Vietstock - Góc nhìn 27/11: Tăng điểm hay đi ngang?
SHS (HN:SHS) dự báo trong phiên giao dịch 27/11, VN-Index có thể tiếp tục giằng co và đi ngang trong biên độ 900-930 điểm với nền tảng thanh khoản thấp.
Tăng điểm theo xu hướng thị trường khu vực
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): Trong phiên sáng 26/11, chỉ số VN-Index biến động và giảm điểm nhẹ. Lực bán tập trung lớn nhất ở cổ phiếu: GAS, VPB, VCB. Đến phiên chiều, chỉ số tăng điểm nhờ lực mua ở nhóm cổ phiếu họ nhà VIC (VHM, VIC) và cổ phiếu VNM là mã kéo thị trường tăng điểm mạnh nhất. Nhìn chung, thanh khoản thị trường hôm nay khá ảm đạm và khối ngoại mua ròng nhẹ.
Theo quan điểm BSI, thị trường trong nước tăng điểm theo xu hướng thị trường khu vực với chỉ số MSCI tăng 1.48%, bao gồm cả thị trường Nhật Bản, nhờ tâm lý nhà đầu tư kỳ vọng diễn biến tích cực từ cuộc họp G20 sắp diễn ra vào cuối tuần này.
Giằng co và đi ngang
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Phiên tăng đầu tuần của thị trường nhưng với nền tảng thanh khoản tiếp tục suy giảm và sắc xanh không có sự lan tỏa tốt mà dựa chủ yếu vào việc kéo trụ VNM, VHM, VIC. Đây là diễn biến không thực sự đáng tin cậy đối với nhịp tăng này và có thể nhanh chóng chấm dứt khi thị trường vươn tới những kháng cự tiềm ẩn lực cung mạnh hơn mà gần nhất là ngưỡng 930 điểm. Tình hình giao dịch hiện tại trên thị trường vẫn là rất ảm đạm và gây ra nhàm chán cho nhà đầu tư. Lúc này, cần những thông tin xúc tác mới có thể giúp thị trường lấy tại động lực cho một xu hướng rõ ràng hơn, còn không thì khả năng cao sẽ vẫn là những nhịp đi ngang và rung lắc với thanh khoản thấp.
Dự báo, trong phiên giao dịch 27/11, VN-Index có thể tiếp tục giằng co và đi ngang trong biên độ 900-930 điểm với nền tảng thanh khoản thấp.
Xu hướng đi ngang
CTCK Bảo Việt (BVS): VN-Index tăng 0.33% lên 921.03 điểm. Tiếp nối đà điều chỉnh của tuần trước, thị trường giảm nhẹ vào đầu phiên 26/11 nhưng sau đó đã hồi phục tăng điểm trở lại về cuối phiên với sự nâng đỡ của một vài cổ phiếu vốn hóa lớn.
Thanh khoản đạt 90.5 triệu cổ phiếu, giảm đáng kể so với phiên trước đó và thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình. Độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã giảm điểm nhưng sự chênh lệch không đáng kể. Thị trường đang có sự phân hóa rõ nét giữa các dòng cổ phiếu, ngoài ra, diễn biến của chỉ số đang có dấu hiệu bị chi phối bởi một vài cổ phiếu vốn hóa lớn. Đây là giai đoạn mà nhà đầu tư cần phải lựa chọn cổ phiếu một cách thận trọng và kỹ lưỡng.
Thị trường được dự báo sẽ có xu hướng đi ngang với diễn biến dao động giằng co, tăng giảm đan xen quanh đường SMA20. Biên độ dao động và khối lượng giao dịch có thể sẽ có xu hướng giảm dần trong một vài phiên tới.
Kiểm tra vùng kháng cự 920 – 930
CTCK Asean (Aseansc): Phiên giao dịch thứ Hai (26/11), mặc dù độ rộng thị trường nghiêng về số mã giảm giá, tuy nhiên lực kéo đến từ 3 cổ phiếu vốn hóa lớn là VIC, VNM và VHM giúp chỉ số VN-Index đóng cửa tăng điểm. Ở chiều ngược lại, GAS, SAB, VPB, MBB, FPT và TCB là những cổ phiếu vốn hóa lớn giảm điểm, tác động tiêu cực lên chỉ số. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 3.06 điểm (+0.33%), đóng cửa ở mức 921.03. Thanh khoản HSX giảm mạnh xuống còn gần 120 triệu cổ phiếu, giá trị gần 3.600 tỷ đồng. Độ rộng thị trường nghiêng về số mã giảm giá (143 mã tăng/ 152 mã giảm). Về phía nước ngoài, họ mua ròng gần 36 tỷ đồng trên HOSE.
Về kỹ thuật, đồ thị VN-Index xuất hiện cây nến xanh tại ngưỡng hỗ trợ mạnh 914, tương ứng MA(20), là khá tích cực. Do đó, Aseansc cho rằng trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ kiểm tra vùng kháng cự gần 920 – 930, đây được xem là vùng giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục. Trong kịch bản tiêu cực, nếu thủng ngưỡng hỗ trợ 914, tương ứng MA(20), vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 900 – 910 điểm.
Gia Nghi