Bài cập nhật
Vietstock - Góc nhìn 13/03: Tiếp tục giảm xuống vùng 1,210-1,220?
CTCK BIDV (HM:BID) (BSC) cho rằng dòng tiền bắt đáy đã xuất hiện tại ngưỡng 1,235, tuy nhiên không lớn, tiềm ẩn rủi ro thị trường có thể tiếp tục giảm xuống vùng 1,210-1,220. Nhà đầu tư nên giao dịch cẩn trọng trong những phiên tới.
Kiểm định lại vùng hỗ trợ 1,200-1,210
CTCK BETA: Trong giai đoạn hiện nay, đường MA20 (1,237.64 điểm) sẽ đóng vai trò hỗ trợ quan trọng cho VN-Index. Trong trường hợp mốc hỗ trợ bị xuyên thủng, VN-Index nhiều khả năng sẽ kiểm định lại vùng hỗ trợ 1,200-1,210 điểm.
Hai kịch bản có thể xảy ra
CTCK Shinhan Việt Nam (SSV): Thị trường có phản ứng bật tăng ngay tại vùng EMA 20, sau 2 phiên chốt lời mạnh vừa rồi. Có 2 kịch bản có thể xảy ra, thứ nhất là thị trường tiếp tục tăng lên 1,275, tạo 2 đỉnh rồi giảm mạnh.
Thứ hai, thị trường thủng EMA 20, về vùng 1,200-1,210 tương ứng EMA 50 sau đó quay lại đà tăng bền vững. Và trong kịch bản tích cực nhất với xác suất thấp, VN-Index vượt luôn 1,275. Vì thế nhà đầu tư nên quan sát xem kịch bản nào sẽ xảy ra để hành động phù hợp.
Điều chỉnh tích lũy
CTCK Vietcombank (HM:VCB) (VCBS): Xác suất cao VN-Index sẽ tiếp tục điều chỉnh tích lũy, điều này là cần thiết trước khi có nhịp tăng mới. Với diễn biến thị trường hiện tại, VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư cân nhắc giải ngân cổ phiếu cho dấu hiệu kiểm tra hỗ trợ hoặc kháng cự thành công và thu hút dòng tiền trở lại thuộc nhóm ngành ngân hàng, bất động sản.
Nhà đầu tư nên mua khi thị trường cân bằng quanh 1,200-1,220
CTCK Asean (Aseansc): Thị trường hồi phục tăng điểm trở lại với thanh khoản thấp cho thấy dòng tiền có xu hướng trở nên “dè chừng” hơn trong phiên 12/03. Điểm tích cực là các mã giảm hầu hết là nhóm cổ phiếu đầu cơ, penny nên không tác động tâm lý xấu đến thị trường.
Trong phiên nhiều nhóm cổ phiếu riêng lẻ vẫn tiếp tục thể hiện sức mạnh giá tích cực bất chấp điểm số, cho thấy dòng tiền tham gia vẫn mạnh nhưng sẽ rất phân hóa, và diễn biến phục hồi sẽ khó lan tỏa tất cả các nhóm ngành.
Do đó, Aseansc khuyến nghị nhà đầu tư tránh mua đuổi, tận dụng các nhịp phục hồi để tái cơ cấu danh mục, mua khi thị trường đạt được mức cân bằng quanh ngưỡng 1,200-1,220 điểm.
Hướng tới vùng 1,250-1,260 trong kịch bản tích cực
CTCK Tiên Phong (TPS): Trong phiên ngày mai (13/03), chỉ số sẽ kiểm định lại vùng hỗ trợ quan trọng tại 1,235-1,240 điểm. Nếu mức hỗ trợ bị phá vỡ, lực bán mạnh có thể khiến chỉ số giảm về vùng 1,230-1,235 điểm. Trong kịch bản tích cực hơn, nếu lực mua xuất hiện và chiếm ưu thế hơn, VN-Index có thể tiếp tục hướng tới ngưỡng kháng cự nằm quanh vùng 1,250-1,260 điểm.
Về việc hút tín phiếu của NHNN, TPS cho rằng động thái này nhằm điều tiết thanh khoản ngắn hạn trong hệ thống ngân hàng. Khối lượng hút sẽ không nhiều và thời gian hút sẽ không kéo dài như đợt tháng 9/2023. Tuy nhiên nhà đầu tư cần theo dõi sát động thái phát hành tín phiếu của NHNN để đánh giá ảnh hưởng đến tâm lý thị trường và biến động chỉ số VN-Index.
Vẫn trong trạng thái điều chỉnh
CTCK Đông Á (DAS): Chỉ số chung vẫn đang trong trạng thái điều chỉnh, một phiên hồi kỹ thuật chưa hỗ trợ cho quyết định mở trạng thái mua mới. Thị trường cần tìm được động lực dẫn dắt mới sau khi nhóm ngân hàng hạ nhiệt.
Nhà đầu tư có thể nắm giữ cổ phiếu với tỷ trọng trung bình trong danh mục, kiên nhẫn chờ những cơ hội mua mới với giá hấp dẫn hơn. Các giao dịch ngắn hạn có xác suất lợi nhuận thấp nên chỉ thực hiện với tỷ trọng nhỏ.
Giảm xuống vùng 1,210-1,220
CTCK BIDV (BSC): Dòng tiền bắt đáy đã xuất hiện tại ngưỡng 1,235, tuy nhiên không lớn, tiềm ẩn rủi ro thị trường có thể tiếp tục giảm xuống vùng 1,210-1,220. Nhà đầu tư nên giao dịch cẩn trọng trong những phiên tới.
Sớm lấy lại các nhịp hồi phục
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Mặc dù hiệu ứng tích cực chưa lan tỏa mạnh mẽ, chỉ số vẫn được kỳ vọng sẽ sớm lấy lại các nhịp hồi phục khi xu hướng tăng vẫn đang được giữ vững. Nhà đầu tư được khuyến nghị trải lệnh từng phần, gia tăng tỷ trọng trading gối đầu cho vị thế đang nắm giữ khi chỉ số hoặc các mã mục tiêu quay xuống các vùng hỗ trợ.
Nhịp điều chỉnh vẫn còn diễn ra
CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta): Thị trường có thể sẽ còn giằng co với các nhịp tăng giảm đan xen trong phiên 13/03. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên dòng tiền có thể sẽ còn phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn còn có thể đối mặt với xu hướng giảm ngắn hạn, trong khi đó dòng tiền có thể sẽ tiếp tục gia tăng vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.
Thanh khoản giảm tại nhịp hồi cho thấy các nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường và nhịp điều chỉnh có thể vẫn còn diễn ra trong phiên tới.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cân bằng và ưu tiên nắm giữ nhóm cổ phiếu Midcaps và Smallcaps. Đồng thời, các nhà đầu tư chưa nên vội bắt đáy ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và cần chờ thêm cơ hội ở vài phiên chiết khấu sắp tới.
Đối diện ngưỡng cản 1,250
CTCK Sài Gòn – Hà Nội ( SHS (HN:SHS)): Phiên hồi phục 12/03 không làm thay đổi nhận định động lực tăng ngắn hạn của thị trường đã suy yếu. VN-Index sẽ tiếp tục đối diện ngưỡng cản trung hạn 1,250 điểm và trong trường hợp lấy lại được mốc này thì SHS cũng không đánh giá cao khả năng VN-Index hình thành uptrend mạnh mẽ mà nghiêng về kịch bản VN-Index sẽ giao dịch trong vùng tích lũy trung hạn 1,150-1,250 điểm.
SHS không khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn tham gia tích cực ở giai đoạn hiện tại dù VN-Index có nhịp hồi. Nhà đầu tư trung - dài hạn tiếp tục nắm giữ danh mục đã cơ cấu ổn định theo các khuyến nghị trước đây, SHS không khuyến nghị giải ngân ở giai đoạn hiện tại mà nên chờ đợi thị trường bước vào nhịp giảm ngắn hạn.
* Tiếp tục cập nhật…
Tùng Phong