Vietstock - Góc nhìn 29/01: Giằng co và đi ngang
SHS (HN:SHS) dự báo trong phiên giao dịch tiếp theo 29/01, VN-Index có thể tiếp tục giằng co và đi ngang với vùng kháng cự gần nhất trong khoảng 915-920 điểm (MA50), thanh khoản có thể vẫn thấp.
Tâm lý thị trường ổn định hơn
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): Chỉ số VN-Index trong phiên sáng 28/01 có sự tăng điểm do lực mua tập trung ở nhóm cổ phiếu bất động sản và bluechips như VHM, VIC, MSN và GAS. Trong phiên chiều, đà tăng được cải thiện bởi lực mua lớn từ các mã vốn hóa lớn như VHM, VIC, VNM. Khối ngoại mua ròng và thanh thanh khoản tiếp tục giảm so với phiên trước.
Theo quan điểm của BSI, tâm lý thị trường có phần ổn định hơn do Tổng thống Mỹ Trump chấp nhận mở cửa Chính phủ tạm thời đến hết ngày 15/02/2019. Nhà đầu tư nên theo dõi sát sao kết quả kinh doanh quý 4/2018 sắp được công bố và chờ đợi kết quả cuộc họp Trung - Mỹ ngày 30 và 31/01.
Giằng co và đi ngang
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Thị trường khởi đầu tuần với mức tăng nhẹ về điểm số, thanh khoản cũng có sự cải thiện so với phiên trước đó nhưng vẫn dưới mức trung bình 20 phiên. Nếu loại ra sự ảnh hưởng của VHM (+3.3%; đóng góp 1.89 điểm cho VN-Index) thì diễn biến trong phiên 28/01 vẫn chủ yếu là đi ngang quanh tham chiếu. Độ rộng thị trường trong phiên 28/01 nghiêng nhẹ về số mã giảm cũng củng cố cho lập luận trên. Điều này không bất ngờ khi càng gần đến Tết, giao dịch trên thị trường sẽ càng ảm đạm hơn như những gì đã diễn ra trong các năm trước đó. Điểm đáng chú ý trong phiên 28/01 là việc phái sinh và cơ sở có sự phân kỳ rõ nét khi VN30 tăng nhưng VN30F1M lại giảm, qua đó nới rộng chênh lệch lên -3.76 điểm, cho thấy nhà đầu tư đang nghiêng về khả năng điều chỉnh giảm trong các phiên cuối năm Âm lịch khi thị trường sẽ chạm đến các kháng cự gần nhất.
Dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 29/01, VN-Index có thể tiếp tục giằng co và đi ngang với vùng kháng cự gần nhất trong khoảng 915-920 điểm (MA50), thanh khoản có thể vẫn thấp.
Đi ngang
CTCK Bảo Việt (BVS): Trong phiên 29/01, VN-Index được dự báo sẽ tiếp tục biến động theo hướng đi ngang trong biên độ hẹp kèm theo sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Dòng tiền được dự báo sẽ hoạt động sôi động ở nhóm cổ phiếu bluechips trong rổ VN30. Tỷ trọng được khuyến nghị duy trì ở mức 25-35% cổ phiếu.
Đường giá nhiều khả năng sẽ tiếp tục dao động trong vùng giá đi ngang được giới hạn bởi cận trên nằm tại 913-916 điểm và cận dưới 898-902 điểm trong một vài phiên kế tiếp. Việc các ngưỡng điểm trên bị phá vỡ sẽ tạo ra một xu thế biến động mới cho chỉ số trong ngắn hạn.
Kiểm tra vùng kháng cự gần 920 – 930
CTCK Asean (Aseansc): Phiên giao dịch thứ Hai (28/01), mặc dù có lúc giảm về sát mốc tham chiếu nhưng lực kéo đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VHM, VIC, MSN và VNM đã giúp chỉ số VN-Index vượt mốc 910. Ở chiều ngược lại, VCB, BID, TCB, PLX, VPB và ROS là những mã vốn hóa lớn giảm giá, tác động tiêu cực lên chỉ số.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 3.30 điểm (+0.36%), đóng cửa ở mức 912.18. Thanh khoản HOSE ở mức hơn 130 triệu cổ phiếu, giá trị gần 3,100 tỷ đồng. Độ rộng thị trường nghiêng về số mã giảm giá (135 mã tăng/ 139 mã giảm). Về phía nước ngoài, họ mua ròng gần 117 tỷ đồng trên HOSE.
Về kỹ thuật, đồ thị VN-Index xuất hiện cây nến đỏ dạng ‘Doji’ tại ngưỡng hỗ trợ 908.9, tương ứng MA(5), là khá tích cực. Do đó, Aseansc cho rằng trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ kiểm tra vùng kháng cự gần 920-930, đây được xem là vùng giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục. Trong kịch bản tiêu cực, vùng hỗ trợ gần của VN-Index dự báo ở mức 900-910, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 880-890.
Gia Nghi