Vietstock - Đi tìm sự vận động của cổ phiếu trong tháng 8
Tháng 8 là thời điểm thị trường chứng khoán cũng kết thúc mùa công bố BCTC quý 2. Tưởng chừng như kỳ vọng dư âm về thông tin này sẽ còn kéo dài và giúp nhiều cổ phiếu tăng điểm. Nhưng thực tế thì trong suốt 3 năm qua, tháng 8 luôn có số cổ phiếu giảm liên tục áp đảo hoàn toàn so với nhóm tăng điểm.
Thống kê theo dữ liệu của Vietstock cho thấy, trong 3 năm gần đây, chỉ có 6 cổ phiếu niêm yết năm nào cũng tăng giá liên tục trong giai đoạn tháng 8, trong khi đó có đến 64 mã giảm (xét trên nhóm cổ phiếu có khối lượng giao dịch bình quân hơn 10,000 cp/phiên).
Năm 2015, chỉ số VN-Index giảm khá mạnh, hơn 9% trong tháng 8. Nhưng trong 2 năm gần đây, chỉ số chính ghi nhận mức tăng nhẹ. Trên sàn HOSE, chỉ có 4 mã góp mặt vào nhóm tăng giá liên tục trong lịch sử giao dịch tháng 8, trong khi có đến 46 mã giảm.
Xét về mức độ tăng trưởng tăng dần đều qua các năm, FMC rất đáng chú ý với mức tăng từ 0.16% vào tháng 8/2015, rồi đạt 3.64% trong tháng 8/2016 và lên đến hơn 7.35% trong 8/2017. Được lịch sử ủng hộ song khởi đầu 2 phiên giao dịch đầu tháng 8 năm nay, FMC lại đang giảm nhẹ. Mặc dù vậy, nhà đầu tư có quyền đặt kỳ vọng vào cổ phiếu này khi đơn vị này vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2 với doanh thu tăng 10% nhưng lãi tăng hơn 50%, đạt 30 tỷ đồng.
Ở ba cổ phiếu tăng liên tục trong tháng 8 suốt 3 năm qua là CTD, LHG và CDO thì CTD đang cho thấy mức tăng trưởng giảm dần. Theo đó, từ mức tăng hơn 10% vào tháng 8/2015 thì năm vừa qua chỉ còn tăng 2.5%. Mới đây, CTD cũng công bố BCTC hợp nhất quý 2/2018 với doanh thu hơn 8,300 tỷ đồng, tăng 34% nhưng lãi ròng chỉ tăng nhẹ so cùng kỳ khi đạt 427 tỷ đồng.
Trường hợp CDO có thể là một “ca khó” bởi đơn vị này vừa báo lỗ quý 2 xong thì lại nhận quyết định hủy niêm yết bắt buộc do vi phạm công bố thông tin.
Trong nhóm giảm điểm, xuất hiện nhiều cái tên có rủi ro tiếp tục gặp khó trong thời gian tới. Chẳng hạn như HAI, tháng 8/2015 giảm 30%, sang tháng 8/2016 còn giảm 4.5% thì tháng 8/2017 giảm lại hơn 31%. Cổ phiếu HAI đang giao dịch ở vùng giá quanh 3,000 đồng/cp, vùng thấp nhất từ khi niêm yết nhưng liệu có giữ được mốc 3,000 đông/cp hay không còn rất đáng ngờ, nhất là Công ty này vừa công bố quý 2 lỗ nặng hơn 26 tỷ đồng, mức lỗ lớn nhất từ năm 2006 đến nay.
Cổ phiếu QCG vốn được nhắc đến rất nhiều thời gian gần đây bởi câu chuyện “thành cũng nhờ Phước Kiển mà bại cũng tại Phước Kiển”, tiếp tục đối mặt với khó khăn khi lãi quý 2 vỏn vẹn hơn 4.6 tỷ đồng, giảm 98% so cùng kỳ. 3 năm trước đó, cổ phiếu QCG đều giảm mạnh trong suốt thời gian giao dịch của tháng 8.
Hay như TNT, VHG và PPI, thật khó để kỳ vọng hai cổ phiếu này sẽ tăng trưởng tốt trong tháng 8 năm nay khi mà kết quả quý 2 của cả ba đơn vị đều tiếp tục thua lỗ.
Còn HAG, sau chuỗi tăng điểm ấn tượng gần 50% trong tháng 7/2018, rủi ro điều chỉnh trước áp lực chốt lời càng lớn hơn khi đơn vị này báo lỗ gần 14 tỷ đồng trong quý 2.
HT1, PAC và VNE là các cổ phiếu có mức giảm điểm trong tháng 8 tăng dần đều qua các năm. Góp mặt trong nhóm cổ phiếu giảm liên tục 3 năm qua còn nhiều cái tên khá quen thuộc như HAR, VND, REE, SAM, PET, HVG, DRH, NBBG, HHS, NTL…
Trên HNX, có 2 cổ phiếu tăng điểm trong tháng 8 suốt 3 năm qua là PGS và VIT. Còn lại có đến 18 cổ phiếu giảm với KHB, KSQ, HAD, ITQ đều giảm trên 10%.
Đối với KHB và KSQ, cả hai đều báo lỗ quý 2/2018 vừa qua và cũng là quý thứ 3 liên tiếp thua lỗ. Giá cổ phiếu hai mã này đều có giá trị “cốc trà đá” nhưng thật khó để kỳ vọng sẽ tăng trong tháng 8 tới đây.
Những cổ phiếu tăng và giảm giá 3 năm liền trong tháng 7
HOSE
HNX
Chú thích: Chỉ xét trên nhóm cổ phiếu có khối lượng giao dịch bình quân hơn 10,000 cp/phiên
Thiên Mục