Vietstock - Góc nhìn 25/01: Phân hóa mạnh ở các dòng cổ phiếu?
Các công ty chứng khoán (CTCK) duy trì tâm lý thận trọng với thị trường. SHS (HN:SHS) cho rằng nên hạn chế mua vào tại thời điểm này, Aseansc khuyến nghị nhà đầu tư giữ tỷ trọng danh mục cân bằng, BVS nhận định sẽ có sự phân hóa mạnh.
Hạn chế mua vào
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): Theo SHS, càng gần Tết thì giao dịch trên thị trường lại càng trở nên nhàm chán hơn với việc các thị trường chỉ giao dịch trong biên độ hẹp và thanh khoản thì vẫn ở mức thấp. Trên biểu đồ kỹ thuật, cây nến mẫu hình doji của cả VN-Index và HNX-Index cũng cho thấy diễn biến giằng co và đi ngang khó chịu trong phiên 24/01. Tâm lý nghỉ Tết sớm của nhà đầu tư như các năm trước đó lại xuất hiện trên thị trường.
Trên thị trường phái sinh, giao dịch lại sôi động hơn với mức thanh khoản vượt trên mức trung bình 20 phiên và OI lập kỷ lục mới với hơn 23,000 hợp đồng giữ qua đêm. Đáng chú ý, chênh lệch với VN30 trong phiên 24/01 đã được nới rộng ra thành 3.82 điểm thể hiện việc nhà đầu tư nghiêng về tiêu cực một chút sau khi VN-Index liên tiếp thất bại tại ngưỡng 910 điểm.
SHS đánh giá rằng, một khi VN-Index vẫn chưa vượt được đường xu hướng giảm kể từ đỉnh tháng 4/2018 đến nay quanh ngưỡng 930 điểm thì những nhịp hồi vẫn chỉ mang tính kỹ thuật và ngắn hạn. SHS dự báo, trong phiên giao dịch cuối tuần 25/01, xu hướng của VN-Index có thể vẫn sẽ là giằng co trong biên độ 900 - 920 điểm (MA20-50). Nhà đầu tư vẫn nên hạn chế mua vào trong thời điểm này và có thể tận dụng những phiên tăng điểm để cơ cấu lại danh mục.
Phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu
CTCK Bảo Việt (HN:BVS): Theo BVS, thị trường dự kiến sẽ tiếp tục có biến động giằng co với các phiên tăng giảm đan xen, kèm theo sự phân hóa mạnh ở các dòng cổ phiếu trong những phiên kể từ 25/01. BVS khuyến nghị tỷ trọng danh mục giai đoạn này nên được duy trì ở mức tối đa 30% - 35% cổ phiếu.
Giữ tỷ trọng danh mục cân bằng
CTCK Asean (Aseansc): Phiên giao dịch 24/01, chỉ số VN-Index giao dịch giằng co trong biên độ hẹp do nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn giao dịch phân hóa. Trong đó, VIC, VNM, TCB, CTG, VJC, VPB và MBB là những mã vốn hóa lớn tăng giá, bù đắp cho sự suy yếu của VHM, GAS, SAB, BID và HPG.
Kết thúc phiên giao dịch 24/01, chỉ số VN-Index tăng 0.61 điểm (tương ứng tăng 0.07%), đóng cửa ở mức 908.79 điểm. Thanh khoản HOSE ở mức hơn 110 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị gần 2,700 tỷ đồng. Aseansc cho biết độ rộng thị trường nghiêng về số mã giảm giá (137 mã tăng/150 mã giảm). Cùng với đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng hơn 24 tỷ đồng trên HOSE.
Về kỹ thuật, đồ thị VN-Index xuất hiện cây nến xanh dạng ‘Doji’ tại ngưỡng hỗ trợ 907,2 điểm, tương ứng MA(5), là khá tích cực. Do đó, Aseansc cho rằng, trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ kiểm tra vùng kháng cự gần 910 – 920 điểm, đây được xem là vùng giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục. Trong kịch bản tiêu cực, vùng hỗ trợ gần của VN-Index dự báo ở mức 890 – 900 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 870 – 880 điểm. Tỷ trọng danh mục đề nghị theo công thức Kelly: 50% cash/50% stocks.
Tín hiệu phục hồi ngắn hạn vẫn đang được duy trì
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Thị trường giao dịch trong biên độ hẹp với điểm nhấn thuộc về nhóm cổ phiếu ngân hàng. Làn sóng phân hoá tiếp tục diễn ra với một số ít các mã tạo được các phiên tăng điểm liên tiếp tính đến 24/01, số còn lại hồi phục trong trạng thái khá giằng co. Theo quan sát của KBSV, một số cổ phiếu có ảnh hưởng mạnh đến thị trường và đã giảm giá trong thời gian qua như VJC, HPG... đang có xu hướng phục hồi trở lại.
KBSV cho rằng, việc thanh khoản giảm sút trên thị trường cơ sở nhưng lại gia tăng mạnh trên thị trường phái sinh cho thấy nhà đầu tư vẫn chưa đặt niềm tin vào cơ hội hồi phục từ trung đến dài hạn của thị trường. Mặc dù vậy, các tín hiệu hồi phục ngắn hạn vẫn đang được duy trì với sự luân phiên của dòng tiền.
Do đó, KBSV nhận định rằng nhà đầu tư có thể tiếp tục áp dụng các chiến lược trading quay vòng ngắn hạn để tăng hiệu quả cho danh mục.
Vĩnh Thịnh