Vietstock - Hành trình nâng hạng chứng khoán Việt: Bài học từ Ả-rập Saudi
Việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC vào giữa tháng 9, mở đường cho việc bãi bỏ yêu cầu ký quỹ trước (prefunding) khiến giới đầu tư liên tưởng đến câu chuyện đã xảy ra cách đây vài năm tại Ả-rập Saudi.
Đó là câu chuyện về cuộc cải cách dẫn đến sự kiện nâng hạng Ả-rập Saudi trong chỉ số FTSE Russell và đưa đất nước Trung Đông này trở thành thị trường lớn thứ 5 trong chỉ số FTSE Emerging Market Index.
Khởi đầu cho con đường nâng hạng
Ngày 19/9/2024, Bộ Tài chính ban hành thông tư quan trọng để bãi bỏ cơ chế prefunding. Vậy prefunding là gì và tại sao bước đi này lại quan trọng?
Prefunding, hay ký quỹ trước, yêu cầu nhà đầu tư phải có đủ tiền trong tài khoản trước khi đặt lệnh mua chứng khoán.
Yêu cầu ký quỹ trước đòi hỏi các nhà đầu tư nước ngoài phải luôn duy trì lượng tiền mặt lớn bằng nội tệ nếu muốn chớp cơ hội nhanh chóng trên thị trường. Việc này hạn chế khả năng quản lý vốn linh hoạt của các quỹ đầu tư nước ngoài.
Tưởng tượng một quỹ đầu tư quốc tế muốn mua cổ phiếu A. Họ phải đổi một khoản tiền lớn sang đồng Việt Nam, đặt lệnh mua. Nếu lệnh không khớp và giá cổ phiếu tăng vọt, họ buộc phải chuyển hướng sang cổ phiếu khác. Tệ hơn nữa, nếu họ quyết định chuyển sang thị trường khác, họ lại phải chuyển đổi tiền tệ một lần nữa. Quá trình này không chỉ tốn thời gian mà còn "đốt tiền" vào chi phí chuyển đổi ở cả hai đầu.
Việc loại bỏ prefunding, do đó, giống như việc cởi bỏ “chiếc áo giáp nặng nề” cho các nhà đầu tư nước ngoài. Họ sẽ trở nên linh hoạt hơn, hiệu quả hơn trong giao dịch và điều này sẽ khiến thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các "ông lớn" quốc tế.
Nhiều công ty chứng khoán Việt đang hào hứng cho rằng đây là bước tiến quan trọng để Việt Nam được FTSE Russell nâng hạng lên thị trường mới nổi. Nhưng liệu điều này có đủ? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy nhìn sang câu chuyện của Ả-rập Saudi - quốc gia từng bãi bỏ yêu cầu prefunding và các động thái khác để được nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Hành trình nâng hạng của Ả-rập Saudi
Hành trình của Ả-rập Saudi bắt đầu vào năm 2016, khi Thái tử Mohammed bin Salman công bố kế hoạch "Tầm nhìn 2030” - một lộ trình tham vọng nhằm biến đổi toàn diện nền kinh tế Ả-rập Saudi, trong đó thị trường chứng khoán đóng vai trò then chốt. Kế hoạch này bao gồm cả việc nâng hạng thị trường lên thị trường mới nổi trong MSCI và FTSE Russell.
Trước năm 2015, thị trường chứng khoán Ả-rập Saudi còn khắc nghiệt hơn cả Việt Nam hiện tại. Họ không cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia, áp dụng prefunding và có chu kỳ giao dịch dài hơn T+2.
Nhưng chỉ trong vòng 4 năm ngắn ngủi, từ 2015-2019, Ả-rập Saudi đã thực hiện một loạt cải cách mang tính cách mạng:
- Tháng 6/2015: Áp dụng tiêu chí Nhà đầu tư Nước ngoài Đủ điều kiện (QFI) để đầu tư vào thị trường chứng khoán.
- Tháng 5/2016: Công bố kế hoạch thành lập một công ty lưu ký chứng khoán độc lập.
- Tháng 1/2017: Bỏ yêu cầu prefunding, nới lỏng quy định áp dụng với các nhà đầu tư nước ngoài, lập Trung tâm Lưu ký Khứng khoán (SDC) độc lập.
- Tháng 4/2017: Áp dụng chu kỳ thanh toán T+2 và triển khai cho vay và đi vay chứng khoán.
- Tháng 5/2018: Thành lập Trung tâm Thanh toán Bù trừ Trung ương (CCP) Muqassa, đặt nền móng cho việc phát triển các sản phẩm phái sinh trong tương lai.
Cùng với những cải cách này, Ả-rập Saudi cũng tích cực nâng cao tính minh bạch và quản trị doanh nghiệp. Họ yêu cầu các công ty niêm yết cung cấp báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế và tăng cường bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số.
Nỗ lực của Ả-rập Saudi nhanh chóng được ghi nhận. Vào tháng 3/2018, FTSE Russell công bố quyết định nâng hạng thị trường Ả-rập Saudi từ "Thị trường cận biên" lên "Thị trường mới nổi hạng 2". Sau đó, vào tháng 6/2018, MSCI cũng nâng hạng Ả-rập Saudi lên thị trường mới nổi.
“Tốc độ thay đổi cơ sở hạ tầng thị trường vốn đã thực sự đáng khen ngợi. Việc được MSCI và FTSE nâng hạng là những ví dụ điển hình về những gì mà Cơ quan quản lý, Sàn giao dịch Tadawul và các Đối tác được ủy quyền (AP) có thể cùng nhau đạt được trong một khoảng thời gian ngắn. Tất nhiên, điều này không thể thực hiện được nếu thiếu sự lên kế hoạch cẩn thận, tham vấn và phối hợp chặt chẽ” - các chuyên viên phân tích tại Deutsche Bank viết trong báo cáo năm 2019.
Dòng vốn ngoại chảy vào, thị trường khởi sắc
Sau khi được nâng hạng, dòng vốn ngoại chảy mạnh vào thị trường chứng khoán Ả-rập Saudi thông qua quỹ chủ động lẫn ETF.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, Ả-rập Saudi đã thu hút được khoảng 20 tỷ USD vốn ngoại vào thị trường chứng khoán. Trong 7 tháng đầu năm 2019, khối ngoại chiếm 21% khối lượng giao dịch trên thị trường, tương đương 56 tỷ USD.
Thị trường chứng khoán cũng khởi sắc rõ rệt, từ mức dưới 8,000 điểm lên hơn 9,000 điểm trong năm 2019. Tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài đủ điều kiện (QFI) đã tăng từ 0.94% (đầu năm 2019) lên 5.32% vào tháng 9/2019, tương đương tăng gần 400%.
Câu chuyện của Ả-rập Saudi mang đến nhiều bài học quý giá cho Việt Nam. Nó cho thấy tầm quan trọng của việc cải cách toàn diện, quyết liệt và nhất quán. Việc bãi bỏ prefunding là bước đi đúng đắn, nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để đáp ứng tiêu chuẩn của các tổ chức xếp hạng thị trường, như việc áp dụng T+2. Nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, Chứng khoán ACB (ACBS) dự báo Việt Nam sẽ được nâng hạng sớm nhất vào tháng 3/2025.
Cũng theo ACBS, việc nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ là cột mốc đáng kể để TTCK Việt Nam được công nhận là thị trường có khả năng tiếp cận đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Dự kiến tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm khoảng 0.7-0.9% danh mục thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE và Việt Nam sẽ thu hút được dòng vốn 500-600 triệu USD từ các quỹ ETF mô phỏng chỉ số, chưa kể dòng vốn từ các quỹ chủ động.
Vũ Hạo