giám đốc đầu tư tại Truist Advisory.
Đón nhận thông tin PMI, chỉ số sức mạnh đồng USD (DXY) giảm 0,41% về 105,6 so với mức 106,4 vào tuần trước đó. Chỉ số Dow Jones tăng 263,71 điểm (+0,69%), Nasdaq tăng 245,39 điểm (+1,59%)
Yếu tố kỹ thuật
Dù VN-Index có phiên giảm điểm khá mạnh ngày 23/4, tuy nhiên, cuối cùng chỉ số vẫn rút chân lên được trên đường MA200 (trung bình giá 200 ngày) nên chưa tạo xu hướng giảm dài hạn.
Trong nhận định thị trường ngày hôm qua, một số công ty chứng khoán cũng cho rằng sẽ xuất hiện các phiên phục hồi kỹ thuật do chỉ số giữ được vùng hỗ trợ này.
>> [LIVE] Thị trường ngày 24/4: VN-Index tăng 28 điểm, vượt mốc 1.200