Vietstock - Góc nhìn 24/01: Tiếp tục rung lắc
Các công ty chứng khoán (CTCK) đều nghiêng về xu hướng VN-Index sẽ tiếp tục giằng co. Trong phiên 24/01, SHS (HN:SHS) cho rằng VN-Index sẽ tăng giảm đan xen trong biên độ 900 – 920 điểm, BVS nhận định các nhịp rung lắc là cơ hội để giao dịch ngắn hạn.
Tăng giảm đan xen trong biên độ 900 – 920 điểm
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch đêm 22/01 nhưng đã không gây ra ảnh hưởng tiêu cực nào lên thị trường Việt Nam.
Theo SHS, TTCK Việt Nam vẫn đang đi theo một diễn biến riêng với thanh khoản đang giảm dần khi mà chỉ còn hơn một tuần nữa là sẽ đến kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán. Dòng tiền đang thiếu vắng như hiện nay thì diễn biến giằng co và tăng giảm đan xen trong phiên 23/01 là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 2 giao dịch tích cực đã giúp thu hẹp chênh lệch với VN30 xuống còn -0.93 điểm. SHS cho rằng, điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã trở nên ổn định hơn và đang kỳ vọng là thị trường sẽ giữ vững ngưỡng 900 điểm để dần đi lên.
Tuy nhiên, nếu VN-Index vẫn chưa thể vượt qua kênh giảm từ tháng 4/2018 đến nay quanh ngưỡng 930 điểm, thì SHS cho rằng những nhịp hồi vẫn chỉ mang tính kỹ thuật và ngắn hạn. SHS dự báo trong phiên giao dịch 24/01, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co với các nhịp tăng giảm đan xen trong biên độ 900 - 920 điểm (MA20-50), thanh khoản có thể vẫn thấp. Nhà đầu tư vẫn nên hạn chế mua vào trong thời điểm này và có thể tận dụng những phiên tăng điểm để cơ cấu lại danh mục.
Giữ tỷ trọng danh mục cân bằng
CTCK Asean (Aseansc): Phiên giao dịch 23/01, mặc dù mở cửa giảm điểm, tuy nhiên, chỉ số VN-Index đã lấy lại sắc xanh nhờ lực kéo đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, VNM, VCB, GAS, CTG, HPG, VPB và STB. Ở chiều ngược lại, BID, TCB, MSN, PLX, HDB, MWG, ROS và BHN là những mã cổ phiếu vốn hóa lớn giảm giá, tác động tiêu cực lên chỉ số.
Kết thúc phiên 23/01, chỉ số VN-Index tăng 1.63 điểm (tương ứng tăng 0.18%), đóng cửa ở mức 908.18 điểm. Thanh khoản HOSE ở mức gần 130 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị gần 2,700 tỷ đồng. Aseansc cho biết độ rộng thị trường nghiêng về số mã tăng giá (143 mã tăng/124 mã giảm). Cùng với đó, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 23 tỷ đồng trên HOSE.
Theo quan sát của Aseansc, về kỹ thuật, đồ thị VN-Index xuất hiện cây nến xanh tại ngưỡng hỗ trợ 906 điểm, tương ứng MA(5), là khá tích cực. Do đó, Aseansc cho rằng, trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ kiểm tra vùng kháng cự gần 910 – 920 điểm, đây được xem là vùng giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục. Trong kịch bản tiêu cực, vùng hỗ trợ gần của VN-Index dự báo ở mức 890 – 900 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 870 – 880 điểm. Tỷ trọng danh mục đề nghị theo công thức Kelly: 50% cash/ 50% stocks.
Cơ hội trading ngắn hạn
CTCK Bảo Việt (HN:BVS): Theo BVS, thị trường dự kiến sẽ tiếp tục có biến động giằng co với các phiên tăng giảm đan xen trong các phiên 24-25/01. Thị trường sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh ở các dòng cổ phiếu và dòng tiền có thể hoạt động tích cực hơn ở nhóm cổ phiếu bluechips trong rổ VN30. Bên cạnh đó, BVS cho rằng cổ phiếu thuộc các nhóm ngành ngân hàng, dệt may, thủy sản, thủy điện vẫn sẽ thu hút được sự quan tâm của dòng tiền khi nhóm này điều chỉnh trong các phiên kể từ phiên 24/01.
BVS nhận định rằng, các nhịp rung lắc, điều chỉnh của thị trường vẫn được xem là cơ hội cho các hoạt động mua trading đối với các vị thế ngắn hạn trong những tuần cận tết. Tỷ trọng danh mục giai đoạn này nên được duy trì ở mức tối đa 30% - 35% cổ phiếu.
Thị trường vận động quanh ngưỡng 910 điểm
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): Chỉ số VN-Index trong phiên sáng 23/01 giảm nhẹ do lực bán tập trung ở nhóm cổ phiếu bluechips như MSN, BID và VHM. Trong phiên chiều 23/01, chỉ số đảo chiều tăng so với phiên sáng 23/01 do lực mua tiếp tục tăng mạnh ở các mã CTG, HPG và VNM.
Theo quan sát của BSI, trong phiên 23/01, khối ngoại mua ròng và thanh thanh khoản giảm nhẹ so với phiên 22/01. BSI cho biết, tâm lý chờ đợi cũng như quan ngại về sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế thế giới theo dự báo điều chỉnh của IMF vẫn đang bao trùm thị trường. Qua đó, xu hướng thị trường vẫn sẽ tiếp tục vận động quanh ngưỡng 910 điểm.
Vĩnh Thịnh