Vietstock - Góc nhìn 12/04: Rung lắc và phân hóa dòng tiền rõ rệt
Nhà đầu tư thận trọng trong phiên giao dịch 12/04 khi sự rung lắc sẽ lớn hơn phiên hôm 11/04 và sự phân hóa dòng tiền rõ rệt hơn. Đây là cơ hội để nhà đầu tư tìm ra những mã cổ phiếu để mở vị thế sau đợt điều chỉnh kết thúc.
Rủi ro thị trường đã đến ngưỡng báo động.
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Các tín hiệu kỹ thuật của VIC đã chuyển sang tiêu cực và tiếp tục tăng cường. Vai trò dẫn dắt thị trường của VIC cũng đã thể hiện rõ nét trong những phiên gần đây. Rủi ro thị trường đã đến ngưỡng báo động. Nhà đầu tư cân nhắc tiếp tục hạ thấp tỷ trọng cổ phiếu đứng ngoài thị trường quan sát.
Rung lắc lớn hơn, phân hóa dòng tiền rõ rệt
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): Thị trường về cuối phiên giao dịch 11/04 chứng kiến áp lực bán rất mạnh và trải rộng ra nhiều nhóm cổ phiếu trụ cột thời gian vừa qua. Các nhóm điều chỉnh mạnh gồm Ngân hàng (VCB, VPB) hay Chứng khoán (SSI, VND), Bất động sản (VIC). Các cổ phiếu trong nhóm VN30 chịu áp lực chốt lời lớn dẫn đến trạng thái mất cân bằng mạnh trên thị trường với số mã giảm điểm gấp 3 lần số mã tăng.
BSI khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng trong phiên giao dịch 12/04 khi sự rung lắc sẽ lớn hơn phiên hôm 11/04 và sự phân hóa dòng tiền rõ rệt hơn. Đây là cơ hội để nhà đầu tư tìm ra những mã cổ phiếu để mở vị thế sau đợt điều chỉnh kết thúc.
Kiểm tra vùng hỗ trợ tại 1,140-1,160
CTCK Asean (Asean Securities): Kết thúc phiên giao dịch 11/04, thị trường chứng kiến áp lực chốt lời rất mạnh và trải rộng trên nhiều nhóm cổ phiếu. Trong đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (VIC, VNM, MSN, PLX, VRE, VJC, BVH,…) đồng loạt bị chốt lời sau chuỗi ngày dài tăng điểm miệt mài. Các nhóm cổ phiếu ngân hàng (VCB, BID, CTG, MBB, STB,…), bất động sản (TDH, DXG, PDR, SCR,…), chứng khoán (HCM, SSI, SHS, VND…) cũng bị bán khá mạnh, góp phần làm tăng thêm tâm lý bất ổn trên thị trường. Thanh khoản thị trường phiên hôm nay tăng mạnh so với các phiên trước với tổng khối lượng giao dịch đạt 360 triệu cổ phiếu, trị giá 10,700 tỷ đồng. Về phía khối ngoại, họ quay ra bán ròng gần 180 tỷ đồng trên cả 2 sàn (trong đó bán ròng 290 tỷ đồng trên HOSE và mua ròng 113 tỷ đồng trên HNX).
Rủi ro thị trường ở giai đoạn hiện tại đã được chúng tôi liên tục cảnh báo trong các báo cáo gần đây khi VN-Index liên tục tăng mạnh và phá đỉnh lịch sử 1,170 điểm, trong khi đó lực kéo từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và ngân hàng đã yếu đi, do vậy việc thị trường điều chỉnh mạnh là hoàn toàn nằm trong kịch bản đã định trước.
Việc chỉ số VN-Index thủng ngưỡng hỗ trợ gần xung quanh ngưỡng 1,180 điểm cho thấy xu hướng tăng ngắn hạn đã bị phá vỡ, do vậy Asean Securities khuyến nghị nhà đầu tư giảm dần tỷ trọng danh mục về ngưỡng an toàn và chú ý quan sát tiếp ngưỡng hỗ trợ tiếp theo xung quanh 1,160 điểm.
Dựa vào chuyển động của các chỉ báo kỹ thuật, Asean Securities cho rằng VN-Index sẽ kiểm tra vùng hỗ trợ gần nhất tại 1,140-1,160 điểm.
Cố gắng lấy lại ngưỡng 1,175
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Thị trường tiếp tục hứng chịu một đợt chốt lời với cường độ mạnh hơn phiên trước đó. Các trụ cột đã kéo thị trường lên trong giai đoạn qua đều bị bán mạnh chứ không chỉ bán đơn thuần là chốt lời một phần. Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của VN-Index đã bị chuyển từ Tích cực về Tiêu cực sau khi xuyên thủng đường MA20 ngày tại 1,175 điểm, đây sẽ là kháng cự của chỉ số trong phiên tới; ngưỡng hỗ trợ tâm lý gần nhất của VN-Index được xác định tại 1,150 điểm.
Dự báo, trong phiên giao dịch 12/4, kịch bản của VN-Index có thể là tiếp tục điều chỉnh vào đầu phiên sáng sau đó sẽ phục hồi trở lại để cố gắng lấy lại ngưỡng 1,175 điểm. Nhà đầu tư ngắn hạn đang có tỷ trọng cổ phiếu cân bằng trong danh mục có thể tận dụng những nhịp hồi phục nhằm đưa tỷ trọng về mức an toàn. Nhà đầu tư trung và dài hạn vẫn có thể tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt trong danh mục và tận dụng những phiên điều chỉnh để tích lũy thêm những cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng tích cực.
Cát Lam