Vietstock - Góc nhìn tuần 08 - 12/01: Kiểm định kháng cự 1,155 - 1,160?
Theo Chứng khoán Vietcap, trong phiên 08/01 tới, VN-Index sẽ tiếp tục thử thách kháng cự tại 1,155 - 1,160 điểm và khả năng điều chỉnh giảm của chỉ số từ ngưỡng này vẫn duy trì.
Xác nhận xu hướng tăng trung hạn
CTCK Shinhan Việt Nam (SSV): Tuần giao dịch đầu tiên của năm 2024 ghi nhận đà tăng tốt của VN-Index khi đóng cửa tại 1,154.7 (tăng 2.19%) với thanh khoản gia tăng cho thấy tâm lý tích cực của thị trường. Đà tăng này được dẫn dắt bởi nhóm ngân hàng là chủ yếu trước nhiều thông tin tích cực. Như vậy VN-Index đã xác nhận quay lại xu hướng tăng trong trung hạn khi vượt thoát hoàn toàn khu vực 1,130 và đường EMA 200. Từ đó mở ra nhiều cơ hội giao dịch cho nhà đầu tư. Ngưỡng hỗ trợ tham chiếu là vùng 1,130.
Nhà đầu tư tiếp tục chú ý những nhóm ngành được hưởng lợi trong giai đoạn này như ngân hàng và chứng khoán. Khuyến nghị chọn điểm mua khi cổ phiếu chớm tăng gần nền tích lũy và tránh mua đuổi với những cổ phiếu đã tăng quá nóng.
Giao dịch ở vùng 1,150 - 1,155
CTCK BIDV (HM:BID) (BSC): Trong ngắn hạn, VN-Index có thể tiếp tục giao dịch trong vùng 1,150 – 1,155 để tích lũy với biên độ thu hẹp dần.
Hình thành kênh tích lũy 1,100 – 1,150
CTC Sài Gòn - Hà Nội ( SHS (HN:SHS)): Trong ngắn hạn VN-Index đang ở ngay ngưỡng cản 1,150 và các phiên tới có thể có rung lắc, về trung hạn VN-Index sẽ cần tiến tới khu vực căn bằng để hình thành nền tích lũy mới. Kỳ vọng thị trường sẽ hình thành nền tích lũy trong biên độ 1,150 - 1,250.
Về góc nhìn trung hạn, sau giai đoạn thị trường giảm sâu thì thị trường cần vận động để tiến tới vùng cân bằng mới và tích lũy lại, với biên độ giao động rộng nên thời gian hình thành nền mới sẽ kéo dài. Với những vận động của VN-Index trong vài tuần qua đang dần hình thành 1 kênh tích lũy mới rõ nét dần trong khu vực 1,100-1,150.
Rủi ro hiện hữu nếu nhóm ngân hàng chậm lại
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Rủi ro điều chỉnh của chỉ số vẫn còn hiện hữu trong trường hợp nhịp tăng của nhóm cổ phiếu ngân hàng chậm lại, và dòng tiền vẫn chưa trở lại một số nhóm ngành dẫn dắt như chứng khoán.
Do đó, nhiều khả năng VN-Index vẫn có thể có những nhịp vận động giằng co rung lắc trong vùng cản 1,150 (+/-15).
NĐT được khuyến nghị tránh mua đuổi trong các nhịp hồi phục sớm, có thể cân nhắc mua/bán linh hoạt 2 chiều tỷ trọng thấp tại các vùng hỗ trợ/kháng cự, cụ thể là 1,125 (+/-5) và quanh 1,155 (+/-5).
Gia tăng mua khi VN-Index vượt 1,150 - 1,160
CTCK Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS): Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index ghi tuần giao dịch đầu năm sôi động. Ở khung đồ thị giờ, chỉ báo MACD đã hình thành đỉnh đầu tiên ngay khi VN-Index tiệm cận lại khu vực kháng cự 1,150 - 1,160. Bên cạnh đó, chỉ báo RSI ở khung đồ thị nêu trên cũng đang ở vùng cao cho thấy áp lực chốt lời ngắn hạn vẫn có thể xuất hiện bất ngờ.
Xét khung đồ thị ngày, dải bollinger band vẫn đang mở rộng lên phía trên cùng với việc MACD chưa cho tín hiệu tạo đỉnh nên xu hướng chính của thị trường vẫn đang nằm trong nhịp tăng trung hạn.
Tuy nhiên, VN-Index hiện đang nằm khá xa đường trung bình động MA20 sau những phiên tăng điểm mạnh nên xác suất thị trường xuất hiện những phiên điều chỉnh với biên độ rộng trong ngắn hạn vẫn cần được tính đến.
Nhà đầu tư tại thời điểm này nên giữ tâm lý thận trọng, chỉ mua gia tăng khi VN-Index cho tín hiệu rõ ràng xác nhận việc thị trường vượt thuyết phục vùng kháng cự quanh 1,150 – 1,160 hoặc giải ngân đối với những cổ phiếu có diễn biến tích lũy tốt, giữ vững được nền giá hỗ trợ. Các nhóm ngành mà nhà đầu tư có thể cân nhắc trong thời gian tới là chứng khoán, bất động sản và phân đạm.
Kiểm định kháng cự 1,155 – 1,160
CTCK Vietcap: Dự báo trong phiên 08/01 tới, VN-Index sẽ tiếp tục thử thách kháng cự tại 1,155-1,160 điểm và khả năng điều chỉnh giảm của chỉ số từ ngưỡng này vẫn duy trì.
Hiện hỗ trợ gần nhất của VN-Index là đường MA5 tại 1,145 điểm và MA100 tại 1140 điểm.
Ở kịch bản khả quan nếu VN-Index có thể đóng cửa phía trên kháng cự 1,160 điểm, đà tăng của chỉ số đại diện sàn HOSE sẽ được củng cố để hướng lên mục tiêu tiếp theo quanh mốc 1,190 điểm.
Đông Tư