Vietstock - HBC: Trúng thầu hơn 18,000 tỷ năm 2018, giảm nợ vay và kiểm soát tốt khoản phải thu
Kết thúc năm 2018, Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) tiếp tục gặt hái được những thành công khi tiếp tục được các đối tác tín nhiệm giao những gói thầu giá trị lớn. Bên cạnh đó, câu chuyện dòng tiền vẫn được HBC kiểm soát tốt.
Tổng giá trị trúng thầu hơn 18,000 tỷ đồng
Trong năm 2018 vừa qua, tăng trưởng của ngành xây dựng tiếp tục đạt kết quả ấn tượng. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tốc độ tăng trưởng của ngành ở mức cao so với kế hoạch, cao hơn bình quân chung cả nước. Giá trị sản xuất xây dựng đạt 9.2% so với kế hoạch đề ra từ 8.46 đến 9.21%.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp xây dựng nào cũng tận dụng được lợi thế của ngành đề phát triển. Những khó khăn chung mang tính khách quan của thị trường bất động sản trong năm qua khiến nhiều dự án buộc phải tạm dừng thi công. Nhưng nhiều chủ đầu tư có tên tuổi vẫn tìm được hướng đi riêng.
Và tất nhiên các chủ đầu tư cũng sẽ lựa chọn những nhà thầu uy tín trên thị trường hiện nay để thực hiện dự án. Với vị thế của mình, Tập đoàn Hòa Bình không khó để các đối tác lớn “chọn mặt gửi vàng”. Trong năm 2018, HBC cho biết đã trúng thầu 25 công trình với tổng giá trị đạt 18,150 tỷ đồng.
Tổng các gói thầu mà HBC đã trúng trong năm 2018
Trong các gói thầu mà HBC đã ký kết năm 2018, các dự án thuộc Vingroup đạt giá trị 3,873 tỷ đồng, Empire City hơn 3,000 tỷ, Sunshine Group đạt 719 tỷ đồng và nhiều ông lớn khác như Sungroup, Phú Thái Hưng, Trung Thủy Group…
Việc được các chủ đầu tư lớn lựa chọn để thi công dự án càng khẳng định uy tín và vị thế của Hòa Bình. Điều đó được minh chứng rõ hơn khi trong năm 2018, HBC lần thứ 6 liên tiếp nhận giải thưởng Thương hiệu Quốc gia.
Không chỉ dừng lại trong nước, thị trường nước ngoài tiếp tục là mục tiêu chiến lược mà Tập đoàn theo đuổi trong năm 2018. Ngoài Malaysia, Myanmar, hiện Hòa Bình cũng đang đặt nền móng đầu tiên tại Trung đông bằng việc ký kết hợp tác với các đối tác ở Kuwait gồm Công ty Kỹ thuật và Xây dựng HOT, Công ty First Kuwait General Trading and Constructing.
Đối với mảng bất động sản, HBC cũng đã thực hiện đầu tư nhiều dự án trong năm qua. Dự kiến đến năm 2019 thì có thể bắt đầu ghi nhận doanh thu từ hai dự án là Ascent Lakeside và Khu nhà ở Long Thới.
Các dự án bất động sản
Doanh thu 2018 cao kỷ lục, giảm dư nợ vay, kiểm soát tốt khoản phải thu
Theo BCTC hợp nhất quý 4/2018 vừa công bố, HBC ghi nhận doanh thu hơn 5,434 tỷ đồng, nâng con số cả năm 2018 lên trên 18,200 tỷ, tăng 13% so với năm trước và cũng là con số cao nhất từ trước đến nay. Lãi ròng năm 2018 đạt gần 637 tỷ đồng.
Bên cạnh các gói thầu, năm vừa qua, Tập đoàn hết sức chú trọng đến sức khỏe tài chính khi đưa dư nợ vay giảm xuống và các khoản công nợ đang tiến hành làm hồ sơ thanh toán được giữ ở mức tối thiểu.
Cụ thể, số dư nợ vay cuối thời điểm năm 2018 ở mức 4,340 tỷ đồng, giảm 272 tỷ so với thời điểm đầu năm, và giảm 712 tỷ so quý liền kề (tính đến 30/09/2018). Trong mùa vụ cao điểm kinh doanh, đạt được số liệu này, HBC cho biết là nhờ có kế hoạch dòng thu, kế hoạch tiến độ thi công, cung ứng vật tư và máy móc thiết bị, từ đó đưa ra kế hoạch quản lý dòng tiền đối với từng dự án.
HĐQT cũng đẩy áp lực lên ban quản lý dự án và các bộ phận liên quan để kiểm soát dòng thu, cân đối dòng tiền, đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch đề ra. Do đó, sau 3 tháng triệt để áp dụng và không có ngoại lệ, mức độ tuân thủ đã được cải thiện và thay đổi rõ rệt, kết quả được thể hiện qua con số.
Đại diện HBC cũng chia sẻ, sang năm 2019, các biện pháp nói trên cũng sẽ được áp dụng nhằm tiếp tục hạn chế gia tăng nợ vay.
Đối với các khoản phải thu, thời điểm cuối năm 2018, phải thu theo tiến độ hợp đồng giảm 567 tỷ đồng so với đầu năm, ở mức 4,107 tỷ đồng. Phải thu khách hàng tăng 2,916 tỷ đồng, lên mức 6,140 tỷ đồng.
Theo HBC, 2 tháng là khung thời gian tối thiểu để hoàn thành các hồ sơ thủ tục thanh toán theo chuẩn chung của ngành. Sau khi hoàn thành toàn bộ các hồ sơ thanh toán, khoản công nợ sẽ được chuyển từ mục phải thu theo tiến độ hợp đồng sang mục phải thu khách hàng và khách hàng sẽ có nghĩa vụ thanh toán theo thời hạn. Như vậy, khoản phải thu theo tiến độ hợp đồng tại thời điểm cuối năm 2018 tương ứng với khoảng 2.5 tháng doanh thu của Công ty. Đây là mức gần như tối thiểu, và là sự nỗ lực lớn từ nhiều bộ phận liên quan để kiểm soát chặt chẽ công tác thanh quyết toán.
Hơn nữa, khoản phải thu tăng là do nhu cầu kinh doanh thực tế của doanh nghiệp, HBC thực hiện xây dựng nhiều công trình, doanh thu tăng dẫn đến khoản phải thu tăng. Tại Tập đoàn, công tác nghiệm thu thanh toán được thực hiện tốt, khoản công nợ đang tiến hành làm hồ sơ thanh toán được giữ ở mức tối thiểu.
Thêm vào đó, phải thu tăng không đi kèm với rủi ro thanh toán tăng bởi các khách hàng mà HBC đang thực hiện phần lớn đều là các Tập đoàn lớn có năng lực mạnh như Vingroup, MIK group, Sun Group, Gamuda Land, BRG Group…
Tình hình tài chính của HBC có rủi ro hay không? Đây là vấn đề được giới phân tích đầu tư tranh cãi khá kịch liệt với nhiều ý kiến trái chiều trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, các lập luận định tính chủ quan hoặc phân tích các chỉ số tài chính riêng lẻ thường không mang tính thuyết phục cao. Vì vậy, việc kiểm chứng bằng các mô hình định lượng sẽ phát huy tác dụng trong trường hợp này. Kết quả test của các mô hình F-Score, M-Score, H-Score cho thấy HBC không có rủi ro về tài chính trong ngắn hạn. Về giá cổ phiếu trên sàn, trên góc nhìn kỹ thuật, khối lượng giao dịch của HBC trong thời gian gần đây đã có sự cải thiện đáng kể. Điều này chứng tỏ dòng tiền đang quay trở lại HBC khi giá cổ phiếu đã về mức rẻ hơn. Chỉ báo MACD cũng đang chuẩn bị hình thành phân kỳ giá lên. Nếu tín hiệu này xuất hiện trong thời gian tới thì triển vọng của HBC sẽ rất tích cực. Vùng 15,000-17,000 được đánh giá là rất mạnh khi có sự hội tụ của trendline trung hạn và ngưỡng Fibonacci Projection 100%. Việc mua vào khi giá cổ phiếu HBC dịch chuyển về gần vùng này được giới phân tích kỹ thuật ủng hộ. |
Phương Châu