Vietstock - Giải quyết dứt điểm vụ Thủ Thiêm
Thủ tướng đã yêu cầu phải xong kết luận thanh tra trước ngày 15-7; còn Bí thư Thành ủy TP HCM khẳng định sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, sẽ gặp người dân Thủ Thiêm
Liên quan đến vụ khiếu kiện đất đai kéo dài ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT - quận 2, TP HCM), trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội (QH) chiều 29-5, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết sau khi kỳ họp thứ 5 QH khóa XIV kết thúc, ông sẽ gặp người dân Thủ Thiêm. "Tôi đã hứa với bà con rồi" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói.
Phải nhìn thẳng sự thật
Cũng theo Bí thư Thành ủy TP HCM, hiện việc thanh tra đất đai tại Thủ Thiêm đang được Thanh tra Chính phủ chủ trì và chưa công bố kết luận. "Thủ tướng đã yêu cầu phải xong trước ngày 15-7 nhưng tinh thần càng xong sớm càng tốt" - ông Nhân nhấn mạnh và khẳng định việc nào sai thì phải sửa.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, UBND TP bàn về việc xử lý khiếu nại, tố cáo của người dân tại dự án KĐTMTT. Kết luận, Thủ tướng nhấn mạnh phải giải quyết đúng chính sách pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải nhìn thẳng sự thật, việc gì đúng thì tiếp tục giải thích, thuyết phục; việc gì sai thì cương quyết sửa chữa, tất cả vì mục tiêu phát triển của thành phố, vì cuộc sống của người dân. Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo quá trình giải quyết phải kiểm tra, làm rõ các tình tiết vụ việc, tổ chức đối thoại công khai, lắng nghe ý kiến của người dân, trao đổi thống nhất, tạo đồng thuận về hướng giải quyết. Nếu người dân khiếu nại gặp khó khăn thì cần xem xét vận dụng chính sách xã hội để có biện pháp hỗ trợ phù hợp.
Ý kiến cử tri đã đến Quốc hội
Ở một diễn biến khác, Đoàn Đại biểu (ĐB) QH TP HCM vừa có văn bản gửi Ban Dân nguyện QH liên quan tới dự án KĐTMTT. Đoàn ĐBQH TP cho biết cử tri đề nghị làm rõ các vấn đề liên quan tới cơ sở pháp lý để thành phố thực hiện quy hoạch, thu hồi nhà đất, tiến hành dự án KĐTMTT.
Cử tri cho rằng Quyết định 367/1996 phê duyệt quy hoạch xây dựng gồm các nội dung: KĐTMTT có diện tích 930 ha, trong đó khu đô thị rộng 770 ha, khu tái định cư 160 ha và Quyết định 637 của Thủ tướng cũng phân rõ khu vực trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm và khu tái định cư (rộng 160 ha) liền kề nhau. Nhưng sau đó, quá trình thực hiện đã không như quy hoạch ban đầu khi thành phố lấy thêm đất của dân ngoài ranh giới để nhập vào khu trung tâm đô thị. Phần đất tái định cư cho người dân lại bố trí rải rác nhiều nơi.
"Nhiều cử tri cho rằng nhà, đất của họ nằm ngoài ranh giới quy hoạch KĐTMTT nhưng vẫn bị cưỡng chế. UBND quận 2 không ban hành quyết định thu hồi đất đến từng hộ dân mà chỉ căn cứ vào quyết định của UBND TP để thu hồi là không đúng pháp luật nên người dân khiếu nại từ nhiều năm nay" - báo cáo nêu.
Những khúc mắc khi triển khai thực hiện dự án KĐTMTT đang được Chính phủ và chính quyền TP HCM ra sức giải quyết dứt điểm. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
|
Do đó, cử tri đề nghị làm rõ việc UBND TP điều chỉnh quy hoạch KĐTMTT bằng Quyết định 6565 ngày 27-12-2005 có đúng quy định không? Theo họ, Quyết định 6565 năm 2005 của UBND TP không thể thay thế Quyết định 367 của Thủ tướng, vì quyết định của Thủ tướng chỉ được điều chỉnh bằng một quyết định khác sau đó của Thủ tướng.
Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH TP cũng cho biết cử tri phản ánh trong quá trình triển khai dự án có nhiều việc thực hiện không đúng quy định pháp luật. Cụ thể, nhiều ý kiến phản ánh chính sách, cơ sở để tiến hành kiểm điểm, lập hồ sơ giải tỏa, đền bù trong nhiều trường hợp chưa đúng quy định pháp luật, chưa chính xác, lập hồ sơ thiếu… Một số cử tri cho biết không nhận được quyết định cưỡng chế, không được mời làm việc, chính quyền không lập hồ sơ di dời, gia đình chưa ký các văn bản liên quan… nhưng vẫn bị cưỡng chế giải tỏa.
Chưa hết, cử tri cho rằng các chính sách đền bù, giải tỏa tái định cư còn nhiều bất cập, giá bồi thường cho người dân quá thấp. Có cử tri phản ánh khi giải tỏa chỉ được nhận đền bù 94 triệu đồng, phải đóng thêm 800 triệu đồng mới được mua một căn chung cư tái định cư, người dân không đủ tiền nên rất khó khăn. Đề nghị phải xem lại đơn giá bồi thường cho những người dân bị ảnh hưởng.
Đặc biệt, cử tri phản ánh thông tin và đề nghị làm rõ việc 4 con đường chưa đến 12 km trong khu đô thị giá rất cao, hơn 12.000 tỉ đồng, thanh toán bằng quỹ đất có giá trị rất lớn.
Nhà tôi không nằm trong ranh quy hoạch nên phải cho tái định cư tại chỗ. Nếu không sớm giải quyết, nhà tôi có chuyện gì thì chính quyền phải chịu trách nhiệm" - cử tri Lê Thị Hồng Vân (phường An Khánh, quận 2, TP HCM) cho biết vì nhà bà xuống cấp nhưng không thể sửa chữa. |
UBND TP HCM báo cáo gì với Chính phủ về Thủ Thiêm? UBND TP HCM vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài tại KĐTMTT. Theo UBND TP, đây là vụ việc nổi cộm, công dân thường xuyên ra Hà Nội tập trung khiếu nại, tố cáo đông người tại trụ sở các cơ quan trung ương và nhà riêng của một số cán bộ lãnh đạo trung ương. Nội dung khiếu nại chủ yếu là xác định ranh quy hoạch; thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cưỡng chế. Từ năm 2009 đến 2017, TP và trung ương đã tiếp 12 cuộc. UBND TP cho biết chủ tịch UBND TP đã ban hành Kế hoạch 176 ngày 28-2-2018, chỉ đạo các đơn vị giải quyết khiếu nại, tố cáo của một số hộ dân tại KĐTMTT. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo TP, giữa tháng 3-2018, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã báo cáo UBND TP, xác định phần đất 4,3 ha thuộc khu phố 1, phường Bình An thuộc ranh quy hoạch KĐTMTT. Tuy nhiên, sở chưa đề xuất được biện pháp giải quyết do các thành viên tổ công tác liên ngành chưa có ý kiến phúc đáp. Còn giám đốc Sở Xây dựng trong tháng 2-2018 cũng báo cáo UBND TP về kết quả rà soát, kiểm tra cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục và hiện trạng đối với các dự án trên phần diện tích 160 ha đất tái định cư tại các phường Thạnh Mỹ Lợi, Cát Lái, An Phú và một phần phường Bình Khánh. |
4 tuyến đường nội khu: Dang dở! Theo quy hoạch, 4 tuyến đường chính của KĐTMTT bao gồm: R1 (đại lộ vòng cung), R2 (đường ven hồ trung tâm), R3 (đường ven sông Sài Gòn) và R4 (đường châu thổ trên cao). Tổng chiều dài của 4 tuyến đường này là 11,9 km với tổng mức đầu tư được duyệt là hơn 12.000 tỉ đồng do Công ty CP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh thực hiện theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Trên 4 tuyến đường này cũng có 10 cây cầu ngắn bắc qua các kênh rạch nội khu với tổng chiều dài khoảng 1,8 km.
Khi quy hoạch, TP xác định đây là 4 tuyến đường huyết mạch kết nối các khu chức năng trong KĐTMTT và đường Mai Chí Thọ. Đồng thời, các tuyến đường này cũng sẽ kết nối với quận 4 và quận 7 khi các cây cầu Thủ Thiêm 3 và Thủ Thiêm 4 được xây dựng. Tháng 2-2014, nhà đầu tư khởi công xây dựng 4 tuyến đường này với thời gian thi công dự kiến 36 tháng. Mặc dù vậy, đã trễ hẹn hơn 1 năm nhưng các tuyến đường này vẫn chưa thông suốt. Những ngày này, quay lại 4 tuyến đường trên, chúng tôi ghi nhận còn khá nhiều đoạn vẫn dang dở. Tuyến đường chính đại lộ vòng cung vẫn còn nhiều đoạn chưa thi công, bề mặt chỉ là đất cát và các vũng nước đọng lại sau cơn mưa. Ở cầu số 3 nối đại lộ vòng cung với đường Trần Não thì đã ngưng thi công nhiều tháng qua. Trong khi đó, đại lộ ven sông đoạn từ hầm sông Sài Gòn đến cầu Thủ Thiêm 2 mới thi công phần thô, mặt đường đầy đá dăm. Cầu số 8 nối đường ven hồ trung tâm với đường Trần Não cũng dừng thi công từ lâu, sắt thép xỉn màu hoen gỉ. Trái lại, tuyến đường Nguyễn Cơ Thạch khá nhiều phương tiện lưu thông bởi vì cắt ngang khu đô thị Sala của Tập đoàn Đại Quang Minh. Ở khu đô thị này, hai bên đường, các căn nhà liên kế thẳng tắp, phía trước có cây xanh rợp bóng mát. Cùng với đó là một số chung cư thấp tầng với điểm nhấn nhìn xuống công viên và hồ nước… Ngoài những khu đô thị hoành tráng với nhà ở và chung cư thì KĐTMTT sau cả chục năm thực hiện vẫn chưa thấy bóng dáng của một công trình mang dáng dấp trung tâm tài chính, thương mại như mục tiêu đặt ra.
|
THẾ DŨNG - PHAN ANH - SỸ ĐÔNG