Vietstock - Góc nhìn 21/12: Quá bán ngắn hạn?
Quan điểm của các công ty chứng khoán (CTCK) về thị trường bắt đầu phân hóa. SHS (HN:SHS) dự báo VN-Index có thể tiếp tục giằng co với thanh khoản thấp, Aseansc cho rằng thị trường đang có xu hướng tích cực, BVS thì đánh giá rằng thị trường đã có dấu hiệu quá bán ngắn hạn.
Giằng co với thanh khoản thấp
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): Theo quan điểm của SHS, việc Fed đưa ra quyết định tăng lãi suất lần 4 trong năm 2018 và giảm số lần tăng dự định trong năm 2019 từ 3 về 2 là một thông tin gây thất vọng cho nhà đầu tư. Rõ ràng là việc CPI 11 tháng của Mỹ giảm xuống 2.2% từ mức 2.5% trong 10 tháng cùng với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng về việc một đồng đô la Mỹ mạnh sẽ ảnh hưởng xấu đến kinh tế Mỹ đã không có tác động đủ mạnh để Chủ tịch Fed Jerome Powell ngừng theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt.
SHS đánh giá rằng, với quyết định tăng lãi suất này cũng như lộ trình tăng lãi suất dự tính trong năm 2019 thì rõ ràng là các thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục chịu áp lực trong thời gian tới. Trên thị trường Việt Nam, phiên cuối tuần 21/11, thời điểm mà 2 quỹ ETF là FTSE và VNM hoàn tất việc đảo danh mục cũng sẽ gây nên những diễn biến khó lường cho nhà đầu tư.
Qua đó, SHS đưa ra dự báo trong phiên giao dịch cuối tuần 21/12, VN-Index có thể tiếp tục giao dịch giằng co khó chịu quanh ngưỡng 920 điểm với nền tảng thanh khoản thấp. SHS khuyến nghị nhà đầu tư nên tạm dừng các hoạt động mua bán trong giai đoạn này và đứng ngoài thị trường để quan sát thêm do phiên 21/12 có thể sẽ có diễn biến khó chịu. Sau 3 sự kiện quan trọng trong tuần này thì diễn biến tuần sau có thể trở nên khả quan hơn khi mà tâm lý nhà đầu tư có sự ổn định trở lại.
Đồ thị VN-Index tích cực
CTCK Asean (Aseansc): Theo Aseansc, phiên giao dịch 20/12, mặc dù có lúc giảm hơn 5 điểm, tuy nhiên, lực cầu bắt đáy cuối phiên 20/12 giúp chỉ số VN-Index thu hẹp đáng kể đà giảm. Trong đó, GAS, BID, BVH, VCB, NVL và HPG là những mã vốn hóa lớn tăng điểm, bù đắp cho sự suy yếu của VNM, SAB, TCB, CTG, VJC, VRE, BHN và VPB.
Kết thúc phiên giao dịch 20/12, chỉ số VN-Index giảm 1 điểm (tương ứng giảm 0.11%), đóng cửa ở mức 918.24 điểm. Thanh khoản HOSE ở mức gần 150 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị hơn 3,600 tỷ đồng. Aseansc cũng cho biết, độ rộng thị trường nghiêng về số mã tăng giá (144 mã tăng/140 mã giảm). Cùng với đó, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 79 tỷ đồng trên HOSE.
Theo quan sát của Aseansc, về kỹ thuật, đồ thị VN-Index xuất hiện cây nến xanh dạng ‘Inverted hammer’ tại vùng hỗ trợ 910 – 920 điểm, là khá tích cực. Do đó, Aseansc cho rằng, trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ kiểm tra vùng kháng cự gần 930 – 940 điểm, đây được xem là vùng giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục. Trong kịch bản tiêu cực, vùng hỗ trợ gần của VN-Index dự báo ở mức 910 – 920 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 890 – 900 điểm. Tỷ trọng danh mục đề nghị theo công thức Kelly: 90% cash/ 10% stocks.
Quá bán về kỹ thuật
CTCK Bảo Việt (HN:BVS): BVS kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục trở lại trong một vài phiên kể từ phiên 21/11 khi nhiều chỉ báo kỹ thuật đang có dấu hiệu rơi vào trạng thái quá bán ngắn hạn. Tuy nhiên, BVS cho rằng vùng 932 - 934 điểm sẽ là lực cản đối với sự hồi phục của thị trường.
Sẽ có nhịp phục hồi ngắn hạn
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Tâm lý thị trường đã phần nào ổn định trở lại trong phiên 20/12 bất chấp diễn biến tiêu cực của TTCK Thế giới. Hiện tượng phân hóa đã diễn ra với khá nhiều mã bluechips thuộc nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và bất động sản tăng điểm; trong khi, một số mã vốn hóa lớn như VNM, SAB, MSN và nhóm cổ phiếu VIC giảm điểm cuối phiên.
Mặc dù trong phiên 21/12 sẽ diễn ra hoạt động tái cơ cấu của các quỹ ETFs nên diễn biến vẫn rất khó lường nhưng động lực đẩy/đỡ NAV cuối năm của các quỹ sẽ hỗ trợ cho diễn biến thị trường trong tuần sau. KBSV nghiêng về khả năng xuất hiện 1 nhịp hồi phục ngắn hạn của thị trường. Do đó, nhà đầu tư có mức độ chấp nhận rủi ro cao có thể tham gia trading ngắn hạn 1 phần tuy nhiên nên khống chế tỷ trọng danh mục ở mức thấp khi xu hướng chủ đạo vẫn là giảm điểm.
Vĩnh Thịnh