Vietstock - Hết lo đất ở, nay đến lo đất nghĩa trang
Trong những năm gần đây, giá bất động sản leo thang, hiện tượng đầu cơ và đấu giá đất không chỉ gây áp lực lên nhu cầu đất ở mà còn đẩy cao sự khan hiếm đất cho mục đích an táng, đặc biệt tại các thành phố lớn. Nếu như nhu cầu nhà ở có thể chờ đợi, thì nhu cầu chôn cất người quá cố lại không thể trì hoãn.
Tình trạng khan hiếm đất nghĩa trang và xu hướng hỏa táng
Câu chuyện về đất nghĩa trang đang trở nên cấp thiết trong bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ. Tại Hà Nội, TP.HCM và các thành phố lớn khác, quỹ đất dành cho nghĩa trang ngày càng thu hẹp. Điều này thúc đẩy sự chuyển đổi từ tập tục địa táng truyền thống sang hỏa táng, một phương pháp vốn không phổ biến trước đây nhưng đang dần trở nên quen thuộc với người Việt Nam.
Trong vòng 10 năm qua, tỷ lệ hỏa táng tại Việt Nam đã tăng từ khoảng 15-20% lên gần 40%. Tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn, đạt tới 60-70%. Sự gia tăng này cho thấy một sự thay đổi đáng kể trong quan niệm của người dân về việc an táng, khi sức ép từ sự thiếu hụt quỹ đất ngày càng gia tăng. Xu hướng này đang tiến gần hơn đến các nước phát triển như Nhật Bản, nơi tỷ lệ hỏa táng gần như 100%. Mặc dù, đây là một chỉ số có thể coi là tích cực về mặt xã hội và văn hóa, nó cũng phần nào phản ánh áp lực không nhỏ của người dân về lựa chọn an táng cho người quá cố.
Góc nhìn nhân khẩu học và tác động đến nhu cầu an táng
Bên cạnh vấn đề quỹ đất, Việt Nam cũng đang đối mặt với một thách thức nhân khẩu học nghiêm trọng: dân số đang già đi. Trung bình cứ mỗi 3 năm, tuổi trung vị của dân số Việt Nam tăng thêm 1 năm. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, chỉ trong vòng 30 năm tới, cấu trúc dân số của Việt Nam có thể tương đương với Nhật Bản hiện tại – nơi mà hơn 28% dân số đã trên 65 tuổi. Sự già hóa này sẽ làm tăng nhu cầu an táng, trong khi nguồn đất đai vẫn đang bị thu hẹp vì quá trình đô thị hóa.
Sự phát triển của dịch vụ “công viên vĩnh hằng”
Khi dân số già hóa, nhu cầu về đất nghĩa trang cũng tăng theo. Các “công viên vĩnh hằng” và dịch vụ mai táng đã bắt đầu phát triển mạnh trong những năm gần đây. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 30 “công viên vĩnh hằng” được đầu tư và phát triển tại các tỉnh thành, nhưng phần lớn tập trung ở các khu vực ngoại ô của Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, và một số thành phố lớn.
Chi phí cho một phần đất nghĩa trang tại các công viên này dao động từ 50 triệu đến 2 tỷ đồng, tùy vào vị trí, diện tích và mức độ dịch vụ, đa phần ở mức 150-200 triệu đồng/suất. Đối với nhiều gia đình Việt Nam, đây là một khoản chi phí khá cao.
Trước áp lực về quỹ đất nghĩa trang ngày càng lớn, Việt Nam cần những giải pháp bền vững để giải quyết vấn đề này. Một số giải pháp như sau:
Khuyến khích hỏa táng: Đây là giải pháp khả thi nhất hiện tại, với nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Trên thực tế, Việt Nam đã có những chính sách cụ thể để khuyến khích hỏa táng. Các chính sách này bao gồm hỗ trợ tài chính, nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí và khuyến khích việc thực hiện các phương thức an táng văn minh hơn. Thanh Hóa, Hà Nam, Hưng Yên là những địa phương tiêu biểu đã có những chính sách như vậy kể từ năm 2022.
Phát triển công viên nghĩa trang theo hướng hiện đại: Đầu tư vào các công viên nghĩa trang với cơ sở hạ tầng xanh, sạch, đẹp, phù hợp với quy hoạch đô thị cũng là một hướng đi bền vững. Phát triển các công viên nghĩa trang theo hướng hiện đại tại Việt Nam không chỉ giúp giải quyết vấn đề thiếu quỹ đất nghĩa trang tại các khu vực đô thị mà còn tận dụng được những vùng đất xa trung tâm, đặc biệt là các khu đồi núi vẫn còn rộng lớn và ít bị ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa. Những khu vực này, với cảnh quan tự nhiên đẹp, không khí trong lành, sẽ rất phù hợp để phát triển các nghĩa trang sinh thái hoặc công viên vĩnh hằng, nơi mà người dân có thể dễ dàng tiếp cận, nhưng không gây áp lực lên quỹ đất trung tâm. Hơn nữa, việc sử dụng các vùng đất này còn giúp bảo tồn môi trường tự nhiên và thúc đẩy phát triển bền vững trong dài hạn.
Tăng cường giáo dục cộng đồng, nâng cao nhận thức: Đây là một quá trình cần thời gian và sự kiên nhẫn, bởi thay đổi tập quán và thói quen của người dân không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, những nỗ lực này đã mang lại hiệu quả đáng kể trong thời gian qua, minh chứng là việc ngày càng nhiều người dân, đặc biệt ở các đô thị lớn, chấp nhận hình thức hỏa táng. Những chương trình tuyên truyền kết hợp với các chính sách hỗ trợ tài chính từ chính quyền địa phương đã giúp thay đổi dần quan điểm truyền thống, tạo tiền đề cho sự chuyển đổi bền vững và hài hòa với môi trường.
Việt Nam đang ở ngã rẽ quan trọng giữa nhu cầu đất ở và đất nghĩa trang. Trong khi đất cho người sống vẫn là một bài toán khó giải, đất cho “người âm” cũng đang trở thành một thách thức lớn không kém. Việc cân nhắc và điều chỉnh các chính sách hợp lý, cùng với việc nâng cao nhận thức cộng đồng sẽ giúp Việt Nam đi qua giai đoạn này một cách vững vàng hơn.
LH