Vietstock - Hé lộ 10 doanh nghiệp lỗ nặng nhất quý 1/2018
Tính đến ngày 04/05, có khoảng 130 doanh nghiệp báo lỗ trong quý 1/2018. Trong đó, 10 doanh nghiệp lỗ nặng nhất có các mã cổ phiếu (cp) là PVD, DHB, CHP, VST, AGF, GTT, BHA, VOS, TCR, DCT.
Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (HOSE: PVD) là công ty lỗ nặng nhất trong quý 1/2018.
|
PVD lỗ nặng 239 tỷ đồng
Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (HOSE: PVD) đã công bố BCTC hợp nhất quý 1/2018 với kết quả kinh doanh (KQKD) thua lỗ nặng đến 239 tỷ đồng, cùng kỳ PVD cũng lỗ gần 201 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu thuần đạt 1,105.7 tỷ đồng - cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ nhưng giá vốn lại lên tới 1,150.3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các chi phí phát sinh trong kỳ vẫn ở mức cao, với chi phí lãi vay hơn 43 tỷ, chi phí quản lý doanh nghiệp gần 170 tỷ đồng.
Theo giải trình từ phía công ty, trong kỳ, số lượng giàn khoan tự nâng hoạt động tăng lên (2.8 giàn so với 1.4 giàn) nhưng do đơn giá thấp và chi phí cố định cao (lãi vay libor tăng hơn 1.5% so với cùng kỳ, khấu hao tăng trong khi giàn khoan hoạt động nhiều hơn) dẫn đến lợi nhuận sau thuế (LNST) giảm. Ngoài ra, PVD tăng doanh thu hoạt động thương mại với biên lợi nhuận thấp, trong khi đơn giá các dịch vụ liên quan đến khoan trong quý 1 tiếp tục giảm sút do cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Năm 2018, mặc dù đặt mục tiêu doanh thu 3,000 tỷ đồng nhưng Ban lãnh đạo lại đặt mục tiêu lợi nhuận không lỗ. Nguyên nhân do diễn biến giá dầu thế giới vẫn phức tạp, nhu cầu khai thác thăm dò trở nên khó dự báo, việc thừa cung khiến PVD phải cạnh tranh khá gay gắt với các doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó, PVD còn tập trung phát triển công nghệ và đầu tư máy móc thiết bị mới nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả khai thác.
Giá cổ phiếu PVD đã rơi từ mức đỉnh cao nhất trong 1 năm qua tại 30,600 đồng/cp (ngày 29/01/2018) xuống còn 14,750 đồng/cp vào cuối ngày 04/05.
DHB: Quý 1 giảm lỗ so cùng kỳ
Theo BCTC hợp nhất quý 1/2018, CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (UPCoM: DHB) lỗ ròng hơn 81 tỷ đồng, mặc dù lỗ nặng nhưng đã giảm khá mạnh so với mức lỗ quý 1/2017 là 217 tỷ đồng. Trước đó, trong hai năm 2016 và 2017, Công ty lần lượt lỗ 1,041 tỷ đồng và 606 tỷ đồng.
Theo giải trình của công ty, KQKD quý 1 giảm lỗ so với cùng kỳ năm trước do doanh thu bán hàng hóa dịch vụ tăng, sản lượng sản xuất quy đổi sang U rê tăng 32.8%, sản lượng U rê tiêu thụ tăng 5.8%, sản lượng NH3 lỏng tiêu thụ tăng 181.6%, giá bán tăng (chủ yếu là giá NH3 tăng 820 đồng/kg). Công ty giảm được chi phí quản lý do tiết kiệm chi phí tối đa.
Năm 2018 có vẻ tươi sáng khi Công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 702 tỷ đồng và LNTT đạt hơn 19 tỷ đồng.
CHP: Quý lỗ nặng nhất từ khi niêm yết
Trong quý 1/2018, CTCP Thủy điện Miền Trung (HOSE: CHP) đạt tổng doanh thu không đáng kể, chỉ hơn 4 tỷ đồng (chủ yếu từ hoạt động tài chính), trong khi các khoản chi phí vẫn phát sinh ở mức cao khiến LNST âm hơn 74 tỷ đồng – giảm hơn 153% so với cùng kỳ năm trước (LNST đạt 139 tỷ đồng). Đây cũng là mức lỗ quý cao nhất từ khi niêm yết của công ty này.
Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân lỗ do trong năm 2018, Công ty tạm dừng phát điện để thực hiện công tác đại tu tổ máy H1 và bảo trì đường hầm dẫn nước theo định kỳ kết hợp xử lý mái chính diện Nhà máy thủy điện A Lưới.
Khó khăn của CHP còn được phản ánh trong kế hoạch kinh doanh năm 2018, Công ty đặt kế hoạch doanh thu thấp hơn hẳn so với thực hiện năm trước đó. Cụ thể, CHP đặt mục tiêu doanh thu 613 tỷ đồng - giảm gần 30% so với kết quả thực hiện năm trước, LNST là 170 tỷ đồng, tương đương 40% LNST năm trước.
Điều đáng lưu ý là khoản lỗ lớn của CHP nảy sinh trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp thủy điện khác báo lãi. Thủy điện Sông Ba (SBA), thủy điện Sê San 4A (S4A), thủy điện Cần Đơn (SJD), thủy điện Thác Mơ (TMP), thủy điện Sông Chảy 5 (SCH) đều đã báo lãi tăng trưởng so với cùng kỳ do thời tiết thuận lợi, sản lượng điện tăng.
VST: Lỗ quý thứ 25 liên tiếp
Quý 1/2018, CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (UPCoM: VST) lỗ ròng 74 tỷ đồng, ghi nhận quý lỗ thứ 25 liên tiếp. Năm 2017 là năm thứ 6 liên tiếp, công ty có LNST âm. Hiện, giá cổ phiếu VST ở mức 800 đồng/cp.
AGF: 3 tháng đầu năm 2018 lỗ gần 72 tỷ đồng
CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (HOSE: AGF) công bố BCTC quý 2/2018 (kỳ kế toán từ 01/01-31/03) với con số lỗ gần 72 tỷ đồng, nâng con số lỗ lũy kể nửa đầu năm niên độ 2017-2018 lên mức hơn 168 tỷ đồng.
ĐHĐCĐ thường niên 2018 của AGF đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh niên độ 2017-2018 với mục tiêu doanh thu đạt 1,800 tỷ đồng, giảm hơn 20% so với thực hiện năm trước là 2,279 tỷ đồng. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế (LNTT) bằng 0.
Niên độ 2017-2018, công ty xác định vẫn gặp nhiều khó khăn, nguyên liệu không đủ đáp ứng cho các nhà máy sản xuất. Công ty đã tạm ngưng hoạt động 2 nhà máy đông lạnh AGF8 và AGF9 để tập trung nguồn nguyên liệu cho nhà máy AGF7 sản xuất với chi phí thấp nhất đủ sức cạnh tranh nhằm mang lại hiệu quả. Đồng thời, công ty phải tiết giảm chi phí sản xuất, tập trung đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng tăng trưởng tốt.
Cùng với kết quả kinh doanh thua lỗ, giá cổ phiếu AGF cũng giảm gần một nửa so với mức giá đầu năm, hiện ở mức 5,650 đồng/cp.
GTT: Lỗ quý thứ 12 liên tiếp
Trong quý 1/2018, CTCP Thuận Thảo (UPCoM: GTT) có mức lỗ 42 tỷ đồng. Đây là quý thứ 12 liên tiếp, công ty có LNST âm.
Theo giải trình của Công ty, nguyên nhân lỗ do các tài sản của công ty đã hoạt động nhiều năm, xuống cấp, trong khi khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay để đầu tư nâng cấp, đầu tư bổ sung; Việc đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái, khách sạn không hiệu quả; Ngày càng nhiều đối thủ cạnh tranh với lợi thế kinh doanh mới và hiện đại; Thu hồi công nợ những năm trước không được, trong khi công ty không còn vốn lưu động; Việc tái cấu trúc công ty chưa thật sự mang lại hiệu quả.
Trước năm 2014, công ty có KQKD tốt. Hai năm 2014 và 2015 lỗ liên tiếp dẫn đến cuối tháng 5/2016, công ty phải hủy niêm yết trên sàn HOSE, chuyển sang sàn UPCoM. Ngày giao dịch đầu tiên trên UPCoM, GTT có giá đóng cửa cuối phiên là 800 đồng/cp. Hiện, giá cổ phiếu GTT chỉ ở mức 300 đồng/cp.
Ngày 26/4, công ty tổ chức ĐHĐCĐ thường niên lần 1 năm 2018 nhưng bất thành do không có đủ số lượng cần thiết để tiến hành. HĐQT đã làm thủ tục mời họp lần 2 vào ngày 16/5.
BHA: Lỗ 35 tỷ đồng
CTCP Thủy điện Bắc Hà (UPCoM: BHA) báo lỗ 35 tỷ đồng trong quý 1/2018, cùng kỳ năm trước cũng lỗ hơn 38 tỷ đồng.
Kế hoạch năm 2018 giảm so với năm trước về cả doanh thu và LNST. Cụ thể, mục tiêu doanh thu là 201 tỷ đồng, giảm so với 329 tỷ đồng năm trước, LNST là 7.9 tỷ đồng, giảm so với 63.2 tỷ đồng năm trước.
VOS: Quay lại con đường thua lỗ
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2018, mặc dù doanh thu thuần đạt 442 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, CTCP Vận tải Biển Việt Nam (Vosco, HOSE: VOS) vẫn lỗ hơn 30 tỷ đồng.
Theo giải trình từ phía công ty, công ty đã tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp để tăng doanh thu, giảm chi phí nhưng do thị trường duy trì ở mức kém quá lâu, lượng cung tàu vẫn tăng làm cho giá cước tiếp tục sụt giảm, trong khi giá nhiên liệu lại tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm trước nên KQKD của công ty bị ảnh hưởng lớn.
Như vậy, sau khi thoát lỗ vào quý 4/2017, sau 11 quý liên tiếp thua lỗ, công ty tiếp tục trở lại tình trạng lỗ. Tính tới cuối quý 1/2018, lỗ lũy kế của Công ty đã lên tới hơn 821 tỷ đồng.
Năm 2018, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 1,401 tỷ đồng. Mục tiêu LNTT là cân bằng thu chi.
TCR: Lỗ quý thứ 5 liên tiếp
Theo BCTC hợp nhất, quý 1/2018, CTCP Công nghiệp Gốm sứ Taicera (HOSE: TCR) lỗ hơn 29 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu tăng nhưng giá vốn hàng bán cũng tăng cao so với cùng kỳ. Đây là quý thứ 5 liên tiếp, doanh nghiệp này kinh doanh không có lãi.
DCT: Tiếp tục thua lỗ, vốn chủ sở hữu âm 185 tỷ đồng
Quý 1/2018, CTCP Tấm lợp Vật liệu xây dựng Đồng Nai (UPCoM: DCT) có mức lỗ 27 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 25 tỷ đồng. Đây là quý thứ 5 liên tiếp, công ty có LNST âm.
Điều đáng chú ý là vốn chủ sở hữu (VCSH) của công ty âm 185 tỷ đồng. Công ty có tổng tài sản là 716 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả đến 902 tỷ đồng. Giá cổ phiểu DCT hiện chỉ ở mức 800 đồng/cp.
Top 10 doanh nghiệp lỗ nặng nhất quý 1/2018:
Gia Nghi