Vietstock - Góc nhìn tuần 22 - 26/01: Sự giằng co diễn ra do áp lực chốt lãi ngắn hạn?
Theo Chứng khoán Vietcap, sự giằng co có thể diễn ra tại kháng cự 1,190 điểm do áp lực chốt lãi ngắn hạn tại các cổ phiếu dẫn dắt và có thể thúc đẩy môt nhịp điều chỉnh giảm với VN-Index từ kháng cự 1,190 điểm.
Giằng co diễn ra do áp lực chốt lãi ngắn hạn
CTCK Vietcap: Dự báo trong phiên 22/01 tới, nhóm vốn hóa lớn có thể dẫn dắt VN-Index tăng và hướng lên kháng cự tại mốc 1,190 điểm. Sự giằng co có thể diễn ra tại đây do áp lực chốt lãi ngắn hạn tại các cổ phiếu dẫn dắt và có thể thúc đẩy môt nhịp điều chỉnh giảm với VN-Index từ kháng cự 1,190 điểm.
Khi đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ cũng sẽ chịu ảnh hưởng nhất định từ hiệu ứng điều chỉnh này để thu hút lực mua quay trở lại ở những vùng giá thấp.
Tích lũy với kỳ vọng tăng giá ngắn hạn
CTCK Rồng Việt (VDSC): Phiên 20/01, thị trường tiếp tục hành trình tăng điểm và vượt qua vùng cản 1,170 điểm. Thanh khoản tăng so với phiên trước, cho thấy dòng tiền vẫn còn nỗ lực hỗ trợ thị trường. Với mức tăng điểm nhanh và dòng tiền phân bổ không đồng đều trên thị trường, có khả năng sẽ có trạng thái tranh chấp và rung lắc trong phiên giao dịch tiếp theo.
Tuy nhiên, dự kiến thị trường sẽ tiếp tục được hỗ trợ khi lùi bước và vẫn có cơ hội nới rộng nhịp tăng trong thời gian tới. Vùng cản tiếp theo cần lưu ý là vùng quanh 1,200 điểm.
Nhà đầu tư có thể kỳ vọng khả năng tăng điểm của thị trường. Hiện tại có thể cân nhắc lựa chọn các cổ phiếu đang có tín hiệu tốt từ vùng hỗ trợ để mua tích lũy với kỳ vọng tăng giá ngắn hạn.
Hình thành nền tích lũy trong vùng 1,150 – 1,250 điểm
CTCK Sài Gòn – Hà Nội ( SHS (HN:SHS)): Xét dưới góc nhìn ngắn hạn, thị trường vận động tích cực và đã hình thành nhịp tăng ngắn hạn mới tuy nhiên VN-Index sẽ sớm gặp cản tâm lý 1,200 điểm và có thể có rung lắc, cản mạnh thực sự của nhịp tăng ngắn hạn sẽ là cản trên của kênh tích lũy trung hạn quanh vùng 1,250 điểm.
Về góc nhìn trung hạn, sau giai đoạn hồi mạnh thị trường đang trong giai đoạn hình thành nền tích lũy mới trong vùng 1,150 - 1,250 điểm, với biên độ dao động rộng nên thời gian hình thành nền mới sẽ kéo dài.
Nhà đầu tư ngắn hạn đã mua vào ở các phiên trước nên tiếp tục nắm giữ danh mục, hạn chế mua đuổi gia tăng tỷ trọng khi VN-Index đang dần tiệm cận ngưỡng cản tâm lý 1,200 điểm.
Với nhà đầu tư trung, dài hạn, thị trường đang dần củng cố và hình thành nền tảng tích lũy nhưng quá trình này sẽ kéo dài, nhà đầu tư trung dài hạn hoàn toàn có thể giải ngân nhưng với quan điểm mua tích lũy dần vì thời điểm hình thành uptrend mới sẽ còn khá dài.
Gặp áp lực chốt lời
CTCK BIDV (HM:BID) (BSC): Thị trường có thể gặp phải áp lực chốt lời trong những phiên tới do chỉ số đã chạm đến ngưỡng kháng cự 1,180.
VN-Index sớm thử thách ngưỡng 1,200
CTCK Phú Hưng (PHS): Theo quan điểm kỹ thuật, với phiên 19/01, VN-Index có phiên tăng điểm thứ hai liên tiếp. Chỉ số có thể sớm tiến lên thử thách ngưỡng kháng cự gần quanh vùng tâm lý 1,200 điểm và xa hơn là vùng 1,250 điểm.
Đối với sàn Hà Nội, HNX-Index có thể sớm có cơ hội phục hồi trở lại vùng biên trên quanh 235 điểm.
Nhìn chung, thị trường vẫn tiếp diễn xu hướng phục hồi ngắn hạn sau phiên tăng 19/1. Do đó, nhà đầu tư có thể tiếp tục thực hiện các giao dịch lướt sóng nhằm tận dụng xu hướng tích cực của thị trường. Trong đó, ưu tiên các cổ phiếu có cơ bản tốt, có báo cáo lợi nhuận quý 4 tăng trưởng khả quan.
Rủi ro ngắn hạn ở mức thấp
CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta): Thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong phiên giao dịch đầu tuần 22/01 và chỉ số VN-Index sẽ tiến vào vùng kháng cự 1,185 - 1,215 điểm. Đồng thời, thị trường có thể sẽ liên tục xuất hiện các nhịp rung lắc hoặc điều chỉnh khi chỉ số VN-Index tiến vào vùng kháng cự này, điểm tích cực hiện nay là nhóm cổ phiếu ngân hàng vượt các mức kháng cự mạnh và có khả năng sớm tăng về vùng đỉnh tháng 02/2022.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có mức tăng kém hơn nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, tình trạng phân hóa này có thể sẽ còn tiếp diễn trong tuần giao dịch tới, nhưng khi chỉ số VN-Index tiến sâu vào vùng kháng cự thì rất có khả năng nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể sẽ điều chỉnh.
Tuy nhiên, rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp và thị trường có thể chỉ xuất hiện các nhịp điều chỉnh kỹ thuật ngắn hạn.
Đông Tư