Chuyển động dòng tiền tuần 07-11/08:
Vietstock - Dòng tiền tăng mạnh ở nhóm cổ phiếu nóng
Trong bối cảnh thị trường suy giảm, nhóm cổ phiếu cơ bản thường được khuyến khích mua vào vì ưu thế phòng thủ tốt. Thế nhưng trong tuần giao dịch qua (07-11/08), dòng tiền lại tăng trưởng khá mạnh ở nhóm cổ phiếu đầu cơ.
Cụ thể, hai chỉ số chính trên sàn đã suy giảm đáng kể với VN-Index kết thúc tuần giảm 2.10% đứng tại 772.08 điểm; trong khi HNX-Index đóng cửa tuần giảm 0.11% đang dừng ở 100.86 điểm.
Song, hoạt động bắt đáy cũng đã diễn ra khá mạnh mẽ, cho nên dù giảm giá thi thanh khoản trên cả hai sàn tăng trưởng. Theo đó, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 210.3 triệu đơn vị/phiên tăng 23.22% so với tuần giao dịch trước; trong khi trên sàn HNX đạt 74 triệu cổ phiếu/phiên tăng 4.21%. Mức tăng trưởng của thanh khoản chủ yếu đến từ sự gia tăng đột biến của thanh khoản thị trường trong phiên giao dịch ngày 09/08.
Và trên hai sàn, nhóm cổ phiếu có dòng tiền tăng trưởng mạnh mẽ nhất chính là hàng đầu cơ. Trên HOSE, mã MCG dẫn đầu khi khối lượng giao dịch bình quân tăng hơn 550% so với tuần trước đó. Riêng trong phiên 09/08, mã này khớp hơn 2 triệu cp, mức cao nhất trong hơn 1 tháng qua. Về kết quả kinh doanh, MCG báo lãi quý 2 gần 5 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ nhưng con số này có được nhờ khoản hoàn nhập dự phòng đầu tư chứng khoán bởi doanh thu chính trong kỳ của CÔng ty suy giảm gần 80% so cùng kỳ.
Trường hợp của TSC thì thanh khoản tăng 246%, đạt gần 5.9 triệu cp/phiên và giá tăng gần 14%. Hỗ trợ đáng kể cho TSC tuần qua có lẽ nhờ kết quả quý 2/2017 có lãi gần 10 tỷ đồng, dù giảm nhẹ so cùng kỳ nhưng cũng chấm dứt chuỗi 3 quý lỗ liên tiếp trước đó.
Nói thêm giao dịch TSC, trước khi đóng cửa tuần trong giá sàn 6,950 đồng/cp ngày 11/08, mã này có 6 phiên kịch trần liên tục trước đó, riêng phiên 09/08, dù thị trường chung lao dốc thì TSC vẫn tăng trần với khối lượng giao dịch đạt gần 15 triệu cp.
Cũng không thể bỏ qua HAI, cổ phiếu mà trong hơn 1 tháng qua chỉ giao dịch trong 2 sắc thái: trần và sàn. 3 phiên giảm sàn cuối tuần qua kéo cổ phiếu HAI giảm gần 14% cho cả tuần nhưng bù lại khối lượng giao dịch đột biến gần 5.7 triệu cp/phiên, tăng trưởng 223% so tuần trước đó.
Trước phiên giao dịch ngày 09/08, HAI đã có 22 phiên ròng rã tăng trần để giá từ 5,560 đòng/cp lên mốc 22,500 đồng/cp. Cổ phiếu này rục rịch tăng sau khi đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên thông qua kế hoạch năm 2017 với doanh thu ở mức 1,615 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 105 tỷ đồng, dự kiến trả cổ tức tối thiểu 5%. Rồi sau khi tăng trần liên tục 12 phiên, thì Chủ tịch Doãn Văn Phương bất ngờ từ chức, thay vào đó, Phó Tổng Giám đốc CTCP Tập Đoàn FLC Trần Quang Huy sẽ tạm thời trở thành tân Chủ tịch của HAI.
Thống kê giao dịch của HAI từ 10/07
Ngoài những mã trên thì hàng loạt cổ phiếu nóng khác trên HOSE cũng để lại dấu ân khi nhà đầu tư mạnh tay gom hàng như KSH, QBS, ATG, HID, HQC, VOS, FIT…
Trên sàn HNX, dẫn đầu tăng trưởng thanh khoản là PV2 nhưng mức độ ấn tượng không thể sánh với KLF. Phiên 09/08, KLF khớp gần 26 triệu cp, ghi nhận mức cao nhất từ đầu năm 2017. Trung bình cả tuần thì khối lượng giao dịch bình quân KLF đạt gần 15 triệu cp/phiên, tăng 194% so với tuần trước đó.
Điều đáng nói là mã này vẫn hút mạnh dòng tiền bất chấp kết quả kinh doanh thiếu khởi sắc. Cụ thể, trong quý 2/2017, doanh thu thuần KLF đạt 351.5 tỷ đồng, tăng hơn 99% so cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất. Song, biên lãi gộp trong quý 2 của KLF chỉ đạt hơn 0.1%, trong khi cùng kỳ năm trước đạt 6%.
Hoạt động tài chính của KLF quý 2 có nhiều thay đổi so cùng kỳ khi doanh thu tăng đột biến hơn 16 tỷ đồng nhờ lãi tiền gửi và cho vay trong khi đó, chi phí tài chính ghi nhận âm 10 tỷ đồng. Chính nhờ hoạt động tài chính mà lãi ròng KLF mới đạt được gần 3 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, rất nhiều cổ phiếu lớn có dòng tiền giảm mạnh trong tuần qua, dẫn đầu là cổ phiếu ngân hàng NVB khi khối lượng giao dịch bình quân chỉ còn hơn 536,000 cp/phiên, giảm gần 82% so với tuần trước.
Trên sàn TPHCM, cổ phiếu EIB là đại diện nhóm ngành tài chính khi thanh khoản giảm 62%. Ngoài ra, còn nhiều ông lớn khác như HSG, NKG, MSN, HBC, STB, KBC,… đều giảm mạnh về dòng tiền.
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HOSE
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HNX