Chuyển động dòng tiền năm 2017
Vietstock - Dòng tiền hoạt động ra sao trong năm 2017?
Chưa năm nào trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam mà thanh khoản trung bình chạm mức cao như 2017. Song, dòng tiền không ưu ái cho tất cả mà chỉ tăng trưởng ở vài nhóm cổ phiếu nhất định, trong đó nhóm bất động sản hưởng lợi nhiều nhất.
Chứng khoán năm 2017 thực sự kịch tính cho đến tận phiên giao dịch cuối năm. Theo đó, sau 17 phiên giao dịch đầu năm 2017, VN-Index nhanh chóng chinh phục mốc 700 điểm trước khi lấy đó làm bàn đạp để chinh phục hàng loạt mốc cao mới. Và đến phiên giao dịch cuối năm (ngày 29/12), VN-Index vẫn chưa chịu “nghỉ lễ” khi tiếp tục bay xa để thiết lập mức cao nhất trong năm tại 990.10 điểm. Tính cả năm, VN-Index ghi nhận mức tăng 312 điểm, tương ứng 48%.
Tất nhiên, chỉ số sàn HNX cũng không kém cạnh khi tăng 45.47%, từ mốc 81.40 lên 116.86 điểm, khép lại một năm thành công ngoài mong đợi.
Để có được thành công này, ngoài thông tin hỗ trợ từ vĩ mô, nội lực doanh nghiêp… thì dòng tiền cũng đóng vai trò khá quan trọng. Dữ liệu thống kê của Vietstock cho thấy, tổng khối lượng giao dịch bình quân trên hai sàn trong năm 2017 đạt mức cao lịch sử. Trong đó, khối lượng giao dịch bình quân sàn HOSE đạt gần 192 triệu cp/phiên, tăng trưởng 49% so với năm 2016. Giá trị giao dịch bình quân tương ứng hơn 4,225 tỷ đồng, tăng 73% so với năm trước.
Khối lượng giao dịch trung bình sàn HOSE từ 2007-2017 (Đvt: Triệu cp)
Trên toàn sàn HOSE, có 166 cổ phiếu có dòng tiền tăng trưởng so với năm 2016 và 138 mã sụt giảm dòng tiền. Tuy nhiên, nếu xét trên nhóm cổ phiếu có khối lượng giao dịch bình quân trên 50,000 cp/phiên thì chỉ còn 88 mã tăng trưởng về thanh khoản. Cổ phiếu có mức tăng trưởng dòng tiền mạnh nhất trong năm 2017 trên sàn HOSE chính là DCM với khối lượng giao dịch bình quân gần 2 triệu cp/phiên, tăng 765% so với cùng kỳ năm 2016. Giá cổ phiếu DCM năm qua cũng đã tăng 40%.
Mặc dù nằm ngoài tác động của chính sách áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phân bón DAP và MAP được nhập khẩu vào Việt Nam, nhưng cổ phiếu DCM vẫn được nhà đầu tư mạnh tay giải ngân nhờ nội lực của đơn vị này. Cụ thể, đến thời điểm ngày 08/11/2017, dù chưa hết năm nhưng Nhà máy Đạm Cà Mau đã sản xuất 752.23 ngàn tấn urê quy đổi, ghi nhận năm thứ 6 liên tiếp hoàn thành chỉ tiêu sớm hơn kế hoạch và là năm đầu tiên về đích trước 53 ngày. Theo đó, tổng doanh thu của DCM đã đạt 5,300 tỷ đồng. Trên đà thuận lợi, ước tính 2 tháng còn lại, Đạm Cà Mau cho biết sẽ nỗ lực bứt phá đưa các con số chỉ tiêu chính yếu tăng trưởng hơn nữa. Đó là mục tiêu đạt 880 ngàn tấn sản xuất (117% so với kế hoạch), 875 ngàn tấn tiêu thụ (116%), tổng doanh thu 5,948 tỷ đồng (112%), lợi nhuận trước thuế tương đương 667 tỷ đồng.
Cổ phiếu bất động sản bứt phá
Thị trường bất động sản đã bắt đầu hồi phục từ năm 2014 nhưng cho đến năm 2017 thì nhóm cổ phiếu bất động sản niêm yết mới thực sự bứt phá. Theo thống kê Vietstock, bất động sản là ngành tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2017 với chỉ số ngành này tăng gần 70%, bỏ xa nhóm ngành đứng thứ 2 là ngân hàng chỉ 48%.
Nhờ đó mà không ngạc nhiên khi nhiều cổ phiếu bất động sản có được sự gia tăng về dòng tiền trong năm nay, chẳng hạn DXG tăng trưởng 609%, đạt 3.5 triệu cp/phiên, QCG tăng 465%, TDH 335%, NLG 323%, LDG 220%, HQC 140%, NBB 128%, VIC xấp xỉ 30%... Đáng chú ý nữa là các cổ phiếu trên đều có giá tăng khá mạnh trong năm.
Yếu tố hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu bất động sản phần lớn liên quan đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Chẳng hạn TDH mới đây công bố lãi 2017 ước đạt hơn 142 tỷ đồng, vượt 9% kế hoạch đề ra, đây cũng là mức lãi cao nhất mà đơn vị này đạt được trong 6 năm qua.
Hay như NLG cũng tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh trong năm nay. Kết quả năm 2017 của NLG sẽ đến từ việc bàn giao các dự án hiện hữu như Ehome 3 – Block A, Fuji Residences, Ehome S – Phú Hữu, Kikyo Valora, Camellia Garden và Dalia Garden. Về hoạt động bán hàng, mục tiêu 3,692 sản phẩm cũng sẽ được hiện thực hóa. Tính đến thời điểm này thì Nam Long đã bán gần 2,500 sản phẩm, riêng trong tháng vừa qua đã bán 1,500 căn từ dự án Ehomes Nam Sài Gòn và dự án Mizuki Park.
Ngoài ra, tại nhiều doanh nghiệp bất động sản, nhiều câu chuyện được “viết ra” đã trở thành động lực thu hút nhà đầu tư giải ngân. Chẳng hạn QCG sau nhiều năm giao dịch không ấn tượng thì chỉ cần thông tin chuyển nhượng dự án Phước Kiển được công bố lập tức giúp dòng tiền “ầm ầm” đổ vào, đưa giá cổ phiếu Công ty này nhảy vọt từ vùng 3,000 đồng/cp để lên gần 30,000 đồng/cp trước khi khép lại năm 2017 tại mức giá 14,700 đồng/cp.
VPH cũng là cổ phiếu nổi bật, có thanh khoản tăng 75% và giá tăng 89% trong năm nay. Nguyên nhân khiến cổ phiếu VPH chuyển động tích cực như vậy cũng là sau khi thông tin chuyển nhượng dự án La Casa được công bố. Sau 9 tháng, cũng nhờ ghi nhận tiền từ chuyển nhượng dự án La Casa mà VPH đạt doanh thu thuần hơn 1,261 tỷ đồng và 182 tỷ đồng lợi nhuận ròng, vượt 44% và 7% chỉ tiêu đặt ra.
Ngành bất động sản ấm lên thì nhóm cổ phiếu xây dựng cũng hưởng lợi. DIG, LCG, REE, HT1, HBC, CTD… đều là những cổ phiếu có dòng tiền tăng mạnh trong năm 2017.
Trên sàn HNX, cổ phiếu nhóm tài chính lại được nhà đầu tư tăng giải ngân mạnh nhất, đáng chú ý là ACB, SHB, SHS. Trong đó, SHS gây ấn tượng với đà tăng giá gần 389%, từ hơn 4,000 đồng/cp để lên 21,000 đồng/cp. Năm 2017 chứng kiến nhiều mảng hoạt động của SHS bứt phá, đơn cử như thị phần môi giới tăng rõ rệt với quý 3/2017 dẫn đầu sàn HNX, lợi nhuận quý 3 cũng gần 100 tỷ đồng, tăng 14 lần so cùng kỳ.
Top 30 mã có thanh khoản tăng cao nhất sàn HOSE
Top 30 mã có thanh khoản tăng cao nhất sàn HNX
Cổ phiếu đầu cơ giảm sức hấp dẫn
Trong nhóm tăng trưởng dòng tiền, có nhiều mã đầu cơ như AGR, VOS, HAI, KLF, KSK, PVX, VIG, SPI… Tuy nhiên, cũng rất nhiều cổ phiếu đầu cơ khác không còn sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
Trên sàn HOSE có KMR với khối lượng giao dịch bình quân năm chỉ còn hơn 100,000 cp/phiên, giảm 75% và giá giảm 16%. JVC có dòng tiền giảm 60% nhưng giá cổ phiếu lại tăng 15%. Đà tăng JVC có được nhờ những phiên giao dịch cuối năm khi HOSE quyết định chuyển cổ phiếu JVC từ diện kiểm soát sang diện cảnh báo kể từ ngày 15/12/2017 do đã khắc phục được vi phạm về nghĩa vụ công bố thông tin.
Sàn HNX chứng kiến hàng loạt cổ phiếu đầu cơ giảm mạnh dòng tiền như SGO, MAC, ITQ, HAD, LIG, KHB, TVC, VAT, VKC, SIC, NHP, DPS…
Tại KHB, khối lượng giao dịch bình quân giảm 52%, giá cổ phiếu hiện chỉ còn 1,100 đồng/cp. Hoạt động kinh doanh tại đơn vị này trong năm 2017 gần như chỉ cầm chừng, cả 3 quý gần đây nhất đều không có doanh thu. Cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát trong khi mối liên quan đến MTM vẫn còn là dấu hỏi khiến nhà đầu tư mất dần kiên nhẫn với cổ phiếu này.
Còn như SIC, cổ phiếu này từng là “á quân” tăng giá năm 2016 nhưng từ đầu năm 2017 đã liên tục suy giảm. Kết thúc năm 2017, SIC giảm 65% so với hồi đầu năm, cùng với đó thì khối lượng giao dịch bình quân giảm 18%, chỉ còn 130,000 cp/phiên.
Top 30 mã có thanh khoản giảm cao nhất sàn HOSE
Top 30 mã có thanh khoản giảm cao nhất sàn HNX
Sanh Tín