Vietstock - Giáng sinh của gấu
Giáng sinh này là lần thứ 5 kể từ giữa năm nay VN30 kiểm tra đáy cũ quanh 850-860 điểm. Cứ mỗi lần đến đáy tạm thời này, lực cầu bắt đáy lại tăng lên và chỉ số dâng cao hơn lúc đóng cửa. Đâu đó vẫn còn hy vọng trong giới đầu tư là “cứ điểm” 850 sẽ không bị phá vỡ. Nhưng giả sử nếu nó bị phá đáy thì sao?
Ảnh: TBKTSG
|
Cá nhân người viết bài này cho rằng chuyện phá đáy của VN-Index và VN30 chỉ là vấn đề thời gian. Với các chuyên viên phân tích kỹ thuật, xu hướng trung hạn của VN-Index đã chuyển về tiêu cực. Thêm nữa, tâm lý nhà đầu tư đang chịu tác động mạnh của chứng khoán thế giới, nhất là chứng khoán Mỹ.
Suốt cả tuần rồi, khi nhắc đến Dow Jones, S&P500 trên màn hình ti vi và báo chí luôn hiện lên từng ngày dòng chữ “hôm nay chỉ số thấp nhất trong vòng 52 tuần”. Nhiều cổ phiếu công nghệ chủ chốt trên sàn Nasdaq và tài chính trên S&P500 cũng tương tự. Nhìn vào đồ thị của Dow Jones, sau khi ngưỡng hỗ trợ 23.500 điểm bị gãy, là cả một khoảng trống mênh mông tới tận 18.000 điểm.
Trước giờ mở cửa của phiên giao dịch rút ngắn trước Giáng sinh, Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã họp khẩn với chủ tịch của sáu tập đoàn tài chính hùng mạnh nhất nước Mỹ. Cả sáu vị đều khẳng định thanh khoản và việc cho vay của họ không có vấn đề gì. Kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng đủ mạnh. Dẫu vậy, thông tin này cũng không “cứu vãn” được thị trường chứng khoán, các chỉ số của chứng khoán Mỹ vẫn rơi.
Giờ thì giới đầu tư toàn cầu đã gần như nhất loạt đồng ý rằng con gấu đang gầm vang. Thị trường gấu không chỉ vì các chỉ số chứng khoán Mỹ đã rớt hơn 20% so với mức đỉnh thiết lập được, mà còn bởi các tin tức tốt về kinh tế cũng không đủ sức chặn đà bán tháo cổ phiếu. Lúc này những kịch bản lạc quan, những thông tin tích cực dường như bị lãng quên.
Đã thế Tổng thống Mỹ Donald Trump còn tiếp tục chỉ trích Chủ tịch Fed ông Jerome Powell và muốn thay thế ông này. Đây là “đòn” đánh vào tâm lý nhà đầu tư nặng nhất. Trong lịch sử, chưa có Tổng thống Mỹ nào thay thế chủ tịch Fed giữa chừng để phản đối chính sách điều hành tiền tệ của Fed cả. Fed là cơ quan độc lập, hành động vì nền kinh tế và đảm bảo thị trường lao động, tức tỷ lệ thất nghiệp đi đúng quỹ đạo. Hiện tại tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ xuống thấp kỷ lục, đến mức người ta phải dùng cụm từ “too tight” (quá chặt) để chỉ việc tuyển dụng và mức lương tối thiểu gia tăng, trong khi đó lạm phát đang có dấu hiệu đi lên. Ông Powell có lẽ đã rút kinh nghiệm từ các đợt nới lỏng chính sách tiền tệ kéo dài dưới thời các chủ tịch tiền nhiệm của Fed Alan Greenspan và Ben Bernanke, nên ông đã tăng lãi suất liên tục.
Cho dù Fed có hành động thế nào, giới tài chính, và đầu tư vẫn tin tưởng vào Fed. Nên khi tổng thống muốn can thiệp vào Fed, thị trường đã phản ứng dữ dội. Giới tài phiệt tài chính vốn dĩ là những người “kiêu ngạo” (arrogant). Họ tự cho là người điều khiển hệ thống tài chính, không phải các chính trị gia.
Khi chứng khoán toàn cầu bước vào thị trường gấu, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải nhìn nhận lại khoản đầu tư của họ. Các quỹ chuyên đầu tư vào Việt Nam có bị rút vốn hay không phụ thuộc vào nhà đầu tư bên ngoài. Các tài sản rủi ro (cổ phiếu) ở các thị trường phát triển đang trở nên ngày càng rẻ, thì dòng vốn nhiều khả năng sẽ tiếp tục bị rút ra khỏi các thị trường mới nổi và cận biên. VN-Index năm nay có thể giảm 9-10% so với năm ngoái, cộng thêm đồng Việt Nam giảm giá 3% so với đô la Mỹ, tính ra NAV của các quỹ ngoại đang âm 12-13%. Sẽ tốt hơn nếu họ đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ để hưởng 3%/năm mà không phải lao tâm khổ tứ. Hay đơn giản là giữ tiền mặt và gửi vào ngân hàng.
Hiện khối ngoại sở hữu khoảng 23% giá trị thị trường chứng khoán Việt với danh mục đầu tư tập trung vào các blue-chips. Nếu họ bán ra, các blue-chips sẽ bị ảnh hưởng trước tiên. HPG là một thí dụ. Cổ phiếu Hòa Phát đang giao động quanh ngưỡng 30.000 đồng sau khi điều chỉnh từ đỉnh 46.000 đồng, tức giảm 35%, rơi vào thị trường gấu. Sau HSG, đến lượt HPG đặt mục tiêu thị phần lên hàng đầu trong cạnh tranh. Đặt mục tiêu thị phần là đúng. Nhưng giành thị phần ở thời điểm nào và trong điều kiện sức lực tài chính cùng với tình hình nội tại ra sao, lại là câu chuyện khác. Bài học của HAG, của HVG vẫn chưa mất đi tính thời sự.
Nhìn theo chu kỳ, quí 1 thường là thời điểm phục hồi và tăng trưởng của chứng khoán nhờ mùa công bố kết quả kinh doanh quí 4 và cả năm. Sau Giáng sinh, nhà đầu tư bắt đầu tìm kiếm thông tin rò rỉ về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Sẽ vẫn có những cổ phiếu tăng giá bất chấp thị trường chung bất lợi. Đó là những cổ phiếu chiến thắng thị trường. Trên cả ba sàn hiện có ít nhất 50 cổ phiếu như thế.
Hải Lý