Cập nhật
Vietstock - Góc nhìn 08/01: Ưu tiên sự thận trọng
Nhiều các công ty chứng khoán (CTCK) đánh giá thị trường vẫn tiềm ẩn rủi ro trong ngắn hạn và khuyến nghị nhà đầu tư ưu tiên sự thận trọng. Tuy nhiên cũng xuất hiện quan điểm lạc quan hơn.
Tâm lý thận trọng vẫn bao trùm thị trường
CTCK BIDV (HM:BID) (BSC): Trong những phiên tới, chỉ số vẫn có thể tiếp tục kiểm định lại ngưỡng SMA50, trong trường hợp tích cực nếu thanh khoản ủng hộ thì VN-Index có thể tăng về mức 1,260. Trong trường hợp tiêu cực chỉ số có thể rơi về ngưỡng hỗ trợ 1,240.
Rủi ro trong cả ngắn và trung hạn
CTCK Sài Gòn - Hà Nội ( SHS (HN:SHS)): Trong ngắn hạn, nếu VN-Index không giữ được đường trung bình 200 phiên sẽ trở nên tiêu cực hơn, chuyển sang xu hướng điều chỉnh. Chỉ số có thể tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh về vùng giá 1,220 - 1,230 điểm, hỗ trợ gần nhất quanh 1,240 điểm, kháng cự 1,255 - 1,260 điểm.
Xu hướng trung hạn tích lũy kém tích cực ở nửa dưới kênh rộng 1,200 - 1,300 điểm, với vùng giá cân bằng quanh 1,250 điểm.
SHS cho rằng, nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng danh mục ở mức hợp lý.
Quán tính phân phối đã chậm lại
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Sau hai phiên lao dốc mạnh, việc VN-Index hình thành nến spinning cho thấy quán tính phân phối đã chậm lại. Mặc dù hoạt động bán khớp lệnh chủ động vẫn đang chiếm lĩnh phần lớn diễn biến, lực đỡ chủ yếu từ các cổ phiếu trụ đang tạo ra vùng giao dịch ổn định hơn và tạm thời hạ nhiệt đà rơi của chỉ số.
Điều này kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội kiểm soát điểm số trở lại cho phe mua, khi VN-Index vẫn đang giữ được vùng xác lập xu hướng tăng trong tháng 11.
Cơ cấu lại danh mục là ưu tiên hàng đầu
CTCK BETA: Theo quan điểm kỹ thuật, VN-Index đang trong giai đoạn điều chỉnh ngắn hạn khi liên tục giao dịch dưới các đường trung bình động quan trọng, phản ánh sự suy yếu của lực cầu trong thời gian gần đây. Đồng thời, Chỉ báo SAR, MACD và cặp (DI+ và DI-) duy trì trạng thái tiêu cực, xác nhận xu hướng giảm ngắn hạn.
Nhìn chung, thị trường đang trong giai đoạn tích lũy với biên độ dao động hẹp, nhà đầu tư cần duy trì sự thận trọng trong chiến lược giao dịch. Việc VN-Index có thể bứt phá khỏi trạng thái hiện tại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là sự cải thiện về thanh khoản, dòng tiền từ khối ngoại, cũng như các tín hiệu tích cực rõ nét hơn về kết quả kinh doanh quý 4.
Trong giai đoạn này, ưu tiên hàng đầu là cơ cấu lại danh mục, tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, tiềm năng tăng trưởng bền vững. Ngoài ra, việc dự trữ một tỷ lệ tiền mặt hợp lý sẽ giúp nhà đầu tư có cơ hội nắm bắt các điểm mua tốt khi thị trường xuất hiện những phiên điều chỉnh hoặc các tín hiệu tích cực rõ ràng hơn.
Chờ đợi thêm cho các giao dịch ngắn hạn
CTCK Ngân hàng Đông Á (DAS): Nhà đầu tư có thể nắm giữ các nhóm cổ phiếu được dự báo tăng trưởng trong quý 4 như ngân hàng, bất động sản, hàng tiêu dùng trong danh mục đầu tư trung dài hạn.
Đối với các giao dịch ngắn hạn, nhà đầu tư có thể chờ đợi thêm, tránh rủi ro cao do diễn biến thị trường thanh khoản thấp mùa nghỉ lễ.
Có thể hồi phục ngắn hạn
CTCK Asean (Aseansc): Trong các phiên tới, thị trường có thể hồi phục ngắn hạn, tuy nhiên xu hướng tích cực chỉ chắc chắn sau khi DXY có dấu hiệu giảm mạnh hơn và các thị trường thế giới xác lập xu hướng hồi phục ngắn hạn rõ ràng hơn, trong bối cảnh định giá VN-Index đang ngày càng trở nên hấp dẫn. Vùng hỗ trợ quan trọng tại mốc 1,240 điểm là ngưỡng mà nhà đầu tư cần lưu ý, đặc biệt trong kịch bản thị trường tiếp tục xu hướng điều chỉnh.
Các yếu tố vĩ mô đang có xu hướng dần ổn định hơn, cởi bỏ dần áp lực tâm lý cho nhà đầu tư trong ngắn và trung hạn. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần tiếp tục quan sát các sự kiện vĩ mô quan trọng và các chỉ số, chỉ giải ngân mạnh tay hơn khi xu hướng đã hình thành rõ ràng đối với tỷ giá, thanh khoản thị trường, tâm lý giao dịch và triển vọng tăng trưởng kinh tế, đồng thời theo dõi sát sao diễn biến thị trường toàn cầu đề phòng những phiên dao động mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Mỹ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý ở Việt Nam do có độ tương quan cao.
*Tiếp tục cập nhật...
Huy Khải