Vietstock - Gieo hạt giống nào cho vụ mùa 2019
Các công ty chứng khoán (CTCK) đưa ra khuyến nghị mua đối với DVP nhờ sự ổn định và và tỷ suất cổ tức cao, mua KBC nhờ triển vọng kinh doanh tích cực và mua ACB (HN:ACB) khi đánh giá cao định hướng bán lẻ của ngân hàng này.
DVP: Mua với giá mục tiêu 66,000 đồng/cp
CTCP Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ (HOSE: DVP) sở hữu cảng container hoạt động tại khu vực bán đảo Đình Vũ thuộc cụm cảng Hải Phòng, đây là một trong những cụm cảng nhộn nhịp nhất Việt Nam chiếm khoảng 17% tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển hàng năm.
Theo CTCK Phú Hưng (PHS), việc nằm tại vị trí hạ nguồn sông Cấm cũng giúp DVP hưởng lợi và duy trì được lượng hàng hóa ổn định trong bối cảnh cầu Bạch Đằng đi vào hoạt động làm phân hóa các bến cảng thượng nguồn và hạ nguồn tại con sông này.
PHS đánh giá rằng công suất hoạt động tại cảng của DVP khó có khả năng cải thiện, cùng với đó, DVP có thể sẽ không nâng giá phí dịch vụ bốc dỡ hàng hóa, container do giá phí dịch vụ hiên tại vẫn đang cao hơn mức sàn quy định. Từ đó, PHS cho rằng kết quả kinh doanh của DVP trong năm 2018 và 2019 có thể sẽ không có nhiều biến động và tiếp tục đi ngang.
Nguồn: PHS tổng hợp
|
Cho hai năm 2018 và 2019, PHS dự kiến doanh thu của DVP có thể đạt lần lượt là 639 tỷ đồng và 651 tỷ đồng (duy trì tỷ lệ tăng trưởng kép xấp xỉ 2%); biên lợi nhuận gộp của DVP tiếp tục duy trì ở mức 49%; lợi nhuận sau thuế đi ngang, lần lượt đạt 275 tỷ và 281 tỷ đồng cho hai năm 2018 - 2019.
Với cơ cấu tài chính khá lành mạnh cùng hoạt động kinh doanh tương đối ổn định trong bối cảnh Công ty chưa có nhu cầu lớn cho đầu tư mở rộng, PHS đánh giá rằng DVP hoàn toàn có thể tiếp tục duy trì tỷ lệ cổ tức 45% - 40% ổn định trong các năm tới, khá hấp dẫn dành cho những nhà đầu tư yêu thích sự an toàn. Đâu đó vẫn có những rủi ro đối với DVP, mặc dù ngành cảng biển tăng trưởng tương đối ổn định, áp lực cạnh tranh cùng quy mô nhỏ khiến ngành cảng biển Việt Nam nói chung và DVP nói riêng chưa tìm được động lực tăng trưởng lớn. Cùng với đó, tồn tại rủi ro về công suất khi DVP chưa có khả năng mở rộng trong thời gian sắp tới. Áp lực cạnh tranh có thể xuất hiện khi các cảng biển mới đi vào hoạt động trong năm 2019.
Dự phóng một số chỉ tiêu hoạt động của DVP giai đoạn 2018 - 2019
Nguồn: PHS
|
Từ những luận điểm trên, PHS khuyến nghị mua cổ phiếu DVP với giá mục tiêu 66,000 đồng.
Xem thêm tại đây
KBC: Mua với giá mục tiêu 15,600 đồng/cp
CTCK Rồng Việt (VDS) cho biết, TCT Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (HOSE: KBC) đã đạt được kết quả tăng trưởng tốt trong kỳ 9 tháng đầu 2018 khi cho thuê khu công nghiệp (KCN) tăng trưởng.
Lũy kế 9 tháng đầu 2018, KBC đạt doanh thu 1,661 tỷ đồng, tăng trưởng 64% so với cùng kỳ năm trước; tuy nhiên, lãi sau thuế của Công ty giảm 10%, đạt 489 tỷ đồng. Thực tế, nếu loại trừ khoản doanh thu đột biến từ bán dự án khách sạn Hoa Sen vào năm 2017, lãi sau thuế 9 tháng 2018 của KBC tăng 89% so với cùng kỳ năm trước.
VDS cho biết đã có khoảng 78 ha được KBC cho thuê trong 9 tháng 2018. Trong đó Quế Võ 2 và Tràng Duệ 2 đóng góp 63% diện tích cho thuê. Khu đô thị Phúc Ninh ghi nhận 91 tỷ đồng doanh thu với việc bàn giao 0.56 ha. Về triển vọng 2019, VDS kỳ vọng KBC sẽ bắt đầu cho thuê KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh và Công ty cũng sẽ ghi nhận phần lớn doanh thu từ bàn giao Khu đô thị (KĐT) Phúc Ninh.
Dự phóng diện tích đất cho thuê tại các khu công nghiệp của KBC
Đvt: ha
Nguồn: VDS
|
Theo đánh giá của VDS, KBC có kinh nghiệm nhiều năm trong phát triển, vận hành và sở hữu quỹ đất lớn tại các vị trí thuận lợi. Hai lợi thế này sẽ giúp KBC đón đầu và hưởng lợi từ nhu cầu thuê KCN gia tăng tại khu vực phía Bắc.
KBC hiện có khoảng 442 ha đất thương phẩm cho thuê trong ngắn hạn, con số này sẽ đạt 1,045 ha nếu bao gồm cả KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh và Tràng Duệ 3. Những KCN này tập trung tại Bắc Ninh và Hải Phòng, nơi phần lớn các hoạt động sản xuất diễn ra. Trong ngắn và trung hạn, hoạt động bán đất nền trên diện tích 22 ha tại KĐT Phúc Ninh cũng là động lực tăng trưởng mạnh.
Dự phóng một số chỉ tiêu hoạt động của KBC giai đoạn 2018 - 2019
Đvt: tỷ đồng
Nguồn: VDS
|
Lạc quan về triển vọng kinh doanh của KBC, VDS đưa khuyến nghị mua đối với cổ phiếu KBC với giá mục tiêu 15,600 đồng/cp.
Xem thêm tại đây
ACB: Mua với giá mục tiêu 37,400 đồng/cp
CTCK Phú Hưng cho biết, lũy kế 9 tháng 2018, Ngân hàng TMCP Á Châu (HNX: ACB) lãi trước thuế 4,776 tỷ đồng, tăng trưởng 138% so với cùng kỳ năm trước, thực hiện gần 84% kế hoạch đề ra 2018. Tốc độ tăng trưởng tín dụng của ACB đạt mức 11.3% so với đầu năm.
Thu nhập ngoài lãi tăng trưởng 28% so với cùng kỳ 2017, do ACB đang tiếp tục phát triển các hoạt động dịch vụ. Đồng thời, lợi nhuận của Ngân hàng cũng đến từ việc xử lý các khoản nợ xấu. Tỷ lệ chi phí hoạt động CIR giảm mạnh xuống còn 45% vào thời điểm cuối quý 3/2018 do ACB được hoàn nhập phần lớn dự phòng trích cho các khoản thu.
So với đầu năm, tổng nguồn vốn của Ngân hàng tăng 10%, trong đó tiền gửi của khách hàng tăng 11%, vốn chủ sở hữu tăng trưởng 22% nhờ lợi nhuận chưa phân phối tích lũy thêm 2,635 tỷ đồng.
Cho cuối năm 2018 và sang 2019, PHS dự báo đà tăng trưởng của ACB sẽ tiếp tục được duy trì khi hạn mức tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng sẽ được nới thêm 2%. Các tỷ lệ về cơ cấu vay như vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, LDR, đều ở tỷ lệ an toàn, điều này tăng tiềm năng cơ cấu nợ của ACB theo hướng ưu tiên các khoản vay đem lại lợi nhuận cao. PHS ước đoán rằng lợi nhuận trước thuế trong năm 2018 của ACB sẽ đạt 6,748 tỷ đồng, tăng trưởng 154% so với cùng kỳ năm trước và vượt 18% kế hoạch đặt ra.
Trong những năm tiếp theo kể từ 2019, hoạt động của ngành ngân hàng nói chung và ACB nói riêng sẽ đi vào ổn định dưới sự kiểm soát chặt chẽ từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng sẽ không tạo ra những con số đột biến như trong giai đoạn 2016 – 2018.
PHS đánh giá rằng ACB sẽ tập trung vào tăng trưởng bền vững với chiến lược chính vẫn tập trung vào hoạt động bán lẻ, cho vay cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong năm 2019, PHS dự báo tăng trưởng tín dụng của ACB sẽ đạt 14%, các yếu tố quản lý rủi ro sẽ được đặt lên hàng đầu, trong đó nợ xấu sẽ được kìm hãm ở mức dưới 0.9%. ACB cũng không chịu áp lực lớn về tăng vốn khi hệ số CAR của Ngân hàng luôn giữ ở mức an toàn cao hơn 11%. Tuy nhiên, PHS cũng cho rằng chi phí hoạt động của ACB vẫn đang ở mức cao so với các ngân hàng lớn trong hệ thống, làm giảm hiệu quả hoạt động cũng như khả năng cạnh tranh.
Dự phóng một số chỉ tiêu hoạt động của ACB giai đoạn 2018 - 2019
Đvt: tỷ đồng
Nguồn: PHS
|
Đánh giá cao định hướng là ngân hàng bán lẻ của ACB, PHS đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu ACB với giá mục tiêu 37,400 đồng/cp.
Xem thêm tại đây
---
Khuyến nghị mua bán cổ phiếu của các công ty chứng khoán được trích dẫn lại có giá trị như một nguồn thông tin để nhà đầu tư tham khảo cho các quyết định đầu tư. Các khuyến nghị này có thể có những xung đột lợi ích với nhà đầu tư.
Vĩnh Thịnh