Vietstock - Dựng sổ sẽ giúp tỷ lệ đấu giá thành công cao hơn và cổ phiếu ổn định
Việc định giá cổ phiếu với giá khởi điểm quá cao như hiện nay khiến nhiều nhà đầu tư tham gia đấu thầu nghi ngờ và trong nhiều trường hợp, số lượng cổ phiếu đăng ký không đạt số lượng cổ phiếu bán ra. Nguyên nhân có thể do quá trình thẩm định hoặc định giá cổ phiếu chưa chính xác... Tuy nhiên phương pháp dựng sổ sẽ khắc phục được tình trạng này.
Ngày 09/3/2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phối hợp với Công ty Chứng khoán SMBC Nikko và CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI) tổ chức Hội thảo về phương pháp dựng sổ.
Trong thời gian vừa qua, thực hiện chủ trương của Nhà nước, Chính phủ về việc đẩy mạnh các hoạt động về cổ phần hóa các Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và thoái vốn Nhà nước, UBCKNN đã phối hợp chặt chẽ với Cục Tài chính Doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính để rà soát, sửa đổi các văn bản pháp quy điều chỉnh các hoạt động này. Theo đó, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ra đời, quy định ngoài các phương thức về đấu giá công khai, bảo lãnh phát hành và thỏa thuận trực tiếp như trước đây, bổ sung phương thức mới là dựng sổ.
Theo ông Sakakibara - chuyên gia tư vấn JICA, việc định giá cổ phiếu với giá khởi điểm quá cao như hiện nay khiến nhiều nhà đầu tư tham gia đấu thầu nghi ngờ và trong nhiều trường hợp, số lượng cổ phiếu đăng ký không đạt số lượng cổ phiếu bán ra. Nguyên nhân có thể do quá trình thẩm định hoặc định giá cổ phiếu chưa chính xác. Kết quả là công ty có thể được bán với giá cao, nhưng mặt khác, cũng có thể dẫn đến việc không bán được lượng lớn cổ phiếu với giá mong muốn và việc đấu giá không theo lộ trình, từ đó dẫn tới tình trạng phá sản của doanh nghiệp. Phương pháp dựng sổ sẽ khắc phục được tình trạng này.
Trình bày về phương pháp này, ông Oshio - CEO của SMBC Nikko tại Singapore, đã hướng dẫn rất chi tiết về quy trình dựng sổ, từ khâu bắt đầu là roadshow trước IPO, xây dựng Báo cáo tiền thương vụ tới khâu cuối cùng là Niêm yết trên SGDCK. Ông đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng về việc tìm hiểu nhu cầu thị trường (tập hợp cầu) trước khi đề xuất khoảng giá dự kiến. Ông cũng chỉ rõ vai trò thiết yếu của Tổ chức bảo lãnh phát hành chính (Book runners) trong việc xây dựng Hồ sơ Tổ chức phát hành (Equity Story), bởi trên cơ sở một bộ Hồ sơ Tổ chức phát hành tốt, cầu đối với đợt IPO có thể tăng lên nhiều và từ đó, khoảng giá hẹp được đưa ra, phản ánh đúng giá trị của công ty. Trên cơ sở đó, giá chào bán sẽ được quyết định và do vậy, tỷ lệ thành công của đợt chào bán sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, giá của cổ phiếu sau khi được niêm yết sẽ vẫn được giữ ở tình trạng ổn định.
Trên cơ sở các kiến thức được trao đổi tại Hội thảo, dự kiến Thông tư hướng dẫn về Phương pháp dựng sổ sẽ được ra đời trong thời gian gần.
Thái Hương