Vietstock - Góc nhìn 10/07: Tiếp tục quan sát?
Trong phiên giao dịch 10/07, VN-Index có thể sẽ giằng co và tích lũy với biên độ trong khoảng 910-930 điểm (MA5-10).
Giằng co và tích lũy
CTCK Sài Gòn-Hà Nội ( SHS (HN:SHS)): Những tưởng thị trường sẽ có một phiên hồi phục tốt về mặt điểm số vào đầu tuần, nhưng với nền tảng thanh khoản thấp thì mọi chuyện đều có thể xảy ra. Tâm lý dè dặt, lo ngại rủi ro của nhà đầu tư khiến cho dòng tiền suy yếu nên chỉ một sự tăng nhẹ của bên cung cũng đủ khiến thị trường kết phiên trong sắc đỏ.
Khối ngoại cũng duy trì đà bán ròng trong phiên 09/07 và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xu hướng thị trường trong thời gian tới. Trên góc độ kỹ thuật, việc các đường trung bình động đang ở rất gần nên diễn biến giằng co và tăng giảm đan xen có thể tiếp tục diễn ra. SHS cho rằng, ngưỡng 900 và 100 điểm sẽ là hỗ trợ tâm lý cho VN-Index và HNX-Index trong phiên tới.
Dự báo, trong phiên giao dịch 10/07, VN-Index có thể sẽ giằng co và tích lũy với biên độ trong khoảng 910-930 điểm (MA5-10). Nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức an toàn và quan sát diễn biến thị trường để có quyết định hợp lý. Nhà đầu tư trung và dài hạn tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt trong danh mục và triển vọng tăng trưởng tích cực trong thời gian tới.
Tiếp tục quan sát
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): Phiên giao dịch 09/07 tiếp tục là một phiên biến động mạnh. Mở đầu phiên buổi sáng, nối tiếp đà tăng từ các phiên trước, tâm lý nhà đầu tư hứng khởi, giúp chỉ số bật 10 điểm. Tuy nhiên, trong thời gian còn lại, đà bán đã áp đảo khiến chỉ số đảo chiều, đóng cửa ở mức tham chiếu.
BSI nhận định thanh khoản thấp cũng với việc khối ngoại liên tục bán ròng sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý đầu tư. Nhà đầu tư vẫn nên quan sát thị trường, chờ đợi khi thị trường đã ổn định lại.
Tiếp tục phục hồi
CTCK Asean (Asean Securities): Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ 2 (09/07), chỉ số VN-Index giảm 2.39 điểm, đóng cửa ở mức 915.12. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng suy yếu là nguyên nhân chính kéo chỉ số quay đầu giảm điểm. Thanh khoản HOSE sụt giảm mạnh chỉ còn gần 120 triệu cổ phiếu, giá trị hơn 2,700 tỷ đồng. Về phía nước ngoài, họ bán ròng hơn 152 tỷ đồng trên HOSE.
Sau phiên tăng mạnh ngày 06/07 thì việc thị trường tạm thời chững lại trong phiên 09/07 là có thể hiểu được. Việc chỉ số VN-Index tăng mạnh từ đầu phiên chưa hẳn là tốt, do đó việc điều chỉnh là cần thiết để lấp lại gap đã tạo ra trong phiên. Asean Securities duy trì quan điểm tích cực rằng VN-Index sẽ tiếp tục phục hồi trong các phiên tới.
Dựa vào chuyển động của các chỉ báo kỹ thuật, Asean Securities cho rằng VN-Index sẽ kiểm tra vùng kháng cự gần nhất tại 920–940 điểm, xem xét tăng tỷ trọng khi vượt kháng cự 940.
Hạn chế mua đuổi
CTCK Bảo Việt (BVS): Áp lực bán tăng mạnh về cuối phiên trong khi thanh khoản tiếp tục duy trì ở mưc thấp là tín hiệu kém tích cực đối với diễn biến thị trường chung. Nhiều khả năng 2 chỉ số tiếp tục xu hướng điều chỉnh nhẹ đi kèm diễn biến phân hóa trong các phiên sắp tới.
VN-Index giảm 0.26% xuống 915.12 điểm. Áp lực bán mạnh trong nửa cuối phiên giao dịch đã khiến chỉ số quay đầu giảm điểm dù cho sắc xanh được duy trì trong hầu hết phiên giao dịch. Điều này có thể khiến chỉ số chịu rung lắc mạnh vào đầu phiên kế tiếp.
Thanh khoản thị trường đạt 106 triệu cổ phiếu, giảm mạnh so với phiên trước đó và thấp hơn tương đối so với mặt bằng khối lượng bình quân 21 phiên. Độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã giảm điểm. Thị trường đã có sự phân hóa rõ nét hơn giữa các dòng cổ phiếu sau phiên tăng mạnh đồng loạt trước đó.
Chỉ số có thể sẽ vấp phải áp lực rung lắc, điều chỉnh trong phiên kế tiếp khi nhiều cổ phiếu đã chạm kháng cự gần và có dấu bị chốt lời mạnh về cuối phiên. Vùng 895-900 điểm sẽ là vùng hỗ trợ cho chỉ số trong một vài phiên kế tiếp. Nếu giữ được vùng điểm này đồng thời vượt qua được vùng cản 925-930 điểm thì có thể kỳ vọng chỉ số sẽ bước vào nhịp hồi phục ngắn với đích đến nằm tại 945-965 điểm.
Mặc dù vậy, BVS cũng đưa ra cảnh báo rằng, nếu chỉ số xuyên thủng vùng hỗ trợ nêu trên thì kịch bản chỉ số giảm về vùng hỗ trợ nằm tại 855-875 điểm, thậm chí sâu hơn cần phải được tính đến.
Nhà đầu tư hạn chế mua đuổi trong các phiên thị trường tăng điểm. Tỷ trọng danh mục tổng vẫn chỉ nên khống chế ở mức tối đa 15-20% cổ phiếu.
Vùng hỗ trợ của chỉ số nằm tại 895-900 điểm và 855-875 điểm. Vùng kháng cự của chỉ số nằm tại 925- 930 điểm và 960-980 điểm.
Nguyên Ngọc