Vietstock - Góc nhìn 07/02: Sớm chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất: Thị trường đảo chiều, đi vào xu hướng giảm giá
Mặc dù có dấu hiệu hồi phục cuối phiên 06/02, đồng thời thanh khoản tăng mạnh cho thấy thị trường đã hấp thụ được phần nào lượng hàng bán tháo để dần lấy lại sự cân bằng trong tâm lý nhà đầu tư. Các công ty chứng khoán (CTCK) vẫn đưa ra nhận định thận trọng rằng thị trường sẽ tiếp tục rung lắc trong phiên giao dịch ngày 07/02.
Lực cầu bắt đáy sẽ gia tăng
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Thị trường tiếp tục chìm trong sắc đỏ trong phiên thứ hai liên tiếp, tuy nhiên mức giảm đã được thu hẹp phần nào nhờ lực cầu bắt đáy trong phiên chiều. Thanh khoản tăng mạnh cho thấy thị trường đã hấp thụ được phần nào lượng hàng bán tháo để dần dần lấy lại sự cân bằng trong tâm lý nhà đầu tư.
Trên góc nhìn kỹ thuật, tín hiệu ngắn hạn của VN-Index và HNX-Index tiếp tục là Tiêu cực với các ngưỡng kháng cự tương ứng với đường MA20 ngày tại 1,068 điểm và 123.3 điểm. Dự báo, trong phiên giao dịch ngày 07/02, lực cầu bắt đáy gia tăng có thể giúp VN-Index hồi phục trở lại để hướng đến lấp khoảng gap được tạo ra giữa hai phiên 05/02 và 06/02 trong khoảng 1,026-1,048 điểm.
Nhà đầu tư ngắn hạn nên tiếp tục theo dõi thị trường và nếu có tỷ trọng cổ phiếu cao thì có thể tận dụng các nhịp hồi phục để giảm tỷ trọng về mức an toàn. Nhà đầu tư trung và dài hạn có thể tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt trong danh mục và triển vọng tăng trưởng tích cực trong năm 2018.
Rủi ro toàn phần ở mức báo động cao
CTCK KB Việt Nam (MSI): Thị trường đang chịu ảnh hưởng rất mạnh mẽ từ thị trường thế giới (Mỹ). Về mặt kỹ thuật, các chỉ số chính của thị trường Mỹ đều đã xác nhận Uptrend bị bẻ gãy. Rủi ro toàn phần tiếp tục ở mức báo động cao. Quan điểm thận trọng quan sát và kiểm soát chặt chẽ rủi ro margin tiếp tục được đề xuất. Và có thể chúng ta phải sớm chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất: thị trường đảo chiều, đi vào xu hướng giảm giá. Về mặt kỹ thuật, chỉ số thị trường Mỹ có thể phục hồi nhẹ trở lại nhưng với đà giảm giá kỷ lục 2 phiên qua thì việc dự báo kịch bản phục hồi rất khó chính xác.
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng tương tự và chỉ số VN30 đang nổi lên đóng vai trò quan trọng hơn VN-Index. VN30 có thể bắt đầu phục hồi nhẹ từ phiên sau với ngưỡng mục tiêu 1,033-1,055 điểm.
Tiếp tục rung lắc
CTCK Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSI): Thị trường khá ảm đạm trong phần lớn phiên giao dịch ngày 06/02, Dù lực cầu bắt đáy mạnh nhưng các cổ phiếu vẫn đồng loạt giảm sàn, chỉ đến khi các cổ phiếu trụ cột của thị trường như HPG, VIC, STB hồi phục, nhà đầu tư mới thực sự mua vào mạnh và đẩy giá trị giao dịch lên mức cao nhất trong lịch sử với hơn 15,000 tỷ. Các cổ phiếu ngành Ngân hàng, Chứng khoán cũng theo đó thoát giá sàn.
Đặc biệt trong phiên ngày 06/02, khối ngoại đã mua ròng gần 90 triệu cổ phiếu VRE thông qua thỏa thuận.
BSI nhận định thị trường sẽ tiếp tục rung lắc mạnh, dù có tín hiệu hồi phục vào cuối phiên nhưng các chỉ số vẫn giảm khá sâu. Dòng tiền đổ mạnh vào thị trường nhưng chưa chứng tỏ được sự bền vững.
Nhà đầu tư nên hạn chế giao dịch khi mà các tín hiệu vẫn còn khá yếu và rủi ro tiềm ẩn khá lớn. Bên cạnh đó, sau hai phiên giảm điểm mạnh thì khá nhiều tài khoản rơi vào tình trạng “call margin”, điều này có thể sẽ khiến lực bán càng gia tăng.
Vùng hỗ trợ 980-1,000 điểm
CTCK Asean (Aseansc): Dựa vào chuyển động của các chỉ báo kỹ thuật, Aseansc cho rằng Vn-Index sẽ kiểm tra vùng hỗ trợ gần nhất tại 980-1,000 điểm. Tỷ trọng danh mục đề nghị theo công thức Kelly: 90% tiền mặt/ 10% cổ phiếu.
Trong kịch bản tiêu cực, vùng hỗ trợ gần của Vn-Index được dự báo nằm tại 980-1,000 điểm. Đây được xem là điểm mua vào tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục. Xem xét bán ra khi thủng ngưỡng hỗ trợ 1,000. Vùng hỗ trợ tiếp theo được dự báo ở mức 940-960 điểm.
Trong kịch bản tích cực, vùng 1,020-1,040 điểm sẽ đóng vai trò là vùng kháng cự gần, đồng thời là điểm bán giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục. Vùng kháng cự tiếp theo được dự báo ở mức 1,060-1,080 điểm.
Chí Kiên