Vietstock - Góc nhìn tuần 21 - 25/01: Tiếp tục giằng co
Trong tuần giao dịch tiếp theo (21 - 25/01), VN-Index có thể tiếp tục diễn biến giằng co khó chịu với thanh khoản thấp, kháng cự và hỗ trợ gần nhất lần lượt tại 915 điểm (MA10 tuần) và 880 điểm tương ứng với vùng đáy cũ.
Hạn chế mua
CTCK Sài Gòn-Hà Nội ( SHS (HN:SHS)): Càng về đến gần dịp nghỉ Tết Nguyên Đán, giao dịch trên thị trường chứng khoán càng trở nên trầm lắng hơn. Các chỉ số giao dịch chủ yếu với diễn biến giằng co khó chịu trong tuần qua với thanh khoản ở mức thấp.
Dòng tiền lớn vẫn chưa có dấu hiệu quay trở lại thị trường nhất là trong bối cảnh gần về cuối năm âm lịch, nhà đầu tư vẫn đứng ngoài thị trường quan sát chứ chưa vội quay trở lại. Cũng không loại trừ khả năng một bộ phận nhà đầu tư đã chuyển sang giao dịch trên thị trường phái sinh để kiếm lời ngay cả khi thị trường giảm.
Diễn biến trên thị trường phái sinh cũng thể hiện tâm lý tiêu cực của thị trường khi mà kỳ hạn gần nhất của hợp đồng tương lai VN30 đang thấp hơn chỉ số cơ sở VN30 tận 13.8 điểm.
Trong tuần giao dịch tiếp theo, không có những thông tin có thể tác động mạnh tới thị trường và với điều tâm lý nhà đầu tư muốn nghỉ Tết sớm như hiện nay thì diễn biến có lẽ cũng không có sự đột biến đáng kể.
Dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo (21 - 25/1), VN-Index có thể tiếp tục diễn biến giằng co khó chịu với thanh khoản thấp, kháng cự và hỗ trợ gần nhất lần lượt tại 915 điểm (MA10 tuần) và 880 điểm tương ứng với vùng đáy cũ.
SHS duy trì khuyến nghị nhà đầu tư nên hạn chế mua vào trong giai đoạn này do xu hướng hiện tại vẫn là rủi ro và khó chịu. Nếu đang có tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục có thể tận dụng những phiên hồi phục để bán giảm tỷ trọng.
Tâm lý thị trường yếu
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): Lực mua tốt trong phiên sáng ngày 18/01 ở các mã VHM, MSN, HPG và đặc biệt là VNM đã giúp chỉ số VN-Index biến động và tăng nhẹ nhẹ với thanh khoản tích cực so với cùng phiên 17/01.
Trong phiên chiều, chỉ số rung lắc và có mức tăng nhẹ so với phiên sáng. Các mã như VIC, REE, BVH, VJC, DPM, STB và GAS nhận được lực mua tích cực trong phiên chiều. Khối ngoại bán ròng và thanh thanh khoản vẫn ở mức thấp trong phiên 18/01. Theo quan điểm của BSI, thị trường có phiên cuối tuần hồi phục sau 2 phiên điều chỉnh liên tiếp và tâm lý thị trường vẫn trong trạng thái yếu.
Kháng cự gần 905
CTCK Asean (Asean Securities): Phiên giao dịch thứ Sáu (18/01), chỉ số VN-Index giao dịch giằng co trong biên độ hẹp do nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn giao dịch phân hóa. Trong đó, VIC, VNM, VHM, MSN, TCB, HPG và VPB là những mã vốn hóa lớn tăng giá, bù đắp cho sự suy yếu của VCB, BID, PLX, CTG, VRE và BHN.
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 0.41 điểm (0.05%), đóng cửa ở mức 902.3. Thanh khoản HOSE ở mức hơn 140 triệu cổ phiếu, giá trị gần 3,900 tỷ đồng. Độ rộng thị trường nghiêng về số mã giảm giá (127 mã tăng/158 mã giảm). Về phía nước ngoài, họ bán ròng gần 24 tỷ đồng trên HOSE.
Về kỹ thuật, đồ thị VN-Index xuất hiện cây nến đỏ dạng ‘Doji’ tại ngưỡng hỗ trợ 900 là khá tích cực. Do đó, Asean Securities cho rằng, trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ kiểm tra ngưỡng kháng cự gần 905, tương ứng MA(5), vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 910 – 920. Trong kịch bản tiêu cực, vùng hỗ trợ gần của VN-Index dự báo ở mức 890 – 900, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 870 – 880.
Xem xét mua trading
CTCK Bảo Việt (BVS): Tuần tới, thị trường được dự báo sẽ biến động sideway trong biên độ được giới hạn bởi cận dưới 892 - 897 điểm và cận trên 908 - 913 điểm. Các phiên giao dịch trong tuần tới có thể sẽ tăng giảm đan xen kèm theo biến động hẹp và sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu.
Tỷ trọng danh mục tổng duy trì ở mức tối đa 20% - 25% cổ phiếu trong giai đoạn này. Sau khi bán trading giảm tỷ trọng tại vùng trên 908 điểm, nhà đầu tư có thể xem xét mua trading trở lại nếu thị trường giảm mạnh về các vùng hỗ trợ chúng tôi đề cập trong những phiên tới.
Vùng kháng cự của chỉ số nằm tại quanh 908 - 913 điểm và 920 - 930 điểm. Vùng hỗ trợ của chỉ số nằm tại 892 - 897 điểm và 868 - 874 điểm.
Nguyên Ngọc