Vietstock - Giá trị pháp lý bản đồ 1/2.000 của Thủ Thiêm rất cao!
Đó là khẳng định của nguyên Kiến trúc sư trưởng TP HCM Lê Văn Năm - người chủ trì lập quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm
Phóng viên: Thưa ông, đầu những năm 1990, kinh tế khó khăn nhưng lãnh đạo TP HCM vẫn muốn phát triển Thủ Thiêm thành khu đô thị trung tâm mở rộng. Thủ Thiêm ngày đó có những lợi thế gì?
- Kiến trúc sư Lê Văn Năm: Có lần, tôi đi thực địa bằng trực thăng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó sau khi quan sát Thủ Thiêm từ trên cao đã có ý tưởng biến nơi đây là bàn đạp để phát triển các quận - huyện khác của TP và kết nối vùng Đông Nam Bộ. Một mục tiêu khác mà lãnh đạo Chính phủ hướng đến là làm sao kết nối vùng Đông Bắc với phía Nam TP để phát triển quận 7 mà điển hình là Phú Mỹ Hưng.
Ngồi bên cạnh Thủ tướng, khi nhìn xuống Thủ Thiêm, Thủ tướng nói một ý mà tôi rất thấm thía. Đó là TP mình sẽ còn phát triển nhiều lần, mảnh đất Thủ Thiêm rất quý giá, đây sẽ là một phần của trung tâm TP mở rộng. Từ đây, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ được kết nối mà TP là trung tâm và Thủ Thiêm sẽ đóng vai trò quan trọng.
Ngoài việc đi trực thăng với Thủ tướng để có cái nhìn bao quát, chúng tôi còn phải đi thực địa bằng xuồng ghe, xe đến với bà con Thủ Thiêm để nắm thêm tình hình. Nhờ công tác thực địa khá kỹ lưỡng nên chúng tôi đã làm được bản đồ quy hoạch chung 1/5.000 khá hoàn chỉnh để trình TP.
. Quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT) ngày ấy được làm dựa trên cơ sở nào?
- Khi lục lại hồ sơ ở Viện Quy hoạch TP, chúng tôi thấy chính quyền Sài Gòn đã có một số đồ án nghiên cứu quy hoạch chung và quy hoạch khu Thủ Thiêm của các công ty nước ngoài. Cầm trên tay những tư liệu này, chúng tôi nhận thấy chính quyền Sài Gòn đã muốn phát triển Thủ Thiêm chứ không phải là cái gì mới mà chúng ta nghĩ ra sau này.
Chỉ có điều, sau giải phóng thì chúng ta đưa tầm TP phát triển lớn hơn trước đây. Điểm xuất phát của chúng tôi là đồ án Thủ Thiêm năm 1972 và sau đó lãnh đạo TP yêu cầu tiếp tục nghiên cứu đồ án này và đề xuất những ý tưởng mới cho Thủ Thiêm. Rồi đến gần đây, TP cho phép tổ chức cuộc thi quốc tế, mời những người kinh nghiệm về quy hoạch đề xuất nên làm Thủ Thiêm như thế nào. Sự hình thành Thủ Thiêm như ngày hôm nay là một phần từ các nghiên cứu, đề xuất đó.
Với diện tích giải tỏa đạt hơn 99%, khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện đã nên hình nên dáng. Ảnh: TẤN THẠNH
|
. Việc trình quy hoạch chung KĐTMTT ngày ấy được thực hiện ra sao?
- Tôi nghĩ trình tự quy hoạch thì không có gì phức tạp. Trong hồ sơ TP HCM trình Chính phủ thì có bản đồ quy hoạch 1/5.000 để Thủ tướng Chính phủ thấy được tổng thể sự phát triển của khu đô thị này trong tương lai sẽ như thế nào. Trên cơ sở đó, Thủ tướng mới phê duyệt đồ án quy hoạch này. Còn lúc Văn phòng Chính phủ chuyển phê duyệt quy hoạch về TP có kèm theo bản đồ 1/5.000 hay không thì tôi không rõ.
. Sự phát triển của Thủ Thiêm hiện nay dựa trên quy hoạch phân khu 1/2.000. Vậy theo ông, quy hoạch 1/2.000 có thể thay thế được cho quy hoạch 1/5.000 hay không?
- Thứ nhất, bản đồ quy hoạch 1/5.000 của KĐTMTT là một cơ sở pháp lý. Nếu chúng ta cố gắng sưu tầm được thì đó là một điều rất tốt, sẽ là lời giải cho những khiếu kiện của người dân. Còn vì sao thất lạc thì hiện giờ đang tìm kiếm. Bản đồ 1/5.000 có tính pháp lý nhưng đó mới chỉ là quy hoạch chung, có tính định hướng phát triển.
Thứ hai, Bộ Xây dựng có ý kiến về quy hoạch KĐTMTT trong đó nhấn mạnh quy hoạch 1/2.000 là bản đồ chi tiết hóa quy hoạch chung để từ đó đi vào các quy hoạch chi tiết hơn như 1/500 khi xây dựng. Tôi cho rằng tính pháp lý của quy hoạch 1/2.000 rất cao, đó mới là cơ sở để phát triển Thủ Thiêm như hiện nay. Vì vậy, theo tôi, vẫn phải tìm kiếm 1/5.000 nhưng đồng thời cũng phải kiểm tra kỹ lưỡng bản đồ 1/2.000 trong quá trình thi công dự án KĐTMTT, khi đó tính pháp lý càng vững chắc. Khi thực thi theo quy hoạch 1/2.000, Ban Quản lý KĐTMTT có thể đã điều chỉnh chút ít gì đó cho phù hợp với sự phát triển của Thủ Thiêm và tầm vóc của TP.
. Người dân Thủ Thiêm đang đề cập tấm bản đồ 1/5.000 để nói nhà mình ngoài ranh quy hoạch. Theo ông, cách nào để gỡ nút thắt cho vấn đề này?- Những yêu cầu, đề xuất của bà con thì Ban Quản lý KĐTMTT nắm rất vững bởi đây là chuyện thiết thực của bà con. Do đó, TP phải tìm hiểu xem bà con lấy bản đồ đó từ đâu để tìm được tấm bản đồ này và xác minh tính pháp lý của nó. Chúng ta tôn trọng những ý kiến của bà con nhưng cũng phải cân nhắc, suy xét kỹ lưỡng vì sao bà con thắc mắc và nguồn bản đồ đó từ đâu. Tôi nghĩ bản đồ này phải được lưu giữ bởi các cơ quan quản lý nhà nước.
"Hỗ trợ giá" chứ không phải "bồi thường" . Đoàn ĐBQH TP HCM giám sát riêng về Thủ Thiêm Ngày 4-8-2009, Văn phòng UBND TP HCM đã phát đi một thông báo nội dung kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trung Tín tại hội nghị tiếp xúc, đối thoại với đại diện nhân dân 5 phường (Thủ Thiêm, An Lợi Đông, Bình An, Bình Khánh và An Khánh) về liên quan chủ trương, quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư KĐTMTT, quận 2. Liên quan đến việc UBND TP sử dụng từ "hỗ trợ giá" mà không sử dụng từ "bồi thường" theo Luật Đất đai năm 2003, Nghị định số 197/2004/NĐ-CP và Nghị định số 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ, theo UBND TP là căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư KĐTMTT là Quyết định thu hồi đất số 1997 ngày 10-5-2002 của UBND TP (căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 190) và quy định tại Nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24-4-1998 của Chính phủ (theo Luật Đất đai năm 1993) và được cụ thể hóa tại Quyết định số 135 ngày 21-11-2002 và Quyết định sửa đổi, bổ sung số 123 ngày 16-8-2006 của UBND TP nên UBND không thể áp dụng quy định của Luật Đất đai năm 2003 (theo nguyên tắc luật bất hồi tố). Do đây công trình có quy mô lớn, thời gian triển khai kéo dài, quá trình thực hiện có nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn, bao gồm việc thị trường bất động sản có nhiều biến động nên Thành ủy và UBND TP đã thống nhất chủ trương và chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ và tái định cư trong KĐTMTT với một cơ chế đặc biệt, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên cơ sở vận dụng tối đa chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định của nhà nước; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân bị ảnh hưởng. . Ngày 7-5, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP HCM Phan Nguyễn Như Khuê cho biết Đoàn ĐBQH TP sẽ tổ chức đoàn giám sát riêng về dự án KĐTMTT. Theo ông Khuê, hiện đang tổng hợp để xin ý kiến Bí thư Thành ủy kiêm Trưởng Đoàn ĐBQH TP Nguyễn Thiện Nhân. Nội dung giám sát sẽ làm rõ tính pháp lý của dự án từ Quyết định 367 của Thủ tướng dẫn đến các văn bản pháp lý để UBND TP HCM triển khai những nội dung liên quan việc giải tỏa đền bù, mời gọi đầu tư; phân khu chức năng của dự án… Đoàn sẽ mời chuyên gia độc lập bên ngoài để đánh giá, giám sát dự án và cũng sẽ làm rõ trách nhiệm tiếp dân, giải quyết khiếu nại thực hiện đúng pháp luật hay không. Sau đó, đoàn sẽ có đề xuất với cơ quan ban ngành, làm rõ trách nhiệm liên quan. Dự kiến việc giám sát sẽ được thực hiện sau kỳ họp thứ 5, QH khóa XIV. |
Cũng có thể xem là không có khái niệm bản đồ gốc Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP HCM, cho biết về quy trình phê duyệt quy hoạch KĐTMTT thì Kiến trúc sư trưởng TP (nay là Sở Quy hoạch - Kiến trúc) sẽ trình UBND TP. Sau đó, UBND TP trình Bộ Xây dựng và Thủ tướng Chính phủ để phê duyệt. Như vậy, ít nhất có 3 nơi này sẽ lưu giữ bản đồ quy hoạch KĐTMTT lúc chưa được phê duyệt và sau khi phê duyệt. Sau khi được Chính phủ phê duyệt quy hoạch thì Chính phủ gửi ban hành cho Bộ Xây dựng và UBND TP là đơn vị trình và thẩm định quy hoạch chính thức. Vì vậy, phải xem lại quyết định phê duyệt của Thủ tướng có gửi kèm bản đồ hay không hay chỉ gửi mỗi quyết định phê duyệt quy hoạch? Theo kiến trúc sư Lưu, Thủ tướng chỉ ký vào quyết định phê duyệt quy hoạch chứ không ký vào bản đồ, mà bản đồ chỉ đi kèm quyết định. Do đó, cũng có thể xem là không có khái niệm bản đồ gốc có ký phê duyệt của Thủ tướng trên bản đồ. |
SỸ ĐÔNG - PHAN ANH