Vietstock - Góc nhìn 15/02: Dư địa tăng có còn nhiều?
Tâm lý lạc quan đã vơi dần tại các công ty chứng khoán (CTCK). SHS (HN:SHS) cho rằng dư địa tăng của thị trường không còn nhiều, BSI khuyên nhà đầu tư nên chờ đợi tín hiệu từ cuộc đàm phán Mỹ - Trung, KBSV đánh giá rằng điều chỉnh mạnh sẽ khó xảy ra.
Kiểm tra ngưỡng kháng cự 957.2 điểm trong kịch bản tích cực
CTCK Asean (Aseansc): Phiên giao dịch 14/02, chỉ số VN-Index ghi nhận phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp nhờ bộ ba cổ phiếu nhà họ Vin là VIC, VHM và VRE. Cụ thể, VIC tăng 3.58%, VHM tăng 2.38%, VRE tăng 3.62%, lần lượt đóng góp 4 điểm, 1.6 điểm và 0.7 điểm cho chỉ số.
Kết thúc phiên giao dịch 14/02, chỉ số VN-Index tăng 7.09 điểm (tương ứng tăng 0.75%), đóng cửa ở mức 952.34 điểm. Thanh khoản HOSE ở mức hơn 180 triệu cổ phiếu, giá trị hơn 4,800 tỷ đồng. Theo quan sát của Aseansc, độ rộng thị trường nghiêng về số mã giảm giá (144 mã tăng/153 mã giảm). Cùng với đó, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 1,486 tỷ đồng trên HOSE.
Về kỹ thuật, đồ thị VN-Index xuất hiện cây nến xanh dài thứ 4 liên tiếp là khá tích cực. Do đó, Aseansc cho rằng, trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ kiểm tra ngưỡng kháng cự gần 957.2 điểm, tương ứng MA(200), nếu vượt qua ngưỡng kháng cự này thì vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 960 - 970 điểm. Trong kịch bản tiêu cực, vùng hỗ trợ gần của VN-Index dự báo ở mức 940 - 950 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 920 - 930 điểm. Tỷ trọng danh mục đề nghị theo công thức Kelly: 30% cash/70% stocks.
Dư địa tăng của thị trường không còn nhiều
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): Theo SHS, 3 cổ phiếu trụ cột là VIC, VHM, VRE đã đóng góp khoảng 4.4 điểm cho VN-Index trong phiên 14/02, qua đó, giúp chỉ số này có phiên tăng điểm thứ tư liên tiếp. Tuy nhiên, các trụ cột khác đã có sự phân hóa rõ nét trước áp lực chốt lời của nhà đầu tư. HNX-Index đã điều chỉnh trở lại sau 7 phiên tăng điểm liên tiếp cũng cho thấy sự phân hóa của thị trường.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 2 phân kỳ với chỉ số cơ sở VN30 khi giảm trong phiên 14/02, quá đó nới rộng chênh lệnh lên -8 điểm.
SHS cho rằng, tâm lý nhà đầu tư đang dần nghiêng về khả năng thị trường sẽ có nhịp điều chỉnh sắp tới. SHS dự báo, trong phiên giao dịch 15/02, VN-Index sẽ tiếp tục xuất hiện những rung lắc khi tiệm cận dần tới kháng cự trong khoảng 955 - 960 điểm (MA200). Nhà đầu tư đã mua vào khi VN-Index vượt 920 điểm trong phiên 11/02 không nên mua đuổi và có thể tận dụng những nhịp tăng điểm trong phiên 15/02 để bán chốt lời dần cổ phiếu đã mua trước đó, do dư địa tăng của thị trường không còn nhiều, target của nhịp tăng này là 955 - 960 điểm (MA200).
Điều chỉnh mạnh khó xảy ra
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Theo KBSV, hiện tượng phân hoá đã quay trở lại cùng với áp lực chốt lời ngắn hạn của nhà đầu tư. Độ rộng thị trường có phần nghiêng về số mã giảm điểm nhưng các chỉ số chính vẫn được nâng đỡ bởi nhóm cổ phiếu VIC và một số blue chip vốn hóa lớn khác.
Thanh khoản ở mức cao qua 3 phiên liên tiếp 12-14/02, khiến rủi ro thị trường sớm phải trải qua diễn biến điều chỉnh lình xình trong một vài phiên kể từ phiên 15/02. Mặc dù vậy, KBSV cho rằng, sau khi một số cổ phiếu dẫn dắt vừa mới vượt kênh giảm giá trung hạn thành công thì khả năng điều chỉnh mạnh ngay sẽ khó xảy ra. Nhà đầu tư sau khi đã thực hiện bán trading, có thể chờ đợi nhịp điều chỉnh trong các phiên tới để mua trở lại.
Chờ đợi tín hiệu từ đàm phán Mỹ - Trung
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): Chỉ số VN-Index trong phiên sáng 14/02 có sự tăng điểm do lực mua tập trung ở nhóm cổ phiếu bất động sản như VIC, VHM, VRE và các mã bluechip như VNM, SAB, VCB.
Trong phiên chiều 14/02, chỉ số tiếp tục được cải thiện bởi lực mua lớn tiếp tục đến từ nhóm cổ phiếu này. Khối ngoại mua ròng và thanh thanh khoản giảm đôi chút so với phiên 13/02. Theo quan điểm của BSI, tâm lý thị trường tuy vẫn tích cực nhưng vẫn đang trong trạng thái chờ đợi những tín hiệu từ cuộc đàm phán Mỹ - Trung.
Thừa Vân