Investing.com -- CTCP Chứng khoán FPT (HM:FPT) (FPTS) (HM:FTS) vừa công bố quyết định của HĐQT về việc vay vốn ngân hàng TMCP Á Châu và việc cầm cố thế chấp tài sản để vay vốn.
HĐQT FPTS thông qua việc vay vốn tại ACB (HM:ACB) với tổng hạn mức vay ngắn hạn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, hạn mức vay vốn tín chấp là 500 tỷ đồng, hạn mức vay vốn có tài sản đảm bảo là 500 tỷ đồng.
Thời hạn vay tối đa của mỗi khế ước nhận nợ là 6 tháng; riêng với mục đích bổ sung vốn cho hoạt động vay ký quý, thời hạn vay tối đa của mỗi khế ước nhận nợ là 3 tháng. Lãi suất cho vay được xác định tại thời điểm giải ngân.
Mục đích vay vốn nhằm chi trả chi phí vận hành; hoàn vốn cho các giao dịch mua/đầu tư trái phiếu Chính phủ; mua trái phiếu do các tổ chức tín dụng phát hành; và bổ sung vốn cho hoạt động cho vay ký quỹ (margin).
Tài sản đảm bảo là hợp đồng tiền gửi tại ACB, hợp đồng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác, giấy tờ có giá và trái phiếu Chính phủ.
Trước đó, vào ngày 19.9.2024, HĐQT FPTS cũng thông qua việc vay vốn tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HM:VIB), tổng hạn mức vay vốn ngắn hạn là 1.650 tỷ đồng, với 650 tỷ đồng là vay tín chấp và 1.000 tỷ đồng vay có tài sản đảm bảo.
Trong số các công ty chứng khoán top đầu trên thị trường, FPTS nằm trong số ít những doanh nghiệp không có kế hoạch huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ hay cho cổ đông hiện hữu trong năm 2024.
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên vào hạ tuần tháng 3.2024, ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch HĐQT FPTS cho biết dù nguồn vốn lớn là một trong những lợi thế của các công ty chứng khoán khi cho vay margin, tăng vốn sẽ có một số rủi ro nhất định, tạo sức ép cho việc kinh doanh.
"FPTS đã cân nhắc nhiều yếu tố, nhận thấy việc sử dụng nguồn lợi nhuận giữ lại sau chia cổ tức để tăng vốn ở mức vừa phải là phương án tối ưu nhất, kết hợp cùng nguồn vốn vay để mang lại lợi ích tốt nhất cho cổ đông," ông Nguyễn Văn Dũng chia sẻ tại đại hội.
Tính đến cuối quý 3/2024, nợ vay tài chính của FPTS đạt 4.343 tỷ đồng, tương đương 92% cơ cấu nợ phải trả, 50% cơ cấu nguồn vốn của FPTS, toàn bộ đều là vay ngắn hạn. Trong đó, công ty vay VIB 650 tỷ đồng, ACB 300 tỷ đồng, Techcombank (HM:TCB) 355 tỷ đồng, VietinBank 630 tỷ đồng, VPBank (HM:VPB) 600 tỷ đồng, MSB 500 tỷ đồng.