Chuyển động dòng tiền 29/10-02/11
Vietstock - Dòng tiền ưu tiên cổ phiếu đầu cơ
Tuần giao dịch 29/10 – 02/11, khi thị trường hồi phục trở lại, nhà đầu tư xu hướng tập trung giải ngân nhiều vào các cổ phiếu đầu cơ thị giá vừa và nhỏ.
Sau mỗi chuỗi giảm điểm dài, thị trường cuối cùng cũng tìm được nhịp hồi phục vào cuối tuần giao dịch 29/10 tới 02/11. Theo đó, VN-Index tăng 2.67% so với đầu tuần lên 924.86 điểm, HNX-Index tăng gần 4% lên 105.75 điểm.
Vận động của dòng tiền trên HOSE có chuyển biến tích cực khi khối lượng giao dịch bình quân trong tuần đạt hơn 178.6 triệu đơn vị/phiên, tăng hơn 7.6% so với tuần trước. Tuy vậy, giá trị giao dịch bình quân lai giảm hơn 10% so với cùng kỳ về mức hơn 4,753 tỷ đồng/phiên. Cho thấy dòng tiền đang có xu hướng tập trung nhiều vào nhóm có thị giá vừa và nhỏ nhiều hơn.
Nhìn vào top 20 mã có khối lượng giao dịch bình quân tăng mạnh trong tuần thì luận điểm này lại càng rõ ràng hơn. Ngoại trừ, VHM, VIC ra thì hầu hết các mã còn lại đều có thị giá từ 30,000 đồng/cp trở xuống.
Trong đó, JVC ghi nhận thanh khoản tăng mạnh nhất với tỷ lệ tưng tới hơn 581% so với tuần trước. Khối lượng giao dịch bình quân của mã này trong tuần đạt hơn 833,600 đơn vị/phiên. Giá cổ phiếu JVC cũng tăng tới hơn 25% trong tuần qua lên mức 3,280 đồng/cp với 4 phiên tăng trần liên tiếp đầu tuần. Phải chăng sóng ở JVC đã bắt đầu nổi lên?
Xếp thứ hai về mức tăng thanh khoản và OGC với khối lượng giao dịch bình quân tăng tới gần 385% so với tuần trước lên hơn 8.8 triệu đơn vị/phiên. Giá OGC cũng tăng hơn 8% trong tuần qua mặc dù OGC vẫn đang vướng vào vụ lùm xùm liên quan tới các thành viên HĐQT của Công ty.
Gần như mất thanh khoản trong 2 phiên đầu tuần, cuối cùng dòng tiền bắt đáy đã chịu trở lại với TTF kéo khối lượng giao dịch bình quân của mã này tăng hơn 111% so với tuần trước lên hơn 3.1 triệu đơn vị/phiên.
Dòng tiền bắt đáy cũng xuất hiện ở các cổ phiếu ngành thép như NKG, HSG.
Bên cạnh thị giá vừa và nhỏ, các cổ phiếu kể trên còn 1 điểm chung nữa là đều thuộc nhóm đầu cơ.
Song song đó, nhóm bất động sản lại dẫn đầu về thanh khoản giảm. Xếp đầu bảng là TGG với khối lượng giao dịch bình quân giảm tới 85% so với tuần trước. Ngoài ra, các mã DIG, NVL, VPI, PPC, HQC đều ghi nhận thanh khoản giảm mạnh so với tuần trước.
Top 20 cổ phiếu tăng/giảm thanh khoản mạnh nhất trên HOSE
|
Trong khi đó, thanh khoản trên HNX lại tiếp bị sụt đáng kể, dù cho chỉ số tăng điểm. Khối lượng giao dịch bình quân trên sàn này đạt hơn 36.7 triệu đơn vị/phiên, giảm tới gần 20% so với tuần trước. Trong khi đó, giá trị giao dịch bình quân giảm gần 9% về 498.7 tỷ đồng.
Thanh khoản chỉ thật sự tăng đột biến ở hai mã ITQ và DS3. Trong đó khối lượng giao dịch bình quân của hai mã này tăng lần lượt hơn 175% lên 285,700 đơn vị/phiên và 105.5% lên 251,200 đơn vị/phiên. Tuy nhiên, giá 2 cổ phiếu này đều giảm mạnh trong tuần qua.
Xét về số tuyệt đối, ACB đang là mã có khối lượng giao dịch bình quân lớn nhất HNX với gần 4 triệu đơn vị được giao dịch mỗi phiên trong tuần qua.
Mặt khác, số cổ phiếu có thanh khoản giảm điểm lại áp đảo trên sàn này. Giảm thanh khoản mạnh nhất là ACM với khối lượng giao dịch bình quân giảm 71% so với tuần trước về hơn 113,300 đơn vị/phiên. Thanh khoản của nhóm dầu khí trên sàn cũng sụt giảm so với kỳ trước. Trong đó, PVX là mã ghi giảm mức sụt lớn nhất. Nhóm tài chính – ngân hàng cũng ghi nhận nhiều mã có thanh khoản giảm mạnh như SHS (HN:SHS), SHB (HN:SHB), ART, MBS.
Những cổ phiếu tăng/giảm thanh khoản mạnh nhất trên HNX
|
* Danh sách các mã tăng, giảm thanh khoản nhiều nhất xét đến khối lượng giao dịch bình quân trên 100,000 đơn vị/phiên.
Chí Kiên