Vietstock - Giúp nhà đầu tư tránh ‘bẫy’ thao túng chứng khoán thế nào?
Các chuyên gia kỳ vọng các chính sách mới, theo hướng yêu cầu công ty kiểm toán kiểm soát chặt báo cáo tài chính của doanh nghiệp niêm yết, công ty chứng khoán kiểm soát chặt việc mở tài khoản tràn lan và việc bổ sung quy định mua – bán chéo, tạo cung cầu giả, sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng làm giá, lũng đoạn thị tường chứng khoán.
“Bẫy” thao túng chứng khoán nhìn từ một số vụ án
Vui sướng, tuyệt vọng, hy vọng rồi phải bán nhà để trả bớt nợ vay là những điều ông Lê Ngọc Nông (Quảng Nam) phải trải qua khi chạy theo “sóng” cổ phiếu “họ FLC”. Dự phiên tòa sơ thẩm vụ án thao túng thị trường chứng khoán (TTCK) xảy ra tại Tập đoàn FLC (HM:FLC), ông Nông hy vọng giành lại quyền lợi.
Tuy nhiên, bản án của toà tuyên các bị hại chỉ được bồi thường 7.215 đồng cho một cổ phiếu ROS (HM:ROS), người liên quan nhận 5.466 đồng. Còn 5 mã AMD (NASDAQ:AMD), HAI, GAB, FLC, ART không có căn cứ bồi thường.
Nhà đầu tư cá nhân là đối tượng gánh chịu nhiều thiệt hại nhất từ hành vi thao túng TTCK. Ảnh: Minh Dũng |
Ngoài vụ án tại FLC, không ít các nhân bị xử lý hình sự vì hành vi thao túng TTCK trong các vụ án xảy tại Louis Holding, Công ty cổ phần công nghiệp và khoáng sản Bình Thuận (KSA) những năm gần đây.
Điểm chung trong các vụ án là lãnh đạo các doanh nghiệp niêm yết như ông Đỗ Thành Nhân (Chủ tịch Louis Holdings) và Trịnh Văn Quyết (cựu chủ tịch Tập đoàn FLC) bắt tay với lãnh đạo công ty chứng khoán, hoặc chỉ đạo người thân và cấp dưới lập, dùng hàng trăm tài khoản chứng khoán để giao dịch mua – bán cổ phiếu với khối lượng lớn và tần suất dày đặc, nhằm tạo cung cầu giả. Điều này đẩy giá cổ phiếu lên cao nhiều lần so với giá trị thực, qua đó tạo “bẫy thao túng cổ phiếu”, thu hút nhà đầu tư ưa mạo hiểm, thích lướt sóng.
Riêng tại FLC Faros – một công ty con của Tập đoàn FLC, việc nâng khống vốn điều lệ và “làm đẹp” báo cáo tài chính doanh nghiệp đã được các cá nhân thực hiện nhằm tạo “bánh vẽ” thu hút nhà đầu tư và gia tăng giá trị cổ phiếu ROS.
Trên điễn đàn Quốc hội đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chỉ ra một điểm chung trong các vụ án là cá nhân phạm tội ngày càng tinh vi, liều lĩnh. Thậm chí, sẵn sàng lôi kéo người nhà, thân tín cùng thực hiện.
Ngoài ra, một số cơ quan quản lý đã buông lỏng trong những giai đoạn nhất định. “Điều đáng lưu ý là, có những hành vi, thủ đoạn đã xảy ra nhiều lần nhưng không bị phát hiện hoặc đã từng bị phát hiện nhưng chỉ bị xử lý hành chính. Điều này tạo nên tâm lý nhờn luật của đối tượng phạm tội”, bà Hoa nêu.
Bổ sung, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật Sblaw cho biết, bên cạnh ý thức tuân thủ pháp luật của một số cá nhân, tổ chức còn kém, thì hành vi thao túng thường xảy ra trong khoảng thời gian nhất định mới rõ dấu hiệu, biến động bất thường của cổ phiếu. Hơn nữa, sự tham gia của số lượng lớn tài khoản giao dịch cũng khiến cơ quan quản lý khó phát hiện, ngăn chặn ngay vi phạm trong giai đoạn thao túng.
Ngoài những yếu tố trên, luật sư này thừa nhận quy định xử lý với những hành vi vi phạm pháp luật về các hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán tại Luật Chứng khoán năm 2019, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Bộ luật dân sự 2015; Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) và các Nghị định, Thông tư liên quan… còn khá nhẹ, tính răn đe không cao, không tương thích với những hậu quả mà hành vi vi phạm gây ra cho xã hội và nhà đầu tư.
“Điều này dẫn đến các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán gia tăng cả về số lượng và mức độ vi phạm”, ông Hà nêu quan điểm.
Làm gì để giảm thiểu rủi ro?
Để hạn chế rủi ro thao túng TTCK, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán 2019 theo hướng luật hoá quy định về hành vi thao túng TTCK từ Nghị định 156/2020 của Chính phủ tại Điều 12 của Luật. Đồng thời, bổ sung hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến giao dịch của người nội bộ công ty đại chúng, quỹ đại chúng và người có liên quan trong việc không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đại chúng.
Hệ thống công nghệ hiện đại sẽ giúp cơ quan quản lý dễ dàng phát hiện giao dịch bất thường trên thị trường. Ảnh: Hoàng Thắng
|
Từ góc nhìn của thành viên thị trường, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng Giám đốc Công ty chứng khoán kiến thiết Việt Nam (CSI) nhận định, các hành vi thao túng trên TTCK theo quy định của Luật chứng khoán 2019 còn khá chung chung. Do đó, khó có thể phân biệt giao dịch của nhà đầu tư trên thị trường và các giao dịch thao túng của một nhóm nhà đầu tư dựa theo quy định cũ.
Theo ông Ngọc, chính sách mới cần cụ thể hơn ở những góc độ như: hành vi thao túng dựa trên việc mua đi bán lại những cổ phiếu trong cùng một khoảng thời gian, xuất hiện các giao dịch chéo. Ngoài ra bổ sung thêm các quy định liên quan đến việc các nhà đầu tư chứng khoán bắt buộc phải xác định định danh điện tử thông qua căn cước công dân gắn chip.
“Đây là yếu tố để chúng ta xác thực được từng tài khoản chứng khoán được lập ra bởi những nhà đầu tư thực tế, chứ không phải là những nhà đầu tư ảo để một nhóm nhà đầu tư khác sử dụng để thao túng thị trường”, ông Ngọc nói.
Còn Luật sư Nguyễn Thanh Hà kiến nghị bổ sung các văn bản hướng dẫn phương pháp tính số tiền “thu lời bất chính” và “gây thiệt hại cho nhà đầu tư” để thống nhất khi áp dụng vào thực tiễn, qua đó rút ngắn thời gian trong điều tra, xử lý tội phạm thao túng TTCK theo Điều 211 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Ngoài ra, cần bổ sung thêm hậu quả của hành vi thao túng TTCK, có thể là “gây mất an ninh tài chính tiền tệ” hoặc “gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của thị trường chứng khoán”. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung thêm hình phạt với hành vi thao túng TTCK theo hướng tăng thêm mức độ.
“Có thể tăng từ 7 năm tù giam lên 20 năm tù giam là mức hình phạt cao nhất, kèm theo đó là các hình phạt bổ sung như: cấm đảm nhiệm các chức vụ, cấm hành nghề trong khoảng 5-7 năm”, ông Hà cho biết.
Về dài hạn, TS Nguyễn Hữu Huân, giản viên Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, phải kiểm soát được chất lượng doanh nghiệp niêm yết. Theo đó, sai phạm liên quan tới công bố thông tin kết quả kinh doanh, báo cáo tài chính khá phổ biến. Thậm chí, trong một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, vai trò của công ty kiểm toán rất mờ nhạt, trong khi về lý thuyết, đơn vị này có vai trò phát hiện sai phạm hoặc những vấn đề của doanh nghiệp để đưa ra ý kiến loại trừ hoặc cảnh báo cho nhà đầu tư, cơ quan quản lý.
“Cần quy định chặt chẽ và nâng cao vai trò, trách nhiệm của công ty kiểm toán trong việc phát hiện sai phạm của doanh nghiệp niêm yết để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư”, ông Huân góp ý.
Vân Phong