Vietstock - Hà Nội ‘khai tử’ hơn 150 dự án, loạt dự án ‘treo’ được gia hạn
Có 153 dự án được Hà Nội thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt hoạt động, dừng triển khai hoặc chấm dứt việc giao chủ đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch, nhưng cũng có dự án được chuyển từ nhóm thu hồi sang gia hạn.
Thu hồi, bãi bỏ 153 dự án
UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 04 năm 2022 của HĐND TP về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, kết quả chỉ đạo xử lý lũy kế đến ngày 15/6/2024 (dự kiến kết quả thực hiện đến hết tháng 6/2024) có 705/712 dự án (chiếm 99%) với tổng diện tích hơn 11.300ha đất đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và chỉ đạo xử lý, giao các đơn vị tiếp tục giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa đất vào sử dụng.
7/712 dự án (chiếm 1%) với tổng diện tích 88,5ha đất, đã có quyết định chủ trương nhưng chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục rà soát để xem xét phương án xử lý. Kết quả 6 tháng đầu năm 2024, giảm 25 dự án so với cuối năm 2023 (32 dự án).
Cụ thể, có 410/712 dự án với tổng diện tích hơn 9.000ha đất được đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai, tiếp tục giám sát. Kết quả 6 tháng đầu năm 2024 tăng 80 dự án so với cuối năm 2023 (330 dự án).
Trong đó, 12 dự án được đề nghị loại bỏ khỏi danh sách do trùng lặp, nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu khi chưa có ý kiến của UBND thành phố.
155 dự án sau thanh tra, kiểm tra, chủ đầu tư đã chủ động khắc phục các tồn tại và được đề nghị đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai.
9 dự án sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án nhà ở thương mại (vướng mắc khi thực hiện theo quy định tại Nghị định số 30/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ), UBND TP đã có văn bản báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về thực trạng và giải pháp thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác.
Đáng chú ý, có 153 dự án đã thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt hoạt động dự án, dừng triển khai hoặc chấm dứt việc giao chủ đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch.
Một dự án “treo” cả thập kỷ nằm tại vị trí đắc địa phía Tây Hà Nội. Ảnh: Hồng Khanh |
Đối với 295 dự án với tổng diện tích hơn 2.200ha đất đã có chỉ đạo thực hiện tiếp tục giám sát, đôn đốc và tổ chức hậu kiểm sau thời gian gia hạn 24 tháng, thời gian kéo dài gia hạn 24 tháng do nguyên nhân bất khả kháng dịch bệnh Covid- 19. Kết quả 6 tháng đầu năm 2024 giảm 55 dự án so với cuối năm 2023 (350 dự án).
Trong đó, có 110 dự án với tổng diện tích hơn 330ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng được UBND TP quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp thêm cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn 24 tháng (có 42 dự án được kéo dài thời gian gia hạn 24 tháng do nguyên nhân bất khả kháng dịch bệnh Covid- 19).
Trong danh sách này có dự án Nam Đàn Plaza của CTCP Địa ốc Dầu khí Viễn thông tại phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm) được chuyển từ nhóm thu hồi sang gia hạn.
Tại dự án công trình thương mại dịch vụ và văn phòng làm việc (Cầu Giấy) của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank (HM:VCB)), tháng 10/2023, UBND TP có quyết định kéo dài thời gian gia hạn sử dụng đất là 11 tháng.
Ngoài ra có thể kể đến các dự án như: Dự án Xây dựng trụ sở Ngân hàng Công thương (VietinBank) – CN Bắc Thăng Long (Đông Anh) của Ngân hàng TMCP VietinBank; dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng cao cấp của CTCP Tập đoàn Đầu tư Long Giang tại Long Biên; Khu chung cư quốc tế Booyoung Việt Nam (Hà Đông); dự án Bệnh viện Nam Cường (Hà Đông) và dự án tại khu B thuộc khu đô thị mới Dương Nội (Hà Đông) của Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường; dự án khu đô thị mới tại lô đất N1+N3 thuộc khu đô thị Quốc Oai (Quốc Oai) của CTCP Tập đoàn C.E.O…
Đối với 185 dự án với tổng diện tích hơn 1.900ha đất, đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, UBND TP giao các Sở ngành thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện giám sát, tiếp tục đôn đốc thực hiện đối với từng dự án.
Tiếp tục thanh, kiểm tra 117 dự án “ôm đất”
Ngoài 712 dự án trên, UBND TP Hà Nội cho biết, UBND các quận, huyện, thị xã đã tiếp tục rà soát các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn để tiếp tục đề nghị xử lý đối với 117 dự án nằm ngoài danh sách nêu tại báo cáo số 451 năm 2023 của UBND thành phố.
Trong đó, 60 dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; 57 dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Cụ thể, 20 quận, huyện có dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm gồm: Hoài Đức (3 dự án), Nam Từ Liêm (12 dự án), Bắc Từ Liêm (6 dự án), Sóc Sơn (9 dự án), Đống Đa (1 dự án), Thanh Xuân (2 dự án), Hà Đông (12 dự án), Hoàng Mai (6 dự án), Thạch Thất (19 dự án), Phúc Thọ (1 dự án), Đan Phượng (1 dự án), Cầu Giấy (1 dự án), Thanh Oai (2 dự án), Quốc Oai (1 dự án), Ba Vì (6 dự án), Thanh Trì (6 dự án), Gia Lâm (1 dự án), Mỹ Đức (1 dự án), Tây Hồ (3 dự án), Long Biên (24 dự án).
Có 10 quận, huyện, thị xã không có dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm gồm: Đông Anh, Mê Linh, Thường Tín, Ba Đình, Chương Mỹ, Ứng Hoà, Hai Bà Trưng, Phú Xuyên, Hoàn Kiếm, Sơn Tây.
Đối với 117 dự án này, ngày 24/6, UBND thành phố đã có văn bản phân công nhiệm vụ cho các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì kiểm tra, thanh tra, xử lý theo đề xuất mới của UBND các quận, huyện, thị xã.
Hồng Khanh