Vietstock - Đi tìm nguyên nhân tuột dốc của GIL dưới góc nhìn báo cáo tài chính
Sau khi lập đỉnh tại mức giá 65,810 đồng/cp vào cuối quý 3/2016, giá cổ phiếu của CTCP SXKD & XNK Bình Thạnh (HOSE: GIL) đã “bốc hơi” hơn 50% giá trị cho đến thời điểm hiện tại. Với vị thế của một trong các ông lớn trong ngành Dệt may, đây thực sự là một kết quả đáng thất vọng so với những kỳ vọng của nhà đầu tư dành cho cổ phiếu này.
* GIL: “Sao quả tạ” mang tên Dệt may Gia Định
Cú đánh “nốc ao” từ khoản lỗ sau thuế quý 4/2016
Giá cổ phiếu GIL đã ghi nhận sự bứt phá ngoạn mục trong phần lớn thời gian của năm 2016. Với sóng tăng không ngừng nghỉ suốt gần 9 tháng của thị giá cổ phiếu, GIL đã trở thành điểm sáng nổi bật nhất của nhóm cổ phiếu ngành Dệt may niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, mọi thứ đã nhanh chóng đảo ngược chỉ trong thời gian ngắn. Nếu cổ phiếu này tăng giá ấn tượng bao nhiêu thì khi điều chỉnh cũng không kém phần “ngoạn mục”. Khởi đầu cho sự thoái trào của cổ phiếu GIL chính là sự đi xuống trong kết quả kinh doanh quý 4/2016. Theo đó, doanh thu hợp nhất quý 4/2016 sụt giảm 13% và lợi nhuận sau thuế bất ngờ ghi nhận mức lỗ sau thuế hơn 1.6 tỷ đồng trong quý này.
Nguyên nhân của sự suy giảm chủ yếu đến từ khoản lỗ tài chính từ việc thanh lý các khoản đầu tư. Dù kém tích cực nhưng ở giai đoạn này nhà đầu tư vẫn kỳ vọng rất nhiều vào GIL khi các đơn hàng mới có giá trị cao vẫn chưa đến thời điểm hạch toán doanh thu. Giới đầu tư mang một niềm tin rằng KQKD của GIL sẽ có sự tăng trưởng trở lại trong năm 2017.
Kết quả kinh doanh quý 4/2016 của GIL
Nguồn: VietstockFinance; Đvt: Tỷ đồng
Gánh nặng chi phí nguyên liệu trong nửa đầu năm 2017
Trái với nhiều kỳ vọng trong năm 2017, kết quả kinh doanh của GIL trong 6 tháng đầu năm 2017 vẫn chưa thể khởi sắc thực sự. Cụ thể, dù doanh thu hợp nhất 6 tháng đạt hơn 1,029 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 41% nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 49 tỷ đồng, sụt giảm đến 31% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả kinh doanh 6 tháng 2017
Nguồn: VietstockFinance; Đvt: Tỷ đồng
Nguyên nhân cho sự sụt giảm trong lợi nhuận sau thuế của GIL đến từ sự gia tăng mạnh của tỷ lệ giá vốn khi các khoản chi phí nguyên vật liệu có sự tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Sự hồi phục mạnh của giá các sản phẩm đầu vào ngành dệt may và đặc biệt là giá dầu đã ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của GIL. Với đặc thù thâm dụng nguyên vật liệu lớn, sự gia tăng của giá nguyên liệu có ảnh hưởng lớn lên biên lợi nhuận. Theo đó, biên lợi nhuận gộp 6 tháng 2017 chỉ đạt 14%, sụt giảm mạnh so với biên lợi nhuận 21% của cùng kỳ.
Tỷ lệ chi phí nguyên liệu đầu vào/ doanh thu giai đoạn 6T/2016-6T/2017
Nguồn: BCTC GIL
Với kết quả kinh doanh liên tục gây thất vọng, không quá khó hiểu khi xu hướng điều chỉnh giá cổ phiếu GIL vẫn không ngừng tiếp diễn. Tính đến hiện tại, giá cổ phiếu GIL đã sụt giảm từ mức 65,810 đồng/cp (mức đỉnh cao nhất được thiết lập trong quý 3/2016) về mức 32,000 đồng/cp (18/09/2017) với mức sụt giảm lên đến hơn 50%.
Diễn biến giá cổ phiếu GIL
Nguồn: http://ptkt.vietstock.vn/
Lợi nhuận sụt giảm đi cùng khoản phải thu tăng đột biến
Điểm tích cực nhất trong kết quả kinh doanh của GIL đến từ sự tăng trưởng mạnh của doanh thu hợp nhất 6 tháng 2017 với mức tăng trưởng 41% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, điểm cần lưu ý, đó là đi cùng với sự tăng trưởng mạnh của doanh thu, khoản phải thu khách hàng cũng tăng trưởng đột biến. Tính đến cuối quý 2/2017, khoản phải thu khách hàng ngắn hạn đạt hơn 263.3 tỷ đồng, tăng trưởng gấp 3 lần so với đầu năm. Sự gia tăng mạnh của khoản phải thu khách hàng chủ yếu đến từ khoản phải thu phát sinh mới từ Amazon Robotics, LLC với giá trị lên đến hơn 201.5 tỷ đồng.
Diễn biến khoản phải thu ngắn hạn của GIL
Nguồn: VietstockFinance; Đvt: Tỷ đồng
Cổ đông lớn đồng loạt nhanh tay thoát hàng ngay vùng đỉnh
Một trong những khởi nguồn cho sự tuột dốc của GIL đến từ sự trùng hợp “tình cờ” với hoạt động thoái vốn ồ ạt của các cổ đông chiến lược lớn. Cụ thể, quỹ đầu tư SSIAM của SSI đã thoát toàn bộ hơn 1.6 triệu cổ phiếu (tương đương gần 12% vốn) trong quý 3/2016. Bản thân CTCP Chứng khoán Sài Gòn (HOSE: SSI) cũng đã liên tục giảm tỷ lệ sở hữu trong thời gian này và hiện đã không còn nằm trong danh sách cổ đông lớn của GIL. Một số cổ đông có tỷ lệ sở hữu khá cao khác như Công ty TNHH MTV Nguyễn Sài Gòn cũng giảm sở hữu từ 4.678% xuống chỉ còn 2.518%.