Vietstock - Góc nhìn 29/01-02/02: Rủi ro đã trở lại ở mức nguy hiểm?
Các CTCK cho rằng thị trường có thể vẫn tăng nhưng rủi ro ngắn hạn đang lớn dần, nhà đầu tư hạn chế hoạt động mua mới.
Hạn chế mua mới
CTCK KB Việt Nam (MSI): Các cổ phiếu mạnh mẽ nhất thị trường giai đoạn vừa qua như VJC, PLX, VNM đã có dấu hiệu suy yếu rõ ràng trong khi tâm lý thị trường vẫn lạc quan. Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng bắt đầu tham gia làn sóng phân hóa khốc liệt của thị trường. Các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ hầu hết đã đảo chiều chuyển sang xu hướng giảm giá. Rủi ro toàn phần của thị trường được đẩy trở lại mức nguy hiểm, nhà đầu tư hạn chế hoạt động mua mới, giảm thiểu rủi ro.
Tiếp tục tăng nhưng rủi ro ngắn hạn lớn dần
CTCk Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Thị trường vẫn vững bước trên hành trình chinh phục những đỉnh cao mới với tuần tăng điểm thứ 6 liên tiếp. Hai chỉ số VN-Index và HNX-Index lần lượt vượt qua các ngưỡng tâm lý 1,110 điểm và 126 điểm. Thanh khoản trong tuần bùng nổ và lập kỷ lục mới với trung bình 12,600 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Dòng tiền đang thể hiện một sức mạnh chưa từng có từ trước đến nay và tâm lý nhà đầu tư đang rất hưng phấn, sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao. Mức tăng là mạnh nhưng sắc xanh không thật sự lan tỏa tốt mà dòng tiền chủ yếu chỉ tập trung ở những cổ phiếu trụ cột của thị trường.
SHS cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục tăng nhưng rủi ro ngắn hạn cũng đang dần lớn lên. Dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo (29/1-2/2), VN-Index có thể sẽ tiếp tục đi lên để hướng đến ngưỡng kháng cự tiếp theo tại 1,130 điểm, vùng hỗ trợ cho chỉ số trong khoảng 1,000-1,050 điểm. Nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế mua mới và có thể tận dụng đà tăng của thị trường để chốt lời dần một phần danh mục. Nhà đầu tư trung và dài hạn có thể tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt trong danh mục và triển vọng tăng trưởng tích cực trong năm 2018.
Phân hóa cao
CTCK Bảo Việt (BVS): Thị trường được dự đoán tiếp tục tăng điểm nhờ được hỗ trợ bởi đà tăng ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn với báo cáo kết quả kinh doanh 2017 của hàng loạt các doanh nghiệp lớn tăng trưởng mạnh. Mặc dù vậy, áp lực bán tăng dần, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh 2017 kém khả quan cũng như triển vọng 2018 thiếu tích cực, sẽ khiến thị trường phân hóa ở mức cao.
Tiếp tục rung lắc mạnh
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): Nhìn chung, thị trường tăng điểm mạnh vẫn nhờ sự đóng góp từ những cổ phiếu có vốn hóa lớn. Tuy nhiên, áp lực chốt lời đang có những dấu hiệu gia tăng khiến cho thị trường phân hóa rõ rệt trong các nhóm ngành như chứng khoán, bất động sản, dầu khí.
Trong những phiên sắp tới, dòng tiền lớn sẽ là nhân tố chính nâng đỡ thị trường, BSI nhận định dù lượng bán ra là khá mạnh nhưng lực cầu của nhà đầu tư vẫn còn và chỉ số thị trường tiếp tục rung lắc mạnh. Nhà đầu tư nên theo dõi dòng tiền và giảm tỷ trọng ở những mã cổ phiếu bị bán mạnh cũng như không còn thu hút được sự chú ý.
Mua bán lướt sóng chỉ dành cho nhà đầu tư nhanh tay
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Mặc dù xu hướng của thị trường chung đang rất tích cực nhưng cơ hội lợi nhuận lại không dễ dàng với phần đông nhà đầu tư trên thị trường. Ngoài các cổ phiếu tài chính và dầu khí đang giữ vai trò dẫn dắt thì dòng tiền vẫn đang xoay vòng rất nhanh giữa các nhóm cổ phiếu khác và góp phần giữ nhịp cho xu hướng chung.
Theo đó, FPTS vẫn bảo lưu quan điểm rằng cơ hội mua bán lướt sóng chỉ dành cho các nhà đầu tư nhanh nhạy, có mức chịu rủi ro cao. Với nhà đầu tư theo khuynh hướng an toàn thì nên hạn chế mở ra các vị thế mua mới ở vùng giá cao trong giai đoạn này, tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu đang có vị thế tốt để tận dụng đà tăng sẵn có của thị trường.
Nhiều khả năng giảm
CTCK Bản Việt (VCI): Chỉ số VN-Index tiếp tục duy trì đà tăng, đóng cửa phía trên kháng cự Fibonacci tại 1110 điểm. Tuy nhiên lực mua có dấu hiệu suy yếu phản ánh qua sự sụt giảm mạnh của khối lượng giao dịch và nến Hammer trên đồ thị. Do đó, nhiều khả năng chỉ số sẽ giảm trong phiên tới để kiểm định lại vùng 1,100-1,110 điểm.
Phương Châu