Theo Dong Hai
Investing.com – Hàng không nội địa Việt Nam phục hồi nhanh nhất thế giới; Tăng trưởng tín dụng đạt 8,15%; Doanh nghiệp bảo hiểm không được kinh doanh bất động sản. Thị trường Việt Nam hôm nay sẽ có các tin tức mới với nội dung dưới đây.
1. Hàng không nội địa Việt Nam phục hồi nhanh nhất thế giới
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam vừa thông tin, theo công bố của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam bất ngờ đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới.
Cục Hàng không Việt Nam cho hay, 6 tháng đầu năm, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không Việt Nam ước đạt 40,7 triệu khách, tăng 56,8% so với cùng kỳ 2021. Lượng khách quốc tế vẫn còn hạn chế khi chỉ có 1,8 triệu khách quốc tế và 38,9 triệu khách nội địa.
Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển 20,1 triệu khách, tăng 56,1% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, khách quốc tế đạt 667 nghìn khách, khách nội địa 19,5 triệu khách, tăng 51,8% so với cùng kỳ 2021.
Dự kiến trong năm 2022, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không trên cả nước ước đạt 87,8 triệu khách, tăng 190% so với năm 2021, trong đó khách quốc tế đạt 5 triệu khách, tăng 844% so với năm 2021. Khách nội địa 82,8 triệu khách, tăng 178,4% so với năm 2021.
Các hãng hàng không Việt Nam dự kiến vận chuyển 43,3 triệu khách, tăng 185% so với năm 2021; trong đó, có 1,8 triệu khách quốc tế và 41,5 triệu khách nội địa.
2. Tăng trưởng tín dụng đạt 8,15%
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 9/6/2022, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021.Đến ngày 9/6/2022, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, tín dụng đã tăng hơn 17%, nhờ đó đã góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng. Đặc biệt, nguồn vốn ngân hàng đã tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, giao dịch tăng 69,7% về số lượng và 27,5% về giá trị; qua internet tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng 56,52% và 111,62%; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.
3. Doanh nghiệp bảo hiểm không được kinh doanh bất động sản
Sáng 16/6, gần 95,2% đại biểu Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không được dùng vốn nhàn rỗi để kinh doanh bất động sản, theo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi vừa được thông qua.
Không được kinh doanh bất động sản trực tiếp, nhưng doanh nghiệp bảo hiểm được mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ; cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng. Doanh nghiệp cũng được nắm giữ bất động sản do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản, do đối trừ công nợ phải thu bằng bất động sản trong thời hạn 3 năm.
Chính phủ sẽ quy định chi tiết về hạn mức đầu tư cổ phiếu, chứng chỉ quỹ để bảo đảm thận trọng, tránh rủi ro.
Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cũng quy định, doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm khi đầu tư ra nước ngoài phải tách biệt việc đầu tư và không được dùng tiền, tài sản của bên mua bảo hiểm trong nước để bù đắp lỗ, thiếu hụt tiền của hoạt động đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.